Friday, March 29, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Việt Nam đã ‘tính toán sai’ khi bỏ phiếu trắng về Ukraine


Việt Nam bỏ phiếu trắng trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cho nghị quyết lên án Nga về cuộc chiến ở Ukraine, mặc dù dựa trên lợi ích quốc gia, nhưng là ‘tính toán sai’ vì không xét đến khả năng Việt Nam ‘có thể lâm vào hoàn cảnh giống như Ukraine trong tương lai’, một nhà quan sát trong nước nhận định với VOA.

Phiên họp đặc biệt khẩn cấp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 2/3 đã thông qua nghị quyết đòi Nga rút quân khỏi Ukraine
Phiên họp đặc biệt khẩn cấp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 2/3 đã thông qua nghị quyết đòi Nga rút quân khỏi Ukraine. Hình Reuters
Đại sứ Việt Nam tại LHQ Đặng Hoàng Giang (trái), Đại hội đồng LHQ bỏ phiếu nghị quyết lên án Nga xâm lược Ukraine hôm 28/2/2022. Hình AFP

Đại sứ Việt Nam tại LHQ Đặng Hoàng Giang (trái), Đại hội đồng LHQ bỏ phiếu nghị quyết lên án Nga xâm lược Ukraine hôm 28/2/2022

Việt Nam là một trong 35 nước đã bỏ phiếu trắng trong phiên họp khẩn cấp bất thường về tình hình Ukraine của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 2/3, cùng với những nước lớn, đông dân như Trung Quốc, Ấn Độ. Tuy nhiên, nghị quyết này đã được thông qua với 141 phiếu thuận trong tổng số 193 nước bỏ phiếu.

Chỉ có năm nước bỏ phiếu chống bao gồm Nga và Belarus, Bắc Triều Tiên, Syria và Eritrea. Trong khu vực ASEAN, ngoài Việt Nam chỉ có Lào là bỏ phiếu trắng.

Tuy nhiên, bài phát biểu trước phiên bỏ phiếu của ông Đặng Hoàng Giang, đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, được xem là lời chỉ trích kín đáo nhằm vào Nga khi ông nói rằng chiến tranh thường bắt nguồn từ ‘chính trị cường quyền, tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế’.

Phiếu trắng này đã gây thất vọng lớn cho nhiều người dân Việt Nam, nhất là giới tranh đấu về dân chủ và nhân quyền vốn hy vọng Hà Nội lên tiếng mạnh mẽ hơn về hành động xâm lược Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

‘Trượt chân khó đỡ’

Từ Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Vinh, blogger được nhiều người biết tiếng với tên gọi ‘Anh Ba Sàm’, nhận định phiếu trắng này là ‘cú trượt chân khó đỡ của ngoại giao Việt Nam’ vì nó ‘sẽ gây hậu quả không nhỏ cho Việt Nam về lâu dài’.

Ông đồng ý rằng trong vấn đề bỏ phiếu này, Hà Nội cũng giống như Ấn Độ hay Trung Quốc là hành động theo lợi ích quốc gia chứ ‘không nên nghe theo tiếng gọi đạo lý’ là lên án hành vi xâm lược. Tuy nhiên, lợi ích quốc gia của Việt Nam, theo ông Vinh, là ‘xét kỹ lợi ích về sau’.

Ông nhìn nhận nếu Việt Nam bỏ phiếu thuận thì ‘sẽ có hậu quả rất lớn’ trong quan hệ giữa Hà Nội với Moscow. Nhưng ông lập luận nếu Việt Nam ‘so đo đồng tiền bát gạo’ – so sánh quan hệ với Moscow quan trọng hơn quan hệ với Kyiv – thì đó là ‘cách nhìn thực dụng ngu xuẩn’, ‘thiển cận vì chỉ thấy lợi ích trước mắt’.

Theo giải thích của ông Vinh thì ‘Việt Nam có nguy cơ rơi vào tình huống tương tự như Ukraine’ và lá phiếu trắng này sẽ ảnh hưởng xấu nếu Hà Nội cần sự ủng hộ quốc tế trong tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông.

“Nếu không có sự chia sẻ cảm thông với người đồng cảnh ngộ với mình thì làm sao khối ASEAN và thế giới thông cảm với mình trong tương lai,” ông Vinh nói.

Blogger này chỉ ra ‘điều trớ trêu’ là ngay cả những nước độc tài, phản dân chủ như Campuchia và Myanmar đều bỏ phiếu lên án Nga, khiến Việt Nam gần như bị cô lập trong ASEAN khi chỉ có Lào là bỏ phiếu giống Việt Nam.

“Singapore không chỉ bỏ phiếu thuận mà còn áp đặt trừng phạt đối với Nga,” ông Vinh chỉ ra.

Theo phân tích của ông thì khi bỏ phiếu như vậy Việt Nam đã ‘chọn đứng ngoài lề’ xu thế lịch sử. Nếu ông Putin thua hay bị sa lầy ở Ukraine, hay chiến tranh lan rộng ở châu Âu thì ‘Việt Nam lại càng thua thiệt’.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang -Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc -phát biểu tại phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng về Ukraine.

Tình thế tế nhị?

Khi được hỏi có phải Hà Nội ở trong thế khó xử vì cũng đã từng đưa quân vào Campuchia để trấn áp chế độ Pol Pot năm 1979, một hành động bị thế giới lên án là ‘xâm lược’ nhưng Hà Nội gọi là ‘thực thi nghĩa vụ quốc tế’, nên bây giờ khó lên án Nga vì hành vi tương tự, ông Vinh thừa nhận là ‘nếu phê phán Nga thì Việt Nam cũng phải ít nhiều xét lại cuộc chiến ở Campuchia và hối lỗi’.

Tuy nhiên, ông lập luận ‘không thể nói anh đã từng sai lầm rồi thì không được phê phán người khác cũng sai lầm trong khi sai lầm đó đã từ gần nửa thế kỷ trước’.

Với lại, ông nói giữa Ukraine ngày nay và Campuchia ngày xưa có sự khác biệt. “Campuchia lúc đó đối với thế giới là diệt chủng, còn đối với Việt Nam là tàn sát người dân và quấy rối một cách ghê gớm,” ông nói nhưng nhìn nhận ‘nếu Ukraine tham gia vào NATO thì có thể làm cho Nga bất an’.

“Truyền thông Nga cũng đang tìm cách lừa bịp thế giới rằng Ukraine là phát xít kiểu giống như Campuchia ngày xưa nhưng hai trường hợp là khác nhau,” ông nói thêm.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, phát biểu trong phiên họp đặc biệt về Ukraine vào ngày 1/3/2022.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, phát biểu trong phiên họp đặc biệt về Ukraine vào ngày 1/3/2022. Hình VOV

‘Hậu quả của chọn sai’

Ông Vinh phân tích rằng lá phiếu trắng này là kết quả của ‘đường lối đối ngoại sai lầm’ của Hà Nội trong thời gian dài khi ngả qua Nga quá nhiều mà ông gọi là ‘sự lỡ trớn’.

“Đáng lẽ nên có sự chuyển hướng từ trước về chuyện bớt lệ thuộc vào Nga đi vì rõ ràng tôi nhìn thấy trong nhiều năm qua là vẫn có ảo tưởng là Nga có thể đỡ cho Việt Nam trong việc cự địch với Trung Quốc, đặc biệt là trong vấn đề dầu khí ngoài Biển Đông,” ông nói.

“Đau đớn là cuối cùng Nga rút lui (trước sức ép Trung Quốc),” ông nói thêm.

Ông cho rằng nếu Hà Nội bỏ phiếu ủng hộ Ukraine thì cũng có thể được xem là Hà Nội ủng hộ nền dân chủ non trẻ của Kyiv sau cuộc cách mạng Maidan hồi năm 2014 để đưa Kyiv thoát khỏi ảnh hưởng của Nga nhưng Hà Nội ‘không đặt nặng vấn đề này’.

Ông chỉ ra có ‘sự nhầm lẫn’ của nhiều người dân ở Việt Nam có cảm tình với nước Nga, nhất là ở những quan chức đã từng học tập ở Nga rằng ‘đây là cuộc chiến của nước Nga, của người dân Nga’.

“Đây là cuộc chiến của Putin, của một kẻ độc tài chứ không phải cuộc chiến của dân Nga,” ông khẳng định.

Theo ông, Việt Nam có thể ‘tìm cách gỡ lại cú trượt chân này’ bằng cách không lên tiếng chính thức nhưng cho các tổ chức quần chúng như Mặt trận Tổ quốc, Hội Thanh niên hay Hội Phụ nữ… lên tiếng ủng hộ Ukraine.

Ngoài ra, chính quyền có thể bật đèn xenh cho báo chí lên tiếng giùm cho Nhà nước trên những vấn đề đối ngoại tế nhị như Ukraine để ‘chuẩn bị cho những thay đổi về chính sách đối ngoại’.

Theo quan sát của ông thì báo chí Việt Nam ‘đang có sự chuyển hướng dần dần’, ‘đã bắt đầu đưa tin nhiều hơn về thương vong của dân thường, về quốc tế ủng hộ Ukraine như thế nào’. “Nhưng chỉ mới nhích một chút thôi chứ không đáng kể,” blogger này nhận định.

Tất cả báo chí chính thống của Việt Nam cho đến nay đều gọi hành động quân sự của ông Putin tại Ukraine là ‘chiến dịch quân sự đặc biệt’ theo cách gọi của Nga chứ không gọi là ‘cuộc xâm lược’ như truyền thông phương Tây.

‘Chia sẻ bài học ‘Ba Không’

Trong bài phỏng vấn mới đây trên tờ Tuổi Trẻ, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, cựu Thứ trưởng Quốc phòng, cũng nói rõ thêm quan điểm của Việt Nam về cuộc chiến ở Ukraine, mà hai bên tham chiến ‘đều là bạn bè truyền thống của Việt Nam’.

Đối với Nga, ‘người bạn truyền thống, từng giúp đỡ nghĩa tình cho Việt Nam’, ông Vịnh nói Việt Nam ‘ủng hộ Nga là một cường quốc trên thế giới, ủng hộ bảo đảm an ninh của nước Nga trong nội địa và không bị uy hiếp ngoài biên giới’ và ‘không đồng tình với các lệnh trừng phạt kinh tế, bao vây, cấm vận áp đặt lên nước Nga’.

Đồng thời Hà Nội cũng sẽ khuyên Nga là ‘không xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ các nước bất luận là hình thức nào’ và ‘dùng chiến tranh hoặc sức mạnh để giải quyết tranh chấp là không thể chấp nhận’.

“Chúng ta cũng không đồng tình khi cuộc chiến này sẽ tạo ra các tiền lệ xấu trong quan hệ quốc tế,” ông Vịnh nói với Tuổi Trẻ.

Còn đối với Ukraine, vị cựu lãnh đạo Bộ Quốc phòng này nói rằng Việt Nam ‘ủng hộ Ukraine bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ danh dự quốc gia’. “Chúng ta chân thành mong muốn Ukraine hòa bình, không bị áp đặt bởi chính trị cường quyền, không phải chịu đựng chính sách ‘ngoại giao pháo hạm’ của nước lớn,” ông nói.

Ông cho rằng Việt Nam có thể khuyên Ukraine rằng ‘để đất nước mình trở thành nơi xung đột quyền lực của các nước lớn là rất không ổn’. “Sống cạnh nước lớn mà anh lại định đem sức mạnh quân sự để đối đầu với họ là hạ sách. Cũng cần góp ý với bạn về việc không nên nghiêng về bên nào,” ông phân tích.

“Việt Nam có thể chia sẻ với bạn bài học ‘3 không’ trong chính sách quốc phòng, đó là không liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự, không cho nước ngoài sử dụng lãnh thổ nước mình để chống lại nước thứ ba,” ông Vịnh nói thêm. (T/H, VOA)