Friday, April 26, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Việt Nam: Buôn bán lao động trẻ em dưới danh nghĩa xuất khẩu lao động

  • Nhà nước Việt Nam có nghĩa vụ giải cứu và hồi hương các nạn nhân

Mạch Sống, ngày 27 tháng 8, 2021

http://machsongmedia.org

Trong 3 tháng qua, chương trình CAMSA của BPSOS đã thu thập chứng cứ về nhiều trường hợp trẻ vị thành niên bị đưa sang làm ôsin ở Ả Rập Xê Út với ngày tháng năm sinh bị thay đổi để tăng tuổi.

Trẻ em bị lạm dụng sức lao động trong các lò gạch (Hình minh họa).

Theo Nghị Định Thư LHQ về chống buôn người, thường được gọi tắt là Nghị Định Thư Palermo, mà Việt Nam ký kết năm 2011, việc mua, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hay tiếp nhận một trẻ em dưới 18 tuổi nhằm mục đích bóc lột lao động hoặc tình dục sẽ đương nhiên bị coi là “buôn bán người”, bất luận phương cách đã sử dụng để đạt mục đích này.

Em Siu H Xuân, người Tây Nguyên ở Đắk Lắk, là trường hợp điển hình. Tháng 8 năm 2018, có người đến tận nhà em để khuyến dụ rồi đưa em đi lên Thanh Hoá mà gia đình hoàn toàn không biết. Ở Thanh Hoá em học tiếng Ả Rập và học các công việc của ôsin. Khi em ngỏ ý muốn về với gia đình thì bị doạ là phải đóng tiền phạt 1,300 USD mà gia đình em không thể nào trả. Tháng 10, em bị gửi đi Ả Rập Xê Út. Trước khi lên máy bay em gọi về nhà, khóc và tâm sự rằng không biết có sống sót để trở về không. Ngày 18 tháng 7 vừa qua, em đã chết. Trước đó vài hôm, em gọi cho một người quen ở Ả Rập Xê Út cho biết là em vừa bị đánh đập dã man, e không sống nổi.

Hình 1. Văn thư báo tử của công ty VINACO.

Ngày 4 tháng 8, VINACO, công ty đã đưa em H Xuân đi xuất khẩu lao động, báo cho gia đình và các giới chức chính quyền là em đã tử vong do bị suy tim. Giấy báo tử ghi là em H Xuân sanh ngày 30 tháng 10 năm 1996. Trong thực tế, em H Xuân sinh ngày 30 tháng 10 năm 2003. Nghĩa là em đã bị tăng thêm 7 tuổi trong hồ sơ của VINACO.

Hình 2. Giấy khai sinh của Siu H Xuân.

“Đến nay chúng tôi đã lập 4 hồ sơ trẻ vị thành niên bị khai tăng tuổi để đưa sang làm ôsin ở Trung Đông,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, cho biết. “Chúng tôi cũng được báo về nhiều trường hợp nữa và đang truy tìm các em này.”

Một trường hợp đang kẹt ở Ả Rập Xê Út và cần được giải cứu là em R.M.N., thuộc dân tộc Tây Nguyên ở Tỉnh Gia Lai. Ngày sinh của em là 10 tháng 12, 2000, theo giấy khai sinh.

Hình 3. Giấy khai sinh của R.M.N.

Tuy nhiên, công ty xuất khẩu lao động đã làm giả tờ hộ khẩu với ngày sinh là 2 tháng 4 năm 1996.

Hình 4. Hộ khẩu do công ty xuất khẩu lao động làm giả.

Theo Ts. Thắng, trước đây có thể nhà nước Việt Nam không biết, nhưng bây giờ đã biết, và khi đã biết thì, theo Nghị Định Thư Palermo, họ có trách nhiệm giải cứu và hồi hương nạn nhân, đồng thời điều tra, truy tố và trừng trị thủ phạm.

“Bằng không thì xem như chính nhà nước đang dung dưỡng hành vi buôn lao động trẻ em,” Ts. Thắng giải thích. “Năm nay là năm thứ 3 Việt Nam bị Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đưa vào danh sách phải theo dõi về tình trạng buôn người; họ có 9 tháng để chứng minh thực tâm bài trừ nạn buôn người để tránh không bị chế tài.”

Trong 3 tháng qua, chương trình CAMSA đã chuyển 40 hồ sơ nạn nhân buôn người ở Ả Rập Xê Út cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và LHQ. Các toà đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam và Ả Rập Xê Út cũng đã được báo động. Ngoài ra, Toà Đại Sứ Anh cũng quan tâm về tình trạng buôn người ở Việt Nam sau cái chết của 39 người Việt trong xe vận tải đông lạnh ở Anh Quốc năm 2019.

“Nhà nước Việt Nam có nghĩa vụ đưa các nạn nhân, đặc biệt các người bị buôn khi còn vị thành niên, về nước một cách sớm nhất,” Ts. Thắng nói. “Họ cũng phải đưa xác của em Siu H Xuân về cho gia đình nhìn mặt lần chót rồi chôn cất ở Việt Nam.”
Ngày 3 tháng 9 tới đây sẽ có chuyến bay Bamboo Airways từ thủ đô Riyadh của Ả Rập Xê Út về sân bay Vân Đồn, Tỉnh Quảng Ninh. Đây là chuyến bay chở đội tuyển bóng đá Việt Nam sẽ đá vòng loại 3 với Ả Rập Xê Út. Chuyến bay này còn 250 chỗ trống trên đường trở về.

CAMSA, viết tắt của Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia (Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới ở Á Châu), là chương trình do BPSOS khởi xướng năm 2008. Từ đó đến nay, CAMSA đã trực tiếp giải cứu 5 nghìn nạn nhận ở 24 quốc gia và hỗ trợ việc giải cứu 6 nghìn nạn nhân ở Nga. Khoảng 75% các nạn nhân này là người Việt. Thông tin về các cuộc giải cứu nạn nhân buôn người được cập nhật tại trang Facebook: https://www.facebook.com/CAMSA.International

Thông tin liên quan:

Quốc tế kêu gọi Việt Nam hồi hương người lao động từ Trung Đông
https://machsongmedia.org/vietnam/chong-buon-nguoi/1745-quoc-te-keu-goi-viet-nam-hoi-huong-nguoi-lao-dong-tu-trung-dong.html

Nội dung Nghị Định Thư Palermo:
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Nghi-dinh-thu-ngan-ngua-phong-chong-trung-tri-buon-ban-nguoi-dac-biet-la-phu-nu-tre-em-183145.aspx