Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

VIC BÁO ĐỘNG: ‘Tôi như chết đi sống lại sau khi nhiễm vi khuẩn ăn thịt người’

Từ vết loét đỏ ban đầu, không ít bệnh nhân buộc phải cưa chân, cận kề cái chết sau khi nhiễm vi khuẩn ăn thịt người tấn công.

Rob Courtney, 80 tuổi, ở đông nam Úc, chưa từng nghĩ vết thương như cháy nắng lại khiến cuộc đời ông rơi vào bi kịch. Chỉ vài ngày sau, tình trạng mẩn đỏ và nhiễm trùng ngày càng nặng hơn. Da bàn chân phải của Rob nứt toác, vết thương rỉ nước đáng sợ.

Vừa tới bệnh viện, các bác sĩ lập tức cấp cứu cho ông. Kết quả chẩn đoán cho thấy bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn ăn thịt người, còn được gọi là loét Buruli. Theo New York Times, gần đây, căn bệnh này bùng phát tại khu vực ven biển nơi ông Rob sinh sống.

Khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất ở Úc là bán đảo Mornington, thuộc tiểu bang Victoria.

Kẻ xâm nhập đáng sợ

Vết loét khiến phần thịt trên bàn chân của bệnh nhân 80 tuổi bị ăn mòn, hoại tử. Các bác sĩ phải kê thuốc kháng sinh cực mạnh – loại thường được sử dụng để chữa bệnh phong và lao.

Thuốc khiến Rob buồn nôn, mệt mỏi, mồ hôi và nước mắt chuyển sang màu cam. 50 ngày tiếp theo, cụ ông 80 tuổi buộc phải gắn với giường bệnh, nhiều lần cận kề cái chết.

“Đó là cả quá trình như chết đi sống lại sau khi nhiễm vi khuẩn”, nam bệnh nhân chia sẻ khi đang ở phòng khám địa phương, vết thương phải băng bó vài tuần.

Vết loét đã “ăn” quá nửa bàn chân của ông Rob trước khi bệnh nhân được đưa đến viện. Sau khi tiếp nhận trường hợp này, ê-kíp điều trị thực hiện nhiều ca phẫu thuật để loại bỏ mô, cơ bị hoại tử. Công việc này được ví như khoan, cắt bê tông. Tiến sĩ Adrian Murrie, bác sĩ điều trị cho ông Rob, cho hay: “Cách duy nhất trong trường hợp này là loại bỏ phần thịt đã hoại tử, nếu không, da sẽ không bao giờ lành lại”.

Sau đó, ông Rob vẫn phải chiến đấu kiên cường với căn bệnh. Bởi rất có thể, nó còn lâu mới kết thúc. Các bác sĩ hy vọng quá trình này kéo dài khoảng 6 tháng.

nhiem vi khuan an thit nguoi anh 1
Rob Courtney, 80 tuổi, bị loét Buruli và đang được điều trị tại Sorrento, Victoria. Bên cạnh ông là tiến sĩ Daniel O’Brien (áo trắng) và y tá Donna Beckett (áo đen), ê-kíp trực tiếp điều trị. Ảnh: Christina Simons/The New York Times.

Với những bệnh nhân bị loét Buruli, họ phải đối diện hành trình gian nan, nguy cơ diễn biến nặng. Trong nhiều tình huống xấu, bệnh nhân phải cắt cụt tứ chi hay tử vong nếu thuộc nhóm người lớn tuổi, dễ bị tổn thương. Các vết thương có thể mất hàng tháng để chữa lành. Vết sẹo còn lại trên cơ thể khiến bệnh nhân tổn thương về thể chất và tâm lý.

“Đó là căn bệnh đáng sợ cần phải đối phó. Nó khá khó chịu. Những người xung quanh cũng không thoải mái khi đối diện”, tiến sĩ Daniel O’Brien, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Geelong, nhận định.

Chỉ trong tháng 3, bác sĩ Daniel đã điều trị cho hơn chục bệnh nhân bị loét Buruli, bao gồm ông Rob Courtney. Khi vị bác sĩ này tới Sorrento, Mornington, cách đây 10 năm, ông rất ít khi gặp bệnh nhân bị vi khuẩn ăn thịt người tấn công. Tuy nhiên, giờ đây, mỗi tuần, số bệnh nhân nhập viện vì chúng lên tới 50 người.

Đến nay, bác sĩ Daniel đã điều trị cho hơn 1,000 bệnh nhân bị loét Buruli do vi khuẩn ăn thịt người. Họ là những bệnh nhân tại Úc và các quốc gia khác. Nhiều người trong đó đã lớn tuổi, nhưng cũng không ít bệnh nhân là giáo viên trẻ, công nhân, thậm chí trẻ em.

Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ Daniel sẽ đo mức độ tổn thương bằng thước kẻ, đánh dấu và theo dõi sự phát triển của vết loét. Chúng trông như những cơn ác mộng bởi nhiều bệnh nhân bị vết loét ăn sâu tận xương. Hầu hết người bệnh không cảm thấy đau vì vết thương này.

Dù vậy, độc tố ăn thịt người do vi khuẩn tạo ra gieo rắc nỗi kinh hoàng đặc biệt. Nó làm suy yếu phản ứng miễn dịch, vừa làm tê liệt phần da, mô, cơ mà nó đang “ăn”. Chính vì vậy, bệnh nhân không cảm thấy đau đớn dù tình trạng đang nặng lên từng ngày.

Nhiều bệnh nhân ít nghiêm trọng từ chối phẫu thuật cắt bỏ phần vết thương. Thay vào đó, họ chọn biện pháp tự nhiên như chườm nóng, đất sét. Bác sĩ Daniel khuyến cáo cách làm này có thể gây nguy hiểm.

Hầu hết trường hợp phải sử dụng kháng sinh trong điều trị. Trước đây, căn bệnh chủ yếu được điều trị bằng phẫu thuật. Nhờ các loại thuốc tốt hơn, tiên lượng bệnh đã cải thiện đáng kể. Dù thế, căn bệnh vẫn không có cách phòng ngừa. Bất kỳ người dân nào cũng có thể trở thành “mồi ngon” của vi khuẩn ăn thịt người Buruli.

nhiem vi khuan an thit nguoi anh 2
Michael Steele đang chờ ghép da sau khi bị nhiễm vi khuẩn ăn thịt người Buruli. Anh mắc bệnh này vào năm 2020. Ảnh: Christina Simons/The New York Times.

Ngày càng nhiều người mắc bệnh

Theo tài liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), loét Buruli do vi khuẩn Mycobacterium ulcerans gây ra. Nhiễm trùng chủ yếu ảnh hưởng da, mô mềm, xương và dẫn đến hình thành các vết loét lớn tại chân, tay. 25% trường hợp bị nhiễm trùng xương, phải cắt cụt tứ chi, tàn tật vĩnh viễn vì phát hiện và điều trị bệnh ở giai đoạn muộn.

Loét Buruli đã được ghi nhận ở 33 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó, chủ yếu là châu Phi – nơi thiếu khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Kết quả, nhiều bệnh nhân tại đây bị biến dạng tứ chi và tàn tật vĩnh viện.

nhiem vi khuan an thit nguoi anh 3
Tim Stinear và Stacey Lynch, hai nghiên cứu viên tìm hiểu về cách thức lây truyền của bệnh loét Buruli, đang chuẩn bị bẫy muỗi tại bán đảo Mornington vào tháng 3. Ảnh: Christina Simons/The New York Times.

Tại Úc, những ca bị loét Buruli đầu tiên được ghi nhận vào khoảng năm 1940. Gần đây, nó đột ngột tái xuất với hàng loạt ca mắc mới. Khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất ở Úc là bán đảo Mornington, thuộc tiểu bang Victoria.

Hơn 180 trường hợp được ghi nhận mỗi năm kể từ 2016. Trong đó, đỉnh điểm là năm 2018, nơi này có 340 người bị vi khuẩn ăn thịt người xâm nhập. Tháng 2, căn bệnh đã lan rộng đến các vùng ngoại ô của Melbourne, thành phố với 5 triệu dân.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), viêm loét Buruli vẫn còn là bí ẩn bởi không ai rõ chính xác cách thức lây lan của bệnh. Ở Úc, các chuyên gia chưa thể lý giải vì sao dịch bùng lên tại Mornington.

Họ cho rằng loét Buruli có nguồn gốc từ động vật. Virus đã nhảy từ động vật sang người và lây nhiễm từ người bệnh sang người lành. Điều này được cho là hệ lụy từ hành động xâm phạm môi trường hoang dã của con người.

Vì thế, giả thuyết nhiều người nghĩ tới đó là do chuột túi. Bệnh truyền từ chuột túi sang người qua vật chủ trung gian là muỗi. Tuy nhiên, những hướng nghiên cứu về giả thuyết này đều vấp phải nhiều khó khăn về văn hóa và môi trường. (Z/N)