Friday, December 20, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Vì sao trào lưu chụp ảnh selfie tiêm vắc-xin Covid-19 gây phẫn nộ?

Trào lưu “vắc-xin selfie” vấp phải những ý kiến trái chiều tại Mỹ. Trong khi hình ảnh tích cực làm tăng sự tin tưởng vào vắc-xin, vẫn có người bức xúc việc chia sẻ là thiếu tế nhị.

Khoảng 47.2 triệu người Mỹ đã được tiêm một liều hoặc đủ cả hai liều vắc-xin ngừa Covid-19, tính đến ngày 27/2. Dẫu vậy, trào lưu chụp ảnh selfie tiêm vắc-xin vẫn phổ biến trên mạng xã hội Mỹ, kéo theo đó là những tranh cãi trong cộng đồng mạng lẫn truyền thông về “phép lịch sự” trong câu chuyện khoe tiêm ngừa vắc-xin.

Một bộ phận dư luận Mỹ cho rằng những bức ảnh “vắc-xin selfie” với người chụp tươi cười đang gây phản cảm, nếu đặt chúng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã gây nên cái chết của hơn 2.5 triệu người trên toàn cầu và riêng tại Mỹ là hơn 500,000 người. Nước Mỹ có hơn 300 triệu dân và phần lớn dân số vẫn chưa có cơ hội tiêm vắc-xin.

Tuy nhiên, giới chuyên gia y tế cộng đồng lại ủng hộ trào lưu nói trên. Hình ảnh mọi người an toàn, khỏe mạnh khi tiêm vắc-xin sẽ tạo sự an tâm với những ai còn lo ngại. Theo một khảo sát vừa qua, do AP và NORC thực hiện, cứ 3 người Mỹ thì có một người tuyên bố chắc chắn sẽ không hoặc có thể sẽ không tiêm vắc-xin Covid-19.

Trao luu chup anh selfie tiem vaccine anh 1
Giảng viên một trường đại học ở Tây Ban Nha chụp ảnh selfie khoảnh khắc cô nhận liều vắc-xin Covid-19 ngày 24/2. (Hình AFP).

Khoe khoang khi người khác khốn khó?

“Hãy hạ nhiệt kiểu vắc-xin selfie một lúc”, nhà báo Miles Howard viết trên mục xã luận của tờ Boston Globe tuần qua.

Ông lo ngại việc chia sẻ ảnh selfie tiêm ngừa vắc-xin khi còn nhiều người chưa được tiêm ngừa, nằm ngoài danh sách ưu tiên, bị nhìn nhận là hành động khoe khoang. Bên cạnh đó, trào lưu này có thể gia tăng tâm lý “lo sợ mất phần” trên mạng xã hội.

Một số quan điểm chỉ trích khác tập trung vào tính thiếu tế nhị trong việc chia sẻ khoảnh khắc tiêm ngừa. Thực tế là nhiều trường hợp nhận vắc-xin vốn có lợi thế tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn phần còn lại trong dân số Mỹ.

“Không ai cấm bạn ăn mừng, nhưng hãy làm điều đó một cách kín đáo giùm”, Alan Drummond, bác sĩ người Canada chuyên về cấp cứu, gửi thông điệp đến các đồng nghiệp qua trang tin The Conversation.

“Đừng làm chuyện đó một cách quá rình rang, khi vẫn còn nhiều đồng nghiệp của các bạn đang phải đối diện với mối nguy này, đang trải qua lo lắng và sợ hãi. Chúng tôi thông cảm. Chúng tôi mừng cho các bạn. Nhưng đừng xát muối lên vết thương của chúng tôi”, ông chia sẻ.

Trao luu chup anh selfie tiem vaccine anh 3
Một người đàn ông tại Israel chụp ảnh selfie khoảnh khắc nhận liều vắc-xin Covid-19 đầu tiên vào ngày 4/2. (Hình Reuters).

Selfie để khuyến khích tiêm vắc-xin

Nằm trong nhóm ủng hộ trào lưu “vắc-xin selfie”, cây bút Brit Trogen của tờ Atlantics cho rằng mỗi người chia sẻ khoảnh khắc mình được tiêm vắc-xin ngừa virus corona là một dạng “dịch vụ công”.

Trogen lưu ý cộng đồng cần những hình ảnh này để đối trọng những câu chuyện mang đậm màu sắc cá nhân mà các nhóm chống vắc-xin (Anti-vax) thường lan truyền.

“Hàng nghìn bức ảnh nhân viên y tế tươi cười trước ống kính, hay rơi lệ vì vui sướng và cảm giác nhẹ nhõm, sẽ là hành trang cảm xúc vô cùng quan trọng cho những số liệu thống kê choáng ngợp về đại dịch”, bà nhận định.

Theo Richard Baron, chủ tịch và giám đốc điều hành American Board of Internal Medicine (ABIM) – một tổ chức thẩm định và cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ nội trú và dưới chuyên khoa tại Mỹ, cũng ủng hộ trào lưu “vắc-xin selfie”.

Ông thừa nhận vẫn còn nhiều người Mỹ chưa được tiêm vắc-xin Covid-19. Tuy nhiên, khi các bác sĩ -những người vốn được tôn trọng trong cộng đồng -thể hiện sự ủng hộ dành cho vắc-xin qua những chia sẻ giàu cảm xúc, họ có thể thuyết phục được nhiều người khác chấp nhận tiêm ngừa.

“Chúng ta cần dùng mọi kênh thông tin khả dĩ”, Baron nhận định.

Quan chức chính phủ và người làm việc cho cơ quan công quyền cũng đang hưởng ứng trào lưu này với cùng tâm lý trên. Danh sách những người chia sẻ công khai khoảnh khắc tiêm vắc-xin còn có cả Tổng thống Joe Biden và Phó tổng thống Kamala Harris.

Một số nhân vật của công chúng, người nổi tiếng cũng chia sẻ trên truyền thông cảm giác của họ khi được tiêm vắc-xin Covid-19, tăng cường nhận thức cho cộng đồng. Jonathan Van Ness, một ngôi sao truyền hình thực tế tại Mỹ đã dương tính với H.I.V, thông qua ảnh selfie tiêm vắc-xin kêu gọi những người Mỹ có bệnh nền cần chủ động kiểm tra họ có trong diện ưu tiên hay không và đăng ký nhận vắc-xin ở địa phương.

Nỗ lực tuyên truyền về vắc-xin

Nhà chức trách tại Mỹ thậm chí đang khuyến khích nhân rộng trào lưu. Một vài điểm tiêm ngừa vắc-xin Covid-19 làm sẵn kho vực cho người dân đến tạo dáng và selfie.

Richard Baron ủng hộ cách làm này vì nó giúp “bình thường hóa” vắc-xin giữa một xã hội Mỹ đang chia rẽ sâu sắc và niềm tin vào khoa học liên tục bị tấn công bởi các thuyết âm mưu. Theo Baron, trào lưu chụp ảnh selfie ở các điểm tiêm vắc-xin đang giúp tiêm ngừa được nhìn nhận như một việc bất kỳ ai cũng làm được.

Người lãnh đạo của ABIM cũng chia sẻ trên mạng cả hai khoảnh khắc ông tiêm vắc-xin Covid-19. Baron luôn tươi cười và cố tình không chụp mũi kim tiêm để mọi người không lo sợ. Ông muốn lan tỏa niềm vui rằng vắc-xin sẽ giúp mọi người trở lại với cuộc sống bình thường.

Ủy ban Thương mại Liên bang còn đưa ra khuyến cáo cụ thể cho người dân về việc đăng tải hình ảnh tiêm vắc-xin. Họ lưu ý mọi người kiểm tra kỹ hình ảnh, đảm bảo đã nhận được sự cho phép từ những người khác cùng xuất hiện trong bức ảnh, chẳng hạn như các nhân viên y tế, và tránh để lộ thông tin cá nhân quan trọng như thẻ tiêm vắc-xin cấp bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC). (Z/N)