Sunday, December 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Vì sao biến chủng SARS-CoV-2 ở Nam Phi nguy hiểm?

Biến chủng 501.V2 của virus SARS-CoV-2 tại Nam Phi có khả năng lây lan nhanh và nguy hiểm hơn so với nhiều loại khác.

Biến chủng mới ở Nam Phi có tên là 501.V2. Ít nhất 20 đột biến được xác định có trong biến chủng 501.V2. Trong đó, 3 đột biến (E484K, K417N và N501Y) xảy ra tại các vùng quan trọng của gene, tạo ra protein gai dùng để gắn vào tế bào người. Đặc biệt, E484K có khả năng làm giảm độ nhận biết của kháng thể người với virus.

Biến chủng này lần đầu tiên xuất hiện ở khu vực vịnh Nelson Mandela ở Nam Phi vào tháng 10/2020. Sau đó, nó lan rộng khắp đất nước. Nam Phi đã ghi nhận hơn 1.1 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 30,000 trường hợp tử vong, nhiều nhất trên lục địa châu Phi.

Giống B117 ở Anh, loại biến chủng này cũng dễ lây lan hơn. Các nhà khoa học cho biết B117 không có khả năng làm tổn hại đến hiệu quả của các loại vắc-xin hiện tại. Tuy nhiên, biến chủng 501.V2 ở Nam Phi có thể nguy hiểm hơn.

Biến chủng ở Nam Phi đáng lo ngại

Tất cả virus, bao gồm cả SARS-CoV-2, đều có thể đột biến. Những thay đổi gene nhỏ này xảy ra khi virus tạo ra các bản sao mới của chính nó để dễ lây lan và phát triển.

Biến chủng này đã lan rộng khắp Nam Phi. Theo báo cáo, các quốc gia phát hiện 501.V2 bao gồm Anh, Áo, Na Uy, Phần Lan, Thụy Sĩ, Úc và Nhật Bản.

Những thay đổi đối với cấu tạo gene của virus không phải là mới. Nhiều biến chủng khác của virus gây bệnh Covid-19 đã xuất hiện, một số có khả năng lây nhiễm cao hơn, một số có thể gây chết người hơn. Chẳng hạn, biến chủng mới ở Anh được coi là dễ lây nhiễm nhưng không gây chết người nhiều hơn.

Su nguy hiem cua bien chung SARS-CoV-2 o Nam Phi anh 1
Nhân viên y tế làm việc tại Sở Y tế Nam Phi. Ảnh: Politico.

Salim Abdool Karim, nhà dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm ở Nam Phi, đồng Chủ tịch Ủy ban cố vấn về Covid-19, cho biết tải lượng virus cao hơn của biến chủng mới có thể là nguyên nhân khiến chúng lây truyền nhanh. Điều này có nghĩa là đợt bùng phát dịch thứ hai của Nam Phi có khả năng lớn hơn nhiều so với đợt đầu tiên.

Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa xác định liệu biến chủng này có làm cho bệnh nặng hơn hay không. Trên thực tế, ngày 31/12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết không có bằng chứng rõ ràng về việc biến chủng mới có liên quan đến bệnh nặng hoặc kết quả tồi tệ hơn. Tuy nhiên, WHO cũng lưu ý biến chủng làm tăng số người nhiễm bệnh cũng đồng nghĩa bệnh nhân phải nhập viện nhiều hơn và số ca tử vong có thể tăng lên.

Theo CNBC, tiến sĩ Scott Gottlieb, cựu Giám đốc Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), cho biết 501.V2 dường như đã thoát khỏi một phần khả năng miễn dịch trước đó. Điều này có nghĩa một số kháng thể mà mọi người tạo ra khi bị mắc Covid-19 có thể tái nhiễm với biến chủng này. Ngoài ra, 501.V2 cũng có khả năng vô hiệu hóa các loại thuốc kháng thể.

Su nguy hiem cua bien chung SARS-CoV-2 o Nam Phi anh 2
Các nhà khoa học lo ngại biến chủng ở Nam Phi có thể vô hiệu hóa vắc-xin Covid-19. Ảnh: News24.

501.V2 có vô hiệu hóa vắc-xin Covid-19 không?

Câu hỏi chính hiện nay là biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 có thể khiến vắc-xin Covid-19 mất tác dụng hay không. Các chuyên gia cho biết cả biến chủng ở Anh và Nam Phi đều có đột biến trên các miền liên kết thụ thể quan trọng, làm tăng nguy cơ virus xâm nhập vào tế bào người.

John Bell, giáo sư y khoa tại Đại học Oxford (Anh), cũng cảnh báo biến chủng 501.V2 ở Nam Phi đáng lo ngại hơn và có thể vô hiệu hóa vắc-xin Covid-19.

Theo ông John, biến chủng này thực sự đã biến đổi đáng kể về cấu trúc protein. Thông thường, vắc-xin Covid-19 bảo vệ người tiêm bằng cách kích thích hệ miễn dịch chống lại virus. Vắc-xin tạo ra kháng thể và được lưu trong cơ thể để giúp con người chống lại loại virus gây bệnh đó sau này. Nhưng nếu kháng thể không thể nhận diện protein do đã biến đổi, cơ thể sẽ tiếp tục đối mặt virus lần thứ hai và nhiễm bệnh.

Trong khi đó, Richard Lessels, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Nền tảng Giải trình tự và Đổi mới Nghiên cứu KwaZulu-Natal (KRISP), cho biết dù biến chủng này gây ra một số tác động, chúng rất khó có khả năng vô hiệu hóa hoàn toàn tác động của vắc-xin.

“Vắc-xin tạo ra một phản ứng miễn dịch khá rộng. Điều này có nghĩa là phản ứng miễn dịch như vậy có thể nhắm vào không chỉ một, mà nhiều phần khác nhau của protein đột biến”, ông Richard nói với Reuters.

Theo Live Science, Public Health England, cơ quan điều hành của Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội Anh, cho biết hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy vắc-xin Covid-19 không bảo vệ chống lại cả B117 và 501.V2. Một số chuyên gia nói rằng khả năng sẽ mất nhiều năm, chứ không phải vài tháng, để biến chủng SARS-CoV-2 vượt qua các loại vắc-xin hiện có.

“Đó sẽ là quá trình xảy ra trong quy mô thời gian nhiều năm và đòi hỏi sự tích tụ của nhiều đột biến virus. Nói cách khác, vắc-xin có thể dần dần kém hiệu quả theo thời gian, thay vì đột nhiên không hoạt động”, Jesse Bloom, nhà sinh vật học tiến hóa tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle (Mỹ), chia sẻ với The Times. (Z/N)