Vắc-xin COVID: Úc–Trung Quốc đấu nhau kịch liệt ở Thái Bình Dương
Úc đã đáp trả thông tin từ phía Trung Quốc cho rằng Canberra cản trở Bắc Kinh cung cấp vắc-xin Covid-19 cho Papua New Guinea, quốc đảo đông dân nhất ở Thái Bình Dương.
Bộ trưởng phụ trách khu vực Thái Bình Dương của Úc, ông Zed Seselja, nói với đài CNN: “Chúng tôi ủng hộ Papua New Guinea tự quyết”. Thế nhưng Bắc Kinh không nghĩ như vậy.
Đầu tháng 7, tờ Global Times đăng bài viết tố Úc phá hoại chương trình cung cấp vắc-xin Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Tại cuộc họp báo đầu tháng này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích Úc “làm suy yếu hợp tác vắc-xin” ở khu vực.
Nhiều năm qua, Úc và Trung Quốc tranh giành ảnh hưởng ở Thái Bình Dương, khu vực có 14 quốc đảo và vùng lãnh thổ chỉ với khoảng 10 triệu dân nhưng đóng vai trò quan trọng chiến lược đối với cả Bắc Kinh và Canberra.
Nằm giữa Mỹ và châu Á, những nước này là cơ sở hậu cần quan trọng và có thể trở thành bàn đạp quân sự có tầm chiến lược đối với cả Úc và Trung Quốc trong tương lai. Giờ đây, những khúc mắc chính trị đó khiến đợt bùng phát Covid-19 ở Papua New Guinea trở thành lĩnh vực cạnh tranh mới giữa Úc và Trung Quốc.
Tuy nhiên, 300,000 liều vắc-xin Trung Quốc viện trợ cho Thái Bình Dương chưa bì được với gần 600,000 liều mà Úc dành cho khu vực này. Canberra còn hứa viện trợ cho khu vực này thêm 15 triệu liều nữa.
Hàng trăm ca mắc Covid-19 mỗi ngày vào tháng 3, khiến Papua New Guinea lo ngại đại dịch có thể nhấn chìm hệ thống y tế. Ảnh: 9news
Papua New Guinea tránh được đợt dịch tồi tệ nhất năm 2020 nhưng năm nay số ca mắc tăng vọt. Nước này ghi nhận hơn 17,000 ca nhiễm và 179 ca tử vong.
Khi số ca mắc ở Papua New Guinea tăng nhiều từ tháng 2, Trung Quốc thông báo sẽ viện trợ vắc-xin. Khi đó, theo Global Times, loại vắc-xin Trung Quốc hứa viện trợ chưa được Tổ chức Y tế thế giới thông qua, nên Bắc Kinh đồng ý cung cấp dữ liệu thử nghiệm cho nước này.
Đến tháng 5, Papua New Guinea mới cấp phép cho vắc-xin Trung Quốc. Global Times cho rằng sự trì hoãn đó là do các cố vấn Úc “làm việc trong bóng tối” với Papua New Guinea để “thao túng” chính sách địa phương.
Global Times viết: “Úc đang phá hoại và cản trở hợp tác của các quốc đảo Thái Bình Dương với Trung Quốc trong lĩnh vực vắc-xin và các biện pháp chống dịch bệnh”.
Dù Úc cử chuyên gia y tế đến Papua New Guinea để hỗ trợ chính phủ nước này, Bộ trưởng Seselja nói rằng ông không nhận được thông tin các chuyên gia đó tư vấn về hiệu quả của vắc-xin Trung Quốc.
Ông Seselja nhấn mạnh Úc đã hỗ trợ chuyên môn y tế cho Papua New Guinea từ lâu trước khi đại dịch xuất hiện.
Giáo sư về an ninh quốc tế Joanne Wallis của Trường ĐH Adelaide (Úc) nói rằng việc các cố vấn Úc cung cấp cho Papua New Guinea thông tin về hiệu quả của vắc-xin cũng là điều hợp lý. Chuyện trì hoãn cấp phép cho các loại vắc-xin Trung Quốc có thể chỉ do vấn đề thời gian.
Chính quyền Papua New Guinea nói rằng họ muốn vắc-xin Sinopharm được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép trước khi nước này sử dụng. Trong thời gian chờ WHO cấp phép, Papua New Guinea đã có lựa chọn khác. Tháng 3, Úc thông báo sẽ đưa 8,000 liều vắc-xin của hãng AstraZeneca (Anh) cho Papua New Guinea.
Tháng 4, Papua New Guinea nhận được 132,000 liều vắc-xin AstraZeneca trong khuôn khổ sáng kiến COVAX (Cơ chế Tiếp cận toàn cầu với vắc xin ngừa Covid-19). Sang tháng 5, Úc gửi thêm cho nước này 10,000 liều, tiếp theo là New Zealand gửi 146,000 liều vào tháng 6.