Vắc-xin COVID-19 qua đường uống sớm bắt đầu được thử nghiệm trên người
Loại vắc-xin ngừa COVID-19 bào chế dưới dạng viên thuốc uống và sử dụng tại nhà có thể sẽ bắt đầu được thử nghiệm lâm sàng trong tương lai gần.
Theo kênh truyền hình RT, loại vắc-xin tiên phong này có tên gọi là Oravax do hãng dược phẩm Oramed của Mỹ-Israel và công ty sinh học Premas của Ấn Độ phối hợp phát triển. Hai công ty đã bắt tay thành lập công ty Oravax Medical với hy vọng sẽ kết hợp công nghệ làm thuốc qua đường uống đối với vắc-xin để tạo ra một cách thức chủng ngừa mới trước đại dịch COVID-19.
Sau khi thử nghiệm trên động vật, các nhà nghiên cứu phát hiện vắc-xin dạng uống có thể giúp tạo ra các kháng thể có khả năng miễn dịch trước virus SARS-CoV-2. Điểm đặc biệt ở đây là chỉ với một viên nang Oravax duy nhất, các con vật đã có khả năng miễn dịch trước dịch bệnh COVID-19. Đây là điểm khác biệt và được cho là ưu thế vượt trội so với một số loại vắc-xin ngừa COVID-19 hiện hành cần hai mũi tiêm.
Ông Prabuddha Kundu –người đồng sáng lập của Premas –phát biểu trước truyền thông Ấn Độ rằng việc sử dụng vắc-xin dạng uống sẽ “tương tự như uống một viên vitamin” và “chúng tôi chắc chắn 100% rằng công nghệ này hiệu quả và đầy hứa hẹn”. Ông nói thêm các kết quả từ các thử nghiệm sơ bộ trên động vật sẽ sớm được công bố trên một tạp chí khoa học.
Trong khi đó, Nadav Kidron –Giám đốc điều hành của Oramed –nói rằng loại vắc-xin uống này sẽ loại bỏ các vấn đề hậu cần phát sinh từ các đợt tiêm chủng trên toàn thế giới và nhấn mạnh các viên thuốc này thậm chí có thể được sử dụng thoải mái tại nhà.
Thuốc có thể được bảo quản ở nhiệt độ phòng, giúp giảm bớt một số vấn đề giữ lạnh đối với vắc-xin truyền thống. Giám đốc Kidron tuyên bố việc sử dụng vắc-xin dạng uống có thể dẫn đến ít tác dụng phụ hơn. Hình thức viên nang cũng sẽ trở nên đặc biệt hữu ích nếu vắc-xin COVID-19 sau này trở thành liều thuốc tăng cường hàng năm như phòng cúm mùa.
Oravax Medical sẽ tiến hành thử nghiệm trên người ở một số quốc gia, trong đó có Mỹ, Israel, Mexico và Châu Âu. Đợt nghiên cứu mới có thể bắt đầu sớm nhất là vào tháng Bảy. (TinTuc)