Sunday, November 3, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Vắc-xin COVID-19: Chờ vài ngày nữa!

Người dân thế giới đang nóng lòng dõi theo những cái tên vắc-xin COVID-19 với hy vọng chúng sẽ dập tắt đại dịch.

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến sáng 5/12, tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 66.157.201 ca, trong đó có 1.522.918 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 218 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 45.763.170 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 18.871.236 ca và 106.089 ca đang điều trị tích cực.

Tại hầu khắp các châu lục, số ca nhiễm, ca tử vong những ngày này đều tăng báo động, thậm chí có nơi còn tăng nóng hơn cả lúc cao điểm dịch nửa đầu năm nay. Nóng nhất vẫn là Mỹ với hơn 14,3 triệu ca nhiễm, trong đó tới gần 280.000 người không qua khỏi.

Hơn tháng nay Mỹ liên tục phải ghi nhận kỷ lục về số người nhiễm, người chết ngày sau nhiều hơn ngày trước, mỗi ngày hơn trăm ngàn người nhập viện, hơn ngàn ca tử vong, cá biệt có ngày lên tới hơn 2.000 ca.

UK becomes first in world to approve Covid vaccine as Pfizer gets green  light | Kasmaal

Ánh sáng vắc-xin đã rõ

Hy vọng cho mọi người lúc này là tiến trình phát triển, sản xuất vắc-xin đang có rất nhiều diễn biến tích cực. Có thể nói sau gần một năm gấp rút nỗ lực, lúc này các hãng dược đang đếm từng ngày để tung vắc-xin ra thị trường. Nói như Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WTO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, “tia sáng cuối con đường hầm dài, tối đang rõ dần”.

Có thể nói việc có được vắc-xin COVID-19 chỉ trong một năm là nỗ lực rất lớn của các công ty công nghệ sinh học, các hãng dược khi thông thường tiến trình nghiên cứu, thử nghiệm, chứng nhận, sản xuất, phân phối một loại vắc-xin mới phải mất cả một thập niên hoặc hơn.

Thời điểm giữa tháng 11, WHO ghi nhận có tới 48 ứng viên vắc-xin đang thử nghiệm lâm sàng trên người nhưng chỉ 11 ứng viên nổi trội ở giai đoạn thử nghiệm thứ ba. WHO cũng xác định còn 164 dự án vắc-xin nữa đang trong giai đoạn tiền thử nghiệm lâm sàng.

Hiện có khoảng 10 ứng viên vắc-xin đang được người dân thế giới gửi gắm hy vọng: BNT162b2 của hãng dược Pfizer (Mỹ) và Công ty công nghệ sinh học BioNTech (Đức), mRNA-1273 của Công ty công nghệ sinh học Moderna (Mỹ), AZD1222 của hãng dược AstraZeneca và ĐH Oxford (Anh), Sputnik-V của Viện nghiên cứu bệnh dịch và vi trùng học Gamaleya (Nga), EpiVacCorona của Trung tâm Vector chuyên nghiên cứu về virus và công nghệ sinh học (Nga). Bên cạnh đó còn có một số ứng viên vắc-xin từ các hãng dược của Trung Quốc như Sinovac, Sinopharm, CanSino.

Phương Tây hành động nhanh

Diễn biến mới nhất và nhanh nhất, bên cạnh đang đánh giá vắc-xin của AstraZeneca/Oxford, ngày 2-12 Anh thông báo đã cấp phép sử dụng vắc-xin của Pfizer/BioNTech, theo hãng tin Reuters. Anh đặt tới 40 triệu liều vắc-xin Pfizer/BioNTech, đủ tiêm cho 1/3 dân số, trong đó 800.000 liều đầu tiên sẽ được phân phối trong tuần sau, ưu tiên tiêm cho người cao tuổi và các nhân viên y tế. Anh hiện mỗi ngày mất trung bình khoảng 450 người vì COVID-19.

Cơ quan y khoa châu Âu (EMA), chịu trách nhiệm giám sát việc chứng nhận thuốc ở EU, thông báo với hãng tin AFP rằng mình sẽ họp vụ chứng nhận vắc-xin của Pfizer/BioNTech vào ngày 29-12. Pháp, Tây Ban Nha, Ý – các nước bị dịch hoành hành nặng ở châu Âu đều đã sẵn sàng kế hoạch phân phối. WHO cũng cho biết đang cân nhắc chứng nhận đưa vắc-xin này vào sử dụng khẩn cấp.

Bên kia Đại Tây Dương, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) có lịch họp bàn về đơn xin cấp phép của Pfizer/BioNTech vào ngày 10-12 và của Moderna một tuần sau đó. Giám đốc điều hành Moderna – ông Stéphane Bancel cho biết hãng có sẵn hàng triệu liều, chỉ chờ FDA gật đầu là bấm nút phân phối. Các chiến dịch tiêm phòng ở Mỹ có thể bắt đầu trong tháng 12 này.

Đầu tuần này, Moderna cho biết ngoài xin cấp phép sử dụng khẩn cấp ở Mỹ thì hãng này còn đang làm thủ tục để đưa vắc-xin của mình sang các thị trường Liên minh châu Âu (EU), Canada, Thụy Sĩ, Anh, Israel, Singapore. 

Nga, Trung Quốc cũng khẩn trương

Tại Nga, hai loại vắc-xin (Sputnik-V được chứng nhận hồi tháng 8, EpiVacCorona được chứng nhận giữa tháng 10) đã được đưa vào sử dụng, thậm chí trước khi hoàn thành giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. Theo đài RT, ngày 2-12 Tổng thống Nga Valadimir Putin đã lệnh bắt đầu tiêm chủng quy mô lớn cho dân vào cuối tuần sau. Các đối tượng được tiêm đầu tiên là nhân viên y tế và giáo viên.

RT cũng cho biết từ tháng 1-2021 Nga sẽ bắt đầu phân phối vắc-xin Sputnik-V cho các nước đặt mua và sẽ tung tổng cộng hơn một tỉ liều vắc-xin Sputnik-V trong năm 2021. Vắc-xin EpiVacCorona dự kiến sẽ được tung ra trong tháng 12 này.

Đề cập đến các diễn biến khả quan ở phương Tây, báo South China Morning Post đặt câu hỏi liệu có phải Trung Quốc đã thua trong cuộc đua vắc-xin COVID-19.

Theo nhà nghiên cứu y tế toàn cầu cấp cao Huang Yanzhong tại tổ chức phi đảng phái Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Mỹ), lý do Trung Quốc bị chậm lại là vì tốc độ thu thập dữ liệu thử nghiệm của các nước phương Tây nhanh hơn, do khu vực này độ lây lan lớn và lượng người nhiễm nhiều hơn. Càng nhiều ca nhiễm thì tốc độ thu thập dữ liệu thử nghiệm càng nhanh. Trong khi đó các khu vực mà Trung Quốc thử nghiệm vắc-xin của mình ít ca nhiễm hơn.

Chẳng hạn, ngày 11-11, một ngày sau khi Pfizer/BioNTech tuyên bố vắc-xin của mình hoàn tất thử nghiệm với hiệu quả 95% thì hãng Sinopharm mới thông báo rằng tiến trình thử nghiệm lâm sàng của mình (thực hiện ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) “sẽ kết thúc sớm”. Tuần trước, hãng Sinovac thông báo vắc-xin của mình thử nghiệm (ở Brazil) đã thu thập đủ dữ liệu và sẽ có tuyên bố về mức độ hiệu quả trong tuần này.

Ông Huang cho rằng Trung Quốc sẽ chịu phần nào áp lực khi các nước phương Tây liên tiếp ra thông báo tích cực về vắc-xin, đặc biệt khi Trung Quốc ngay từ đầu đã không che giấu tham vọng trở thành nước đứng đầu về phát triển vắc-xin COVID-19.

Thuyết âm mưu quanh đại dịch và vắc-xin

Về giá, vắc-xin của AstraZeneca/Oxford được cho là rẻ nhất, khoảng 2,5 euro. Giá vắc-xin Sputnik-V của Nga cho hai liều tiêm là 20 USD, còn của Pfizer là 39 USD hay Moderna là 50-74 USD.

Về bảo quản, vắc-xin của AstraZeneca/Oxford cũng bảo quản dễ dàng nhất, có thể trữ ở nhiệt độ tủ lạnh thông thường. Còn vắc-xin của Moderna phải trữ ở -20 độ C, riêng của Pfizer/BioNTech phải trữ ở -70 độ C.

Câu hỏi lớn nhất là vắc-xin có thể duy trì miễn dịch bao lâu và có hiệu quả với các chủng virus biến đổi hay không. Đã có nhiều trường hợp người nhiễm khỏi bệnh nhưng rồi sau đó lại nhiễm thêm chủng khác.

Một vấn đề nữa là tình trạng phản đối tiêm vắc-xin. Đầu tháng này Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố một khảo sát thực hiện trên 15 nước cho thấy số người muốn tiêm vắc-xin thời điểm tháng 8 là 77% nay, đã giảm còn 73%. Thăm dò của Ipsos công bố tháng trước cho thấy ở Pháp chỉ 54% dân muốn tiêm vắc-xin, Mỹ là 64%.

Một nghiên cứu công bố tháng trước trên tạp chí Royal Society Open Science cho thấy tỉ lệ lớn dân nhiều nước tin vào thuyết âm mưu rằng virus là do con người chủ động tạo ra gây đại dịch để thực hiện các chiến dịch tiêm vắc-xin. Chẳng hạn ở Mexico tỉ lệ này lên tới hơn 25%. Còn có thuyết âm mưu rằng vắc-xin là bức bình phong để nhà chức trách cấy chip vào cơ thể người dân để theo dõi họ. Chính WHO đã phải lên tiếng cảnh báo về các giả thuyết sai lệch này.

Trong khi đó tổ chức Cảnh sát hình sự thế giới (Interpol) cảnh báo nguy cơ tội phạm sẽ “thâm nhập và cản trở các chuỗi cung ứng” COVID-19, trong đó có khả năng tuồn vắc-xin giả vào. Ngày 2-12 Interpol đã báo động 194 nước thành viên về nguy cơ này. (PLO)