Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Úc xé nát thỏa thuận Vành đai Con đường của VIC ký với TQ

Đây là những thỏa thuận đầu tiên mà chính quyền liên bang tại Úc hủy bỏ kể từ khi thông qua luật quan hệ đối ngoại vào cuối năm 2020.

Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne (Hình AAP)

Chính quyền liên bang Úc đã chính thức hủy 2 thỏa thuận liên quan đến sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) mà chính quyền tiểu bang Victoria  ký với Trung Quốc. Đây là những thỏa thuận đầu tiên mà chính quyền liên bang tại Úc hủy bỏ kể từ khi nước này thông qua luật quan hệ đối ngoại vào cuối năm 2020.

Trong tuyên bố đưa ra lúc 9:02 giờ tối ngày Thứ Tư 21/4, Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne cho biết, chính quyền Úc vừa quyết định hủy 4 thỏa thuận giữa chính quyền tiểu bang Victoria với nước ngoài, trong đó 1 thỏa thuận với Iran, 1 thỏa thuận với Syria và 2 thỏa thuận với Trung Quốc.

Đáng chú ý, 2 thỏa thuận với Trung Quốc bị hủy đó là Bản ghi nhớ ký năm 2018 và Thỏa thuận ký năm 2019 giữa chính quyền tiểu bang Victoria với Trung Quốc về các nội dung hợp tác trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường tơ lụa thế kỷ 21. Đây là mạng lưới cơ sở hạ tầng lớn mà giới chuyên gia cho là được Bắc Kinh sử dụng để tạo ra đòn bẩy tài chính và địa chính trị.

Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne khẳng định, 4 thỏa thuận này không phù hợp với chính sách đối ngoại của Úc hoặc gây bất lợi cho quan hệ đối ngoại của Úc. Vì vậy, theo quy định được đưa ra trong Luật Quan hệ đối ngoại được thông qua vào năm 2020, Úc quyết định hủy những thỏa thuận này.

“Tôi coi 4 thỏa thuận này là không phù hợp với chính sách đối ngoại của Úc hoặc bất lợi cho quan hệ đối ngoại của chúng tôi”, bà Payne nói.

Theo quy định của Luật quan hệ đối ngoại được Quốc hội Úc thông qua vào năm ngoái, chính quyền các tiểu bang, các trường đại học, các tổ chức và các chính quyền địa phương tại Úc phải tiến hành rà soát các thỏa thuận đã ký với các thực thể nước ngoài để báo cáo lên Bộ Ngoại giao Liên bang.

Thủ hiến tiểu bang Victoria Daniel Andrews ‘bí mật’ ký thỏa thuận Vành đai Con đường với Đại sứ Trung Quốc tại Úc Thành Cạnh Nghiệp vào Tháng 10/2018.

Mặc dù đến nay mới có 4 trong số hơn 1,000 thỏa thuận đã được thông báo lên Bộ Ngoại giao bị hủy bỏ song Bộ Ngoại giao Úc cho biết sẽ tiếp tục quá trình rà soát nhưng hy vọng đa số các thỏa thuận sẽ không bị ảnh hưởng.

Các thỏa thuận BRI đã được ký kết sau khi tiểu bang Victoria vạch ra chiến lược 10 năm nhằm tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Thỏa thuận chỉ cung cấp “khuôn khổ hợp tác trong tương lai” và không ràng buộc về mặt pháp lý.

Trước đó, Thủ hiến tiểu bang Victoria, ông Daniel Andrews đã vướng vào cuộc tranh cãi với chính quyền liên bang Thủ tướng Morrison sau khi ký vào thỏa thuận Vành đai và Con đường, cho phép Trung Quốc rót đầu tư vào tiểu bang Victoria, và ngược lại các công ty của tiểu bang có thể tham gia vào những dự án của chính quyền Bắc Kinh liên quan đến sáng kiến này.

Vành đai và Con đường là “sáng kiến” kết nối cơ sở hạ tầng gồm đường bộ, đường biển và đường không giữa Trung Quốc với thế giới. Sáng kiến này được Chủ tịch ĐCSTQ Tập Cận Bình công bố chính thức vào năm 2013.

Tuy nhiên, gần đây mô hình này có vẻ chững lại khi hàng loạt khoản đầu tư thất bại và các nước tham gia bắt đầu rút khỏi chương trình. Thế nhưng bất chấp điều đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục đẩy mạnh.

Thông báo được đưa ra vào thời điểm quan hệ giữa Bắc Kinh và Canberra đang xấu đi, khi hai chính phủ đang căng thẳng về thương mại và cạnh tranh ảnh hưởng ở Thái Bình Dương. Canberra đã thực hiện một loạt động thái để hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại Úc, bao gồm cấm Huawei xây dựng mạng 5G và thắt chặt luật đầu tư nước ngoài đối với các tập đoàn.

Tháng 4 năm ngoái sau khi Canberra khiến Bắc Kinh tức giận vì đề xuất một cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc của đại dịch Covid-19.

Úc cũng có bất đồng với Trung Quốc về vấn đề Tân Cương và Hong Kong. Trong khi đó, Trung Quốc đã áp thuế với hơn một chục sản phẩm Úc, bao gồm thịt bò, lúa mạch, tôm hùm, đồng, than, len, gỗ và rượu vang với lý do bán phá giá và vi phạm thương mại. Nhiều người coi đây là động thái trừng phạt của Bắc Kinh với lập trường ngày càng quyết đoán của Canberra.

Belt and Road Initiative protest rally held on the steps of Victoria parliament on June 7, 2020. (Grace Yu/Epoch Times)
Biểu tình chống “Một Con Đường, Một Vành Đai” trước mặt tòa nhà Quốc hội tiểu bang Victoria (Hình Epoch Times)

Trung Quốc là thị trường du lịch quan trọng nhất với 1.4 triệu lượt khách tới thăm Úc mỗi năm và cũng đồng thời là nguồn sinh viên quốc tế lớn nhất với hơn 200,000 sinh viên tại Úc.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Úc nói rằng quyết định của Canberra “nhất định sẽ gây thêm thiệt hại cho quan hệ song phương”, nhấn mạnh nước này “rất không hài lòng và kiên quyết phản đối” động thái này. (T/H)