Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Úc thông qua luật bắt Google và Facebook trả tiền cho nội dung

Úc vừa thông qua bộ luật đầu tiên trên thế giới bắt Google và Facebook phải trả tiền cho nội dung tin tức đăng trên nền tảng công nghệ của họ.

Screenshot of the blocked Australian news sites' stories on Facebook
Facebook đã thay đổi quyết định chặn tin tức trên nền tảng của mình ở Úc. (Hình Getty)

Luật này đã bị các công ty công nghệ khổng lồ Mỹ phản đối dữ dội.

Tuần trước Facebook chặn người dùng Úc chia sẻ và đọc tin tức, nhưng tuần này đã đảo ngược quyết định đó sau khi đàm phán với chính phủ.

Luật được thông qua sau các cuộc đàm phán này, với những sửa đổi mới, có khả năng giúp Facebook và Google không phải tuân theo quy định này.

Tuy nhiên, cả hai công ty Google và Facebook hiện đã cam kết trả các khoản tiền béo bở cho một số nhà xuất bản lớn của Úc. Sự kiện này được nhiều người cho là một thỏa hiệp của những công ty công nghệ khổng lồ.

Luật của Úc được xem là một thử nghiệm cho những quy định tương tự có thể được ban hành ở các quốc gia khác, bắt các nền tảng kỹ thuật số phải trả tiền cho nội dung đăng tải trên nền tảng của mình.

Luật sửa đổi đã được thông qua tại Hạ viện hôm thứ Năm, sau khi được Thượng viện thông qua trước đó.

Facebook và Google lập luận rằng luật này “về cơ bản” hiểu sai cách thức hoạt động của internet.

Luật có những điều khoản nào?

Luật khuyến khích những công ty công nghệ khổng lồ và các cơ quan truyền thông đàm phán để thương lượng sự giao dịch giữa hai bên. Nếu đàm phán không đưa đến thỏa thuận, các trọng tài độc lập sẽ đứng ra phân giải.

Chính phủ lập luận rằng luật đưa ra một quy trình đàm phán “công bằng hơn” giữa các bên, vì nó giúp các nhà xuất tin có thế để thương lượng hơn.

Cơ quan quản lý thị trường Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia (ACCC) nói các nhà xuất bản tin hiện có rất ít quyền lực trong việc đàm phán vì họ quá phụ thuộc vào các công ty độc quyền về công nghệ như Google và Facebook.

Scott Morrison speaking in parliament
Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết chính phủ của ông không nao núng trước lời đe dọa từ các công ty công nghệ. (Hình Getty)

Mọi tranh chấp về giá trị của nội dung tin tức sẽ được trọng tài giải quyết – điều mà các nhà phân tích cho rằng có lợi cho giới truyền thông.

Luật cũng buộc các nền tảng công nghệ báo cho các nhà xuất bản tin khi họ có những thay đổi về thuật toán.

Tuy nhiên, luật sửa đổi hiện yêu cầu chính phủ xem xét những đóng góp hiện có của các nền tảng công nghệ này cho báo chí – chẳng hạn như giao dịch thương mại với các nhà xuất bản – trước khi luật được áp dụng.

Điều này có nghĩa là Facebook và Google hoàn toàn có thể thoát khỏi quy trình phân xử.

Google và Facebook nói gì?

Các công ty công nghệ cho rằng họ đã giúp các nhà xuất bản tin tức bằng cách đưa nhiều lượng truy cập đến các trang web của các công ty này từ nền tảng của họ.

Facebook và Google chỉ đơn giản là giúp mọi người tìm thấy nội dung tin tức, hai gã khổng lồ công nghệ nói.

Cả hai công ty công nghệ đều vận động chính phủ Úc sửa đổi luật, đồng thời xúc tiến việc thương lượng với các công ty tin tức địa phương.

Google từng đe dọa rút công cụ tìm kiếm chính của mình ra khỏi Úc, nhưng gần đây đã đồng ý thỏa thuận với các công ty truyền thông địa phương, gồm Nine Entertainment và Seven West Media, trị giá tổng cộng ước tính khoảng 47 triệu đôla.

Google cũng ký một thỏa thuận với một khoản tiền không được tiết lộ với Rupert Murdoch’s News Corporation.

Trong một tuyên bố hôm thứ Ba, Facebook hứa sẽ hủy bỏ lệnh cấm nội dung tin tức, mặc dù các trang tin tức của Úc vẫn không khả dụng.

Kể từ đó, Facebook đã ký ít nhất một thỏa thuận – với Seven West Media – và đang đàm phán với các nhóm tin tức khác của Úc.

Điều gì đang xảy ra?

Việc Facebook chặn người dùng Úc chia sẻ và đọc tin tức trong tuần qua đã gây ra những lời chỉ trích gay gắt, cả ở Úc và trên toàn thế giới.

Facebook thừa nhận rằng họ đã đi quá đà trong việc xóa hơn 100 trang không phải tin tức, gồm các trang của các cơ quan y tế quan trọng và khẩn cấp.

Nhưng hành động mạnh mẽ của Facebook được coi là một phát súng cảnh cáo đối với các nhà lập pháp ở những nước khác – chẳng hạn như ở Canada, Anh và EU – những quốc gia đã tỏ ra quan tâm đến luật của Úc.

Các công ty công nghệ khổng lồ đã phải đối mặt với những lời kêu gọi toàn cầu là phải trả nhiều tiền hơn cho nội dung được lưu trữ trên nền tảng của họ, trước khuynh hướng người theo dõi tin chuyển sang đọc trực tuyến nhiều hơn.

Họ cũng phải đối mặt với nhiều giám sát hơn về quyền lực của mình, gồm cả việc phải tích cực hơn nữa trong việc chống lại thông tin sai lệch và lạm dụng nền tảng. (BBC)