Saturday, December 21, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Úc sinh sản thành công một ‘bé’ gấu trúc đỏ


Một công viên động vật hoang dã ở phía Nam tiểu bang New South Wales (NSW) của Úc mới đây đã vui mừng chứng kiến sự ra đời của một chú gấu trúc đỏ sau 2 năm chưa ghi nhận ca sinh sản nào ở loài này.

Chú gấu trúc đỏ mới sinh. Hình Rebecca Surian

Đây được đánh giá là một thành công lớn đối với loài vật được cho là nổi tiếng khó sinh sản và có tên trong danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng của Tổ chức Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).

Chú gấu trúc đỏ sơ sinh, hiện chưa được đặt tên, chào đời tại Công viên động vật hoang dã Altina, phía Tây thành phố Wagga Wagga, tiểu bang NSW. Các nhân viên vườn thú cho biết có khoảng 50 con gấu trúc đỏ ở Úc nhưng trước đây chưa có cặp gấu trúc nào sinh con thành công trong 2 năm qua.

Theo cô Rebecca Surian -người quản lý động vật và điều hành tại Công viên Altina, trong quá trình giao phối, gấu trúc đỏ thường nhạy cảm và dễ bị tác động bởi nhiều yếu tố bên ngoài khiến loài này khó sinh sản. Do vậy, sự ra đời của gấu trúc con là điều đặc biệt bất ngờ. Cô cho biết đây là lần đầu tiên gấu trúc mẹ, tên là Rani, sinh gấu trúc con khi 9 tuổi và là một tin mừng cho một loài đang có nguy cơ tuyệt chủng. Cô chia sẻ: “Chúng tôi vô cùng phấn khích với bé gấu con mới này… Trước đây, chúng tôi chưa bao giờ nuôi gấu trúc”. Cô miêu tả gấu trúc con chủ yếu ngủ suốt ngày và khi tỉnh thường “rít nhẹ” như một con mèo con.

Úc đón ‘bé’ gấu trúc đỏ chào đời. Hình minh họa

Gấu trúc đỏ được coi là đã trưởng thành hoàn toàn trong khoảng từ 18-24 tháng tuổi và sống trung bình khoảng 10 năm tuổi trong môi trường tự nhiên, hoặc thậm chí có thể sống tới 23 năm. Nỗ lực bảo tồn thực sự gặp khó khăn khi các vườn thú đều chứng kiến loài này gặp khó trong việc sinh sản.

Là loài động vật có vú nhỏ có nguồn gốc từ phía Đông dãy Himalaya và Tây Nam Trung Quốc, gấu trúc đỏ hiện đang bị suy giảm số lượng do hoạt động buôn bán bất hợp pháp, mất môi trường sống, săn trộm và phá rừng. Hiện tại, trên thế giới chỉ còn chưa tới 10,000 con.

Sự xuất hiện của bé gấu trúc đỏ mới cho thấy Altina là một trong những công viên động vật hoang dã “rất mát tay” trong đóng góp vào nỗ lực bảo tồn các loài động vật quý hiếm đang bị đe dọa. Trước đó, công viên đã chứng kiến sự ra đời của một loài có nguy cơ tuyệt chủng khác là 3 chú vượn cáo lông xù màu đen-trắng vào giữa tháng 12 năm ngoái.

Gấu trúc đỏ có bộ lông màu nâu đỏ, đuôi dài, xù xì và dáng đi lạch bạch do hai chân trước ngắn hơn; nó gần bằng kích thước của một con mèo nhà, mặc dù có cơ thể dài hơn và có phần nặng hơn. Nó là động vật ăn thực vật và chủ yếu ăn tre, nhưng cũng ăn trứng, chim và côn trùng. Nó là một loài động vật sống đơn độc, chủ yếu hoạt động từ hoàng hôn đến bình minh, và phần lớn ít vận động vào ban ngày. Nó còn được gọi là gấu trúc nhỏ hay gấu mèo đỏ. (T/H, TGVN)