Sunday, November 3, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

TQ lên tiếng: Úc phát triển tên lửa siêu vượt âm có khả năng hạt nhân cùng Mỹ & Anh


Lãnh đạo các nước nhóm AUKUS, gồm Úc, Anh và Mỹ, mới đây đã nhất trí hợp tác về vũ khí siêu thanh và năng lực tác chiến điện tử.

Các nhà lãnh đạo của Mỹ, Anh, Úc công bố quan hệ hợp tác an ninh 3 bên mới AUKUS hồi tháng 9/2021. Hình AAP

Ba nước Úc, Anh và Mỹ thành lập Liên minh quốc phòng AUKUS vào tháng 9/2021, hợp tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm chia sẻ công nghệ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Trong một tuyên bố chung được đưa ra ngày 5/4, các nhà lãnh đạo AUKUS, gồm Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Úc Scott Morrison, bày tỏ hài lòng với tiến độ của chương trình tăng cường năng lực tàu ngầm vũ trang thông thường cho Úc đồng thời cho biết sẽ tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực khác như “vũ khí siêu thanh và phản siêu thanh, năng lực tác chiến điện tử, cũng như mở rộng chia sẻ thông tin và hợp tác sâu sắc hơn về đổi mới quốc phòng”.

Mỹ và Úc hiện đang hợp tác trong một chương trình phát triển vũ khí siêu thanh có tên SCIFiRE. Các quan chức Anh cho biết London sẽ không tham gia vào chương trình trong thời điểm này.

Mỹ đang đầu tư vào nghiên cứu và phát triển tên lửa siêu thanh, di chuyển với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh, trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine tiếp diễn và gây ra lo ngại về an ninh tại châu Âu.

Một vũ khí siêu thanh được lắp đặt trên máy bay B-52H của Mỹ. Hình Reuters

Phản ứng trước động thái trên, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Trương Quân cùng ngày cảnh báo, thỏa thuận vừa được công bố có thể thổi bùng một cuộc khủng hoảng tương tự như xung đột Ukraine tại những nơi khác trên thế giới.

Ông Trương Quân nói với báo chí: “Bất kỳ ai không muốn chứng kiến khủng hoảng Ukraine nên kiềm chế có những hành động có thể dẫn dắt các khu vực khác của thế giới vào một cuộc khủng hoảng tương tự. Như người Trung Quốc nói: Điều gì mình không muốn thì đừng áp đặt cho người khác”.

Quân đội Mỹ đã thử nghiệm một tên lửa siêu thanh vào tháng 3 năm 2020, từ Cơ sở Tên lửa Thái Bình Dương ở Kauai, Hawaii. Hình Hải quân Hoa Kỳ

Trong khi tên lửa đạn đạo bay cao lên không trung và di chuyển theo hình vòng cung, rơi xuống và tiếp cận mục tiêu, vũ khí siêu thanh bay ở quỹ đạo thấp trong khí quyển, có khả năng tiếp cận mục tiêu nhanh hơn. Thêm nữa, tên lửa siêu thanh có thể điều khiển dễ dàng hơn, khiến loại vũ khí này khó theo dõi và phòng thủ hơn.

Hiện tại, Nga được coi là quốc gia tân tiến nhất trong lĩnh vực này, trong khi Trung Quốc cũng đang tích cực phát triển công nghệ siêu thanh, theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS).

Pháp, Đức, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản cũng nghiên cứu về công nghệ siêu thanh. Hàn Quốc hay Iran cũng tiến hành nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực này. (T/H, CAND)