ÚC LO NGẠI: TQ định xây cơ sở $200 triệu USD bên ngoài vùng biển Úc
Quan chức Úc lo ngại cơ sở $200 triệu USD mà Trung Quốc dự định xây xựng ngay bên ngoài vùng biển Úc có thể đe dọa đến an ninh quốc gia của nước này.
Một dự án xây dựng của Trung Quốc ngay ”sát sườn” Úc đang được xem là có thể có tác động nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia và làm ảnh hưởng đến nghề đánh bắt cá truyền thống của các cộng đồng dân cư bản địa.
Cụ thể, công ty do Trung Quốc điều hành mới đây đã ký biên bản ghi nhớ với Papua New Guinea để xây dựng một “khu công nghiệp thủy sản đa chức năng toàn diện” trị giá $200 triệu USD trên đảo Daru, eo biển Torres. Đây là dự án được Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc bảo trợ.
Hòn đảo này là một trong số ít hòn đảo ở eo biển Torres không thuộc quyền kiểm soát của Úc. Tuy nhiên nó chỉ cách biên giới biển của Úc vài km và cách đất liền chưa đầy 200 km.
Diễn biến khiến các chuyên gia an ninh quốc gia Úc cảnh báo vì lo ngại cơ sở này có thể trở thành một cơ sở quân sự của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, cũng có những lo ngại xung quanh việc các tàu cá do Trung Quốc kiểm soát, đang “vơ vét” vùng biển đầy đa dạng sinh học này.
Úc lo ngại
Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne nói với Thượng viện trong tháng 12 rằng Lực lượng Biên phòng nước này đã và đang “hiện diện liên tục” ở eo biển Torres và làm việc với cơ quan thực thi pháp luật Papua New Guinea.
Bà cho biết “mong muốn tất cả ngư dân trong khu vực eo biển Torres tuân theo luật pháp tương ứng của Úc và Papua New Guinea, và các nghĩa vụ quốc tế”.
Penny Wong, phát ngôn viên đảng Lao Động Úc, lãnh đạo phe đối lập trong Thượng viện, nói rằng chính phủ đã “phạm sai lầm” khi để dự án hình thành. Bà nghi vấn: “Làm thế nào mà chính phủ Morrison không nhìn thấy điều này?”.
Thượng nghị sĩ độc lập Rex Patrick, nhận định dự án Daru sẽ có “tác động nghiêm trọng” đối với an ninh quốc gia của Úc.
Ông nói: “Không còn nghi ngờ gì nữa, sự hiện diện này sẽ làm phức tạp thêm tình hình an ninh của chúng ta và tạo cho Trung Quốc một chỗ mới để can thiệp vào Papua New Guinea. Chính phủ cần làm rõ điều đó với Papua New Guinea và hỗ trợ cho các dự án phát triển thay thế”.
Ý định của Bắc Kinh?
Giám đốc Chương trình Quần đảo Thái Bình Dương của Viện Lowy, Jonathan Pryke, cho biết dễ hiểu Papua New Guinea khi ký thỏa thuận với Trung Quốc do tình trạng nghèo đói ở Daru. Nhưng động cơ của Bắc Kinh khó hiểu hơn nhiều, khi cơ sở cung cấp ít giá trị thương mại hoặc chiến lược.
Ông Pryke cho biết việc ký các biên bản ghi nhớ trong khu vực là điều phổ biến và không đảm bảo dẫn đến việc hoàn thành dự án.
Theo ông, không có nhiều khả năng cơ sở Daru được xây dựng, nên thỏa thuận này thực sự đặt ra dấu hỏi về ý định của Trung Quốc. “Nó có thể là trung gian để Trung Quốc tìm cách kiếm thỏa thuận lớn hơn”, ông nói.
“Nếu Trung Quốc muốn thiết lập một căn cứ quân sự ở Thái Bình Dương, họ sẽ không muốn làm điều đó trong tầm mắt và vị trí quá gần Úc”, ông nói thêm.
Pryke thừa nhận động thái này có thể là nỗ lực để khiêu khích Canberra, xét đến mối quan hệ hai bên đang căng thẳng ở mức hiếm thấy trong thời gian gần đây, nhưng cho biết “đối với Trung Quốc sẽ là mất nhiều hơn được”.
“Điều đó sẽ tạo ra căng thẳng ở mức độ không có lợi cho họ”, chuyên gia nhận định. (T/H, VTC)