Saturday, December 21, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

ÚC LO NGẠI: TQ có thể sẽ “lập căn cứ quân sự đầu tiên” ở Thái Bình Dương


Trung Quốc và quần đảo Solomon được cho sắp ký một thỏa thuận hợp tác an ninh, dấu hiệu mà giới quan sát đặt ra nghi vấn rằng Bắc Kinh có thể sẽ “lập căn cứ quân sự đầu tiên” ở Thái Bình Dương.

Trung Quốc có thể sẽ lập căn cứ quân sự đầu tiên ở Thái Bình Dương - 1
Solomon là một quốc đảo ở Thái Bình Dương. Hình Reuters

Sputnik dẫn một bản dự thảo về thỏa thuận hợp tác an ninh giữa Trung Quốc và quần đảo Solomon cho biết, quốc đảo Thái Bình Dương này có thể sẽ cho phép tàu của Bắc Kinh thực hiện hoạt động tiếp tế hậu cần, dừng chân và quá cảnh trong tương lai.

Theo văn bản bị rò rỉ hôm 24/3, “các lực lượng của Trung Quốc có thể được phép bảo vệ an toàn cho công dân và các dự án lớn của Bắc Kinh” trên đảo Solomon.

Dự thảo cũng đề xuất, chính phủ Solomon có thể yêu cầu Trung Quốc điều động cảnh sát vũ trang, quân nhân, lực lượng vũ trang và lực lượng hành pháp quốc đảo Thái Bình Dương để thực hiện các nhiệm vụ nhân đạo hoặc an ninh.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chụp ảnh với Thủ tướng Manasseh Sogavare của Quần đảo Solomon vào năm 2019.

Chuyên gia về địa chính trị Anna Powles nhận định, nếu 2 nước thực sự đồng thuận với bản dự thảo nói trên, điều đó có nghĩa là hậu cần và vật tư sẽ được chuẩn bị sẵn ở Solomon để phục vụ cho các tàu chiến Trung Quốc khi cần thiết. Theo bà Powles, nếu hiểu theo cách này, đây có thể là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có thể sắp mở căn cứ ở Solomon. Nếu điều này trở thành sự thật, đây có thể là căn cứ đầu tiên của Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương.

Sự xuất hiện của bản dự thảo này đến trong bối cảnh Solomon và Trung Quốc đang ngày càng nâng cao quan hệ an ninh. Năm 2019, Solomon đã cắt đứt quan hệ với đảo Đài Loan và quay sang thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.

Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Quần đảo Solomon và miễn thuế cho 97% hàng hóa xuất khẩu từ quần đảo này.

ÚC LO NGẠI: Thỏa thuận sẽ cho phép Trung Quốc hoạt động gần biên giới của Úc hơn nhiều.

Cuối năm ngoái, Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare đề nghị cảnh sát chống bạo động của Trung Quốc tới hỗ trợ xử lý các cuộc biểu tình bạo lực bùng phát ở Horiara. Những người biểu tình xuống đường phản đối việc chính phủ quyết định cắt đứt với Đài Loan để chuyển sang hợp tác với Trung Quốc.

Vào thời điểm đó, ông Sogavare đã tuyên bố rằng bạo loạn ở thủ đô cũng như khu phố người Hoa bùng phát do “kích động từ nước ngoài”.

Phía Úc vào thời điểm được cho đã không hài lòng với việc Solomon chấp nhận hỗ trợ an ninh từ Trung Quốc, cho rằng điều này sẽ đánh dấu cho khởi đầu của việc Bắc Kinh sẽ gia tăng hỗ trợ an ninh cho quần đảo trong tương lai.

Trong thời gian qua, Mỹ và đồng minh phương Tây, bao gồm Úc, đã tham gia vào một cuộc chạy đua tầm ảnh hưởng với Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Mỹ được cho đang trong quá trình gia tăng các cơ sở quân sự ở khu vực Thái Bình Dương để đối phó với tầm ảnh hưởng đang gia tăng của Bắc Kinh. (T/H, D/T)