Úc hạ lãi suất cơ bản xuống mức thấp chưa từng có trong lịch sử
Lãi suất cơ bản của Úc đã được hạ xuống mức 0.1% lần đầu tiên trong lịch sử, trong nỗ lực đưa nền kinh tế thoát khỏi cuộc suy thoái do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.
Ngày 3/11, Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA -Ngân hàng trung ương) đã công bố quyết định nói trên sau cuộc họp Hội đồng quản trị.
Đây là lần thứ ba Úc cắt giảm lãi suất trong năm nay. Vào tháng 1, khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, RBA đã hạ 0.25 điểm phần trăm của mức lãi suất cơ bản duy trì trong nhiều tháng trước đó. Đến tháng 3, RBA tiếp tục cắt giảm thêm 0.25 điểm phần trăm, đưa lãi suất về ngưỡng thấp kỷ lục 0.25% và duy trì đến ngày 3/11.
Tuyên bố sau cuộc họp hội đồng quản trị, Thống đốc RBA Philip Lowe cho biết cắt giảm lãi suất nhằm cung cấp tín dụng cho nhiều người dân Úc hơn. Ông hy vọng quyết định mới sẽ hỗ trợ tạo việc làm và giúp nền kinh tế Úc sớm phục hồi từ đại dịch. Ông Lowe cho biết Úc đang phải đối mặt với con số thất nghiệp cao nhất từ trước tới nay và RBA cam kết sẽ làm những gì có thể để hỗ trợ tạo việc làm.
Động thái của RBA là thay đổi lớn nhất về chính sách tiền tệ duy trì suốt 27 năm qua tại Úc. Dự kiến, mức lãi suất 0.1% sẽ được duy trì ít nhất trong vòng 3 năm tới.
Chuyên gia Graham Cooke, Giám đốc của Viện Insights, nhấn mạnh đây là lần đầu tiên kể từ năm 2011 ngân hàng trung ương Úc cắt giảm lãi suất sâu như vậy, bất chấp một số hoài nghi từ các chuyên gia về hiệu quả của các biện pháp kích thích tiền tệ hơn nữa.
Ông phân tích RBA cần cân nhắc những yếu tố quan trọng khác bên cạnh biện pháp hạ lãi suất cơ bản, như sức mạnh của đồng đô la Úc và khả năng nền kinh tế tiểu bang Victoria, địa phương đã bị tàn phá nặng nề do dịch COVID-19 bùng phát khiến toàn bang phải phong tỏa trong hơn 4 tháng qua, sẽ sớm phục hồi sau khi được nới lỏng hạn chế và khôi phục các hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, Tổng trưởng Ngân khố Úc Josh Frydenberg đã nhanh chóng lên tiếng hoan nghênh quyết định của RBA. Ông Frydenberg cho rằng biện pháp này sẽ giúp các hộ gia đình tăng chi tiêu, tạo việc làm và từ đó thúc đẩy kinh tế quốc gia thoát khỏi tình trạng suy thoái.
Trước đó, ngày 20/10 vừa qua, RBA thông báo sẽ thay đổi phương thức đánh giá quyết định chính sách tiền tệ vĩ mô dựa trên tình hình thực tế, thay vì căn cứ dự báo lạm phát, nhằm đạt được hiệu quả cao nhất của mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế./. (B/N)