Úc chi $800 triệu để có ‘mắt Nam Cực’ đối trọng TQ
Úc cho biết sẽ tăng cường hiện diện tại Nam Cực với một gói chi tiêu hơn 800 triệu AUD để phản ứng trước việc Trung Quốc ngày càng quan tâm tới khu vực này.
“Họ (Trung Quốc) không có chung mục tiêu với Úc ở Nam Cực”, Thủ tướng Scott Morrison nhận định, theo AFP hôm 22/2.
Theo kế hoạch, Úc sẽ dành ra ngân sách 800 triệu AUD (575 triệu USD) cho 10 năm để giúp nước này có được “đôi mắt ở Nam Cực”.
Gần một nửa ngân sách 800 triệu AUD của Úc sẽ được dùng để cải thiện khả năng di chuyển trên các vùng nội địa, vẽ bản đồ vùng phía đông hẻo lánh của Nam Cực từ trên không bằng drone, và mua 4 trực thăng hạng trung.
Theo Tổng trưởng Môi trường Liên bang Sussan Ley, các hạm đội tàu bay không người lái và các phương tiện tự hành khác sẽ thiết lập một “con mắt Nam Cực” trong khu vực, với hệ thống camera và cảm biến tích hợp công nghệ cao, cho phép khai thác tầm nhìn rộng và cung cấp dữ liệu chính xác trong thời gian thực.
Úc cũng sẽ dành ngân sách mới cho một số dự án môi trường, bao gồm 7.4 triệu AUD cho công tác nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đối với dải băng ở Nam Cực, cũng như hỗ trợ các nước Thái Bình Dương theo dõi mực nước biển dâng.
Theo AFP, Canberra tuyên bố chủ quyền đối với 42% diện tích Nam Cực, mức lớn nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, Úc còn thiếu năng lực tiếp cận các vùng xa xôi của Nam Cực. Do đó, một số người lo ngại khoảng trống ấy có thể bị Bắc Kinh và Moscow tận dụng vì hai nước này cũng đang ngày càng tích cực hoạt động tại đây.
Chuyên gia chiến lược Nam Cực Elizabeth Buchanan từ Đại học Deakin (Úc) cho biết việc đầu tư vào thiết bị bay không người lái để nghiên cứu Nam Cực là “rất cần thiết”, nhưng cần được quản lý cẩn thận.
Tiến sĩ Buchanan cảnh báo động thái này báo hiệu rõ ràng việc Canberra đang tiến vào “vùng xám” của các công nghệ lưỡng dụng -một lĩnh vực mà Nga và Trung Quốc rất thành thạo. Tiến sĩ Buchanan nhấn mạnh thiết bị bay không người lái ngoài chức năng ứng dụng trong dân sự còn có một vai trò hết sức quan trọng về quân sự. Nó có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang về khả năng sử dụng công nghệ lưỡng dụng tại Nam Cực.
Hiện có gần 80 cơ sở nghiên cứu của nhiều nước khác nhau đang hoạt động tại Nam Cực và nhiều cơ sở khác đang được xây dựng. Úc có 3 cơ sở nghiên cứu khoa học gần khu vực bờ biển Nam Cực và một tàu phá băng, trong khi Trung Quốc có 4 cơ sở nghiên cứu nằm sâu trong đất liền của lục địa và đang tìm kiếm địa điểm cho cơ sở nghiên cứu thứ năm, cũng như triển khai xây dựng một đội tàu phá băng mới.
Nam Cực không phải là một phần lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào và đang được quản lý bởi luật pháp quốc tế, cấm các hoạt động quân sự hoặc thăm dò khoáng sản và bác bỏ các yêu sách lãnh thổ. Các cơ sở nghiên cứu ở Nam Cực thường được các quốc gia kiểm tra lẫn nhau, để bảo đảm tuân thủ hiệp ước cấm hoạt động quân sự và khai thác mỏ.
Trong một báo cáo gần đây, Viện Chính sách Chiến lược Úc cảnh báo Nam Cực đã trở thành khu vực của “cạnh tranh chiến lược”. Từ đó, báo cáo đề xuất cần có các bước để bảo đảm lệnh cấm hoạt động khai thác và quân sự. (T/H, Z/N)