Sunday, December 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

SỐC: 10% lượng hải sản xuất khẩu Úc là các loài bị đe dọa tuyệt chủng


Đáng báo động là cá mú xanh được xếp vào danh mục ‘Cực kỳ nguy cấp’, cá mập Tope và cá mú cam được xếp vào danh mục ‘Nguy cấp’ theo Đạo luật Bảo vệ môi trường và Bảo tồn đa dạng sinh học Úc.

Cá ngừ vây xanh phía Nam (Thunnus maccoyii). Hình Ocean Sentry

Một nghiên cứu gần đây do các nhà khoa học tại Đại học Queensland (Úc) tiến hành đã phát hiện một thực tế đáng báo động rằng đã có khoảng 10% lượng hải sản xuất khẩu của Úc (tính theo trọng lượng) kể từ năm 1999 đến nay là các loài bị đe dọa tuyệt chủng.

Giám đốc Chương trình Hải sản bền vững thuộc Hiệp hội bảo tồn biển Úc, ông Adrian Meder cho rằng trong khi hành vi đánh bắt thương mại đối với các loài tê giác hoặc vẹt mào đen của Úc là điều không thể thì các hoạt động tương tự đối với các loài bị đe dọa dưới biển lại vẫn đang diễn ra. Đây là một thực tế gây “sốc” đối với hầu hết người Úc.

Nghiên cứu của Đại học Queensland đã phân tích dữ liệu xuất khẩu hải sản của Úc trong hơn 20 năm, trong đó chú trọng xem xét 4 loài trong danh mục bảo tồn, gồm cá mập Tope, hay còn gọi là School Shark (Galeorhinus galeus), cá mú cam (Hoplostethus atlanticus), cá mú xanh (Seriolella brama) và cá ngừ vây xanh phía Nam (Thunnus maccoyii).

Cá mú xanh (Seriolella brama). Hình Ocean Sentry

Nghiên cứu cho thấy 4 loài này chủ yếu được xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Quốc, New Zealand, Mauritius và Mỹ.

Trong số các loài trên, đáng báo động là cá mú xanh được xếp vào danh mục “Cực kỳ nguy cấp”, cá mập Tope và cá mú cam được xếp vào danh mục “Nguy cấp” theo Đạo luật Bảo vệ môi trường và Bảo tồn đa dạng sinh học Úc (EPBC).

Các loài này hiện vẫn tiếp tục bị ngư dân nhắm đến và buôn bán mà không có kế hoạch phục hồi nào được đưa ra.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng cho rằng còn một số loài nằm trong danh sách “Phụ thuộc vào bảo tồn” theo EPBC, nhưng không đủ điều kiện để được đưa vào kế hoạch phục hồi như các loài bị đe dọa khác do Cơ quan quản lý nghề cá Úc quản lý. Điều này dẫn đến việc thiếu sự phục hồi cho một số quần thể cá mập Tope, cá mú xanh và cá mú cam.

Hình minh họa. Nguồn Getty

Ông Meder nêu rõ: “Chúng tôi lo ngại rằng số lượng cá mú cam tại một trong những địa điểm đánh bắt chính là khu vực tiểu lục địa chìm Cascade Plateau ở phía Đông Nam Tasmania có thể đã ‘sụp đổ hoàn toàn’ kể từ khi đội tàu đánh cá công nghiệp của Úc được cấp phép đến đánh bắt từ những năm 90 đến năm 2021.”

Theo ông Meder, các cuộc khảo sát khoa học vào năm 2021 và 2022 thậm chí còn không thể tìm thấy đủ số lượng cá mú cam tại khu vực này để đếm nhằm đưa ra những đánh giá khoa học cập nhật theo lịch trình.

Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng những phát hiện trên chưa tính đến các loài được công nhận trên toàn cầu là bị đe dọa tuyệt chủng, song chưa được liệt kê theo EPBC, chẳng hạn như cá ngừ mắt to (Thunnus obesus) và cá marlin xanh (Makaira nigricans)./. (T/H, VN+)