Sunday, December 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Tưởng thiệt hại trong thương chiến với TQ, 2 mặt hàng giúp Úc lật ngược thế cờ

Ngược lại với những lo ngại rằng Úc sẽ thiệt hại khi quan hệ với Bắc Kinh xấu đi, Trung Quốc đang gia tăng nhập khẩu từ Úc do phụ thuộc vào quặng sắt và LNG, vốn là lợi thế của Úc.

Úc lật ngược thế cờ

Úc thường bị chỉ trích là “đặt hết trứng vào một giỏ” trong quan hệ thương mại – đầu tư với Trung Quốc, và có vẻ như nước này đang phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề sau khi mối quan hệ giữa hai bên xấu đi.

Nhưng thực chất, những tác động đối với nền kinh tế Úc cũng như triển vọng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của nước này không quá nghiêm trọng như lo ngại.

Ngược lại, Trung Quốc đang không ngừng gia tăng kim ngạch nhập khẩu từ Úc do sự phụ thuộc của Bắc Kinh vào quặng sắt và khí đốt tự nhiên (LNG), vốn là hai mặt hàng đang tăng giá không ngừng trên thị trường thế giới, và cũng là lợi thế xuất khẩu lớn nhất của Úc.

Đến nay, Trung Quốc đã áp đặt thuế nhập khẩu lên các sản phẩm xuất khẩu của Úc, như than, thịt, tôm hùm, rượu nhằm trả đũa việc Úc kêu gọi một cuộc điều tra độc lập vào nguồn gốc của đại dịch Covid-19 ở thời điểm thành phố Vũ Hán được cho là nơi khởi nguồn của virus.

Ngành công nghiệp xuất khẩu rượu của Úc đã ngay lập tức đối mặt với mức sụt giảm kim ngạch xuất khẩu lên tới 96% trong quý 1/2021 khi các lệnh trừng phạt chống bán phá giá của Trung Quốc bắt đầu phát huy tác dụng từ quý 4/2020.

Sau tuyên bố gần đây về việc tạm dừng “vô thời hạn” Đối thoại Kinh tế Chiến lược Trung Quốc – Úc, Bắc Kinh rõ ràng đang nhằm vào những mục tiêu khác ngoài rượu và thịt bò, cụ thể là xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Úc.

Một báo cáo của Bloomberg dẫn nguồn tin cho biết hai đơn vị nhập khẩu khí đốt cấp 2 của Trung Quốc đã được chỉ thị không nhập hàng từ Úc trong vòng 1 năm.

Trong khi đó, các tập đoàn lớn như CNOOC, Sinopec và PetroChina, đều có cổ phần ở 3 dự án khí đốt tại Queensland.

Trước tình hình này, trong ngắn hạn, Trung Quốc khó có thể buộc các công ty nhà nước dừng nhập hàng từ Úc nếu không muốn phải trả giá cao hơn thị trường để nhập khẩu khí đốt.

Thực tế là hàng nhập khẩu từ Úc vào Trung Quốc trong năm nay đã tăng với 29 lô hàng trong tháng 2; 37 trong tháng 3 và 43 vào tháng 4. Dựa trên các dữ liệu, 43 thùng hàng mà Úc vận chuyển tới Trung Quốc trong tháng 4 đã gần với mức kỉ lục từ trước tới nay, theo báo cáo từ công ty tư vấn EnergyQuest có trụ sở tại Adelaide vào ngày 14/5 vừa qua.

Theo các chuyên gia, việc Trung Quốc có động thái trước việc giảm nhập khẩu khí đốt từ Úc là bước đi leo thang nghiêm trọng trong cuộc chiến thương mại giữa hai bên. Úc hiện là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của Trung Quốc; trong khi Trung Quốc và Nhật luân phiên nhau giữ vị trí nước nhập khẩu khí đốt lớn nhất.

Cái khó ló cái khôn

Tuy nhiên, ngành công nghiệp than của Úc đã bị ảnh hưởng nặng. Các lô hàng của Úc không được phép vào Trung Quốc, nước nhập khẩu than lớn nhất thế giới, trong suốt gần 1 năm, qua đó đặt chính phủ Úc dưới sức ép phải tìm một giải pháp ngoại giao.

Trong tháng 4, kim ngạch nhập khẩu than của Trung Quốc đã giảm 20.5% so với tháng trước đó, và gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện Trung Quốc đang phải chi trả gấp đôi để mua than từ Nga so với việc mua từ New South Wales. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng tìm kiếm nguồn than từ Indonesia, nhưng chất lượng thấp hơn.

Trong khi đó, các nhà sản xuất than Úc đang chuyển hướng đa dạng hoá thị trường, bao gồm Ấn Độ, nước nhập khẩu than lớn thứ hai thế giới. Trong tháng 1, kim ngạch nhập khẩu than của Ấn Độ từ Úc đạt kỉ lục 6.75 triệu tấn, trước khi đại dịch Covid-19 gây tác động mạnh tới nền kinh tế quốc gia Nam Á.

Úc cũng xuất khẩu tới 1.87 triệu tấn than sang Ấn Độ vào tháng 12/2020, tăng 450% từ 340,000 tấn cùng kỳ năm ngoái.

“Việc gián đoạn chuỗi cung ứng do các giới hạn nhập khẩu phi chính thức từ Trung Quốc phần nào giúp Úc thành công đa dạng hoá các thị trường”, báo cáo mới nhất từ Resources and Energy Quarterly nhận định.

“Thu nhập từ xuất khẩu than của Úc dự kiến sẽ giảm xuống còn 23 tỷ đô la Úc trong giai đoạn 2020-2021, do tác động từ phía Trung Quốc và việc giá thành giảm. Nhưng kì vọng trong tương lai con số này sẽ phục hồi trở lại khi các chuỗi cung ứng mới được tăng cường và nhu cầu gia tăng tại Ấn Độ, châu Âu và Nam Á.

Ngoài ra, hiện Trung Quốc không thể thay thế quặng sắt từ Úc và giá thì đang ở mức cao.

Quan hệ Trung – Úc đã trở nên căng thẳng kể từ khi Úc yêu cầu có một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc virus Sars-Cov 2 ở Vũ Hán, kéo theo một loạt biện pháp trả đũa của Bắc Kinh.

Gần đây nhất, Canberra đã dừng thoả thuận năm 2018 của tiểu bang Victoria trong việc tham gia vào Sáng kiến Vành đai và Con đường, đồng thời Viện Khổng tử do Trung Quốc cung cấp tài chính có thể sẽ phải đóng cửa trong thời gian tới. (Soha)