Tuổi thọ người Úc giảm lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ
Lần đầu tiên kể từ giữa những năm 1990, tuổi thọ trung bình ở Úc đã giảm –theo một báo cáo mới của chính phủ về sức khỏe quốc gia cho thấy.
Úc đứng thứ tư trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) –chỉ sau Nhật Bản, Hàn Quốc và Thụy Sĩ.
Theo Australia’s Health 2024, một báo cáo được Viện Y tế và Phúc lợi Úc (AIHW) công bố hai năm một lần, một bé trai và một bé gái sinh ra ở Úc vào năm 2020–2022 có thể sống trung bình lần lượt là 81.2 tuổi và 85.3 tuổi.
Tuy nhiên, những con số này là sự sụt giảm nhỏ về tuổi thọ ở Úc được ghi nhận từ năm 2019-2021. Trong giai đoạn 2 năm 2020-2022, tuổi thọ trung bình của nam và nữ giảm 0.1 năm.
Tuổi thọ giảm có thể là do số người chết vì Covid-19. Gần một nửa số ca tử vong vào năm 2022 có liên quan đến COVID-19.
Phó Giám đốc điều hành AIHW Matthew James cho biết: “Mặc dù tuổi thọ ở Úc giảm trong giai đoạn 2020–2022, nhưng nó vẫn cao hơn so với giai đoạn 2017–2019, trước đại dịch, 0.3 năm đối với nam và nữ”.
“Covid-19 trở thành nguyên nhân gây tử vong đứng thứ ba ở Úc vào năm 2022, đánh dấu lần đầu tiên sau hơn 50 năm một bệnh truyền nhiễm nằm trong 5 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu”.
Tuổi thọ giảm do COVID-19 còn tồi tệ hơn ở Mỹ và Anh. Ở Anh, tuổi thọ giảm từ 81.3 năm 2019 xuống 80.4 năm 2020.
Tại Mỹ, tuổi thọ trung bình đã giảm hơn 2 năm, từ 78.9 năm 2019 xuống 76.4 năm 2021.
Báo cáo cũng cho thấy rằng trong khi người Úc sống nhiều năm hơn với sức khỏe tốt thì số năm họ trải qua trong tình trạng sức khỏe kém cũng ngày càng tăng.
Báo cáo lưu ý rằng các bệnh mãn tính đang gia tăng với phần lớn người Úc –khoảng 6 trong 10 –hiện đang sống chung với bệnh mãn tính.
Trong tương lai, ngày càng có nhiều người phải sống chung với nhiều căn bệnh mãn tính.
Khoảng 90% số ca tử vong ở Úc từ năm 2002 đến năm 2022 là do các bệnh mãn tính như bệnh tim mạch, ung thư và chứng mất trí nhớ.
Báo cáo cũng nêu chi tiết chi tiêu của Úc cho y tế, khoảng 241 tỷ AUD trong năm 2021-2022.
Tính theo tỷ lệ trong GDP, Úc xếp thứ 15 về chi tiêu cho y tế, so với 38 quốc gia OECD. (NQ)