Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Trung thu: Đón Siêu trăng cuối cùng 2023 vào tối 29/9, xem ở Úc khi nào?


Siêu trăng cuối cùng của năm 2023 xuất hiện vào cuối tuần này cùng một ‘cuộc diễn hành’ đặc biệt của một số hành tinh trong hệ Mặt trời.

Đêm thứ sáu, ngày 29/9, tức 15/8 âm lịch, "Mặt trăng thu hoạch" sẽ kết hợp với hai hành tinh lớn nhất trong hệ Mặt trời của chúng ta là Sao Mộc và Sao Thổ, và hành tinh nhỏ nhất là Sao Thủy. Trong ảnh, "Trăng thu hoạch" trên một đám mây bão ở Colorado. Ảnh: Getty Images
Đêm Thứ Sáu, ngày 29/9, tức 15/8 âm lịch, “Mặt trăng thu hoạch” sẽ kết hợp với hai hành tinh lớn nhất trong hệ Mặt trời của chúng ta là Sao Mộc và Sao Thổ, và hành tinh nhỏ nhất là Sao Thủy. Trong ảnh, “Trăng thu hoạch” trên một đám mây bão ở Colorado. Hình Getty

Trong khi trăng tháng 9 với người Việt thường là trăng Trung thu vì trùng với tháng 8 âm lịch, người phương Tây gọi nó là “trăng thu hoạch” (Harvest Moon), “trăng lúa mạch” hay “trăng bắp”, vì đánh dấu cho một vụ mùa vừa đến kỳ gặt hái thành quả.

Theo trang Space.com, Siêu trăng cuối cùng của năm 2023 xuất hiện vào cuối tuần này, nhưng không chỉ có vậy. Bầu trời rằm Trung thu sẽ còn có màn trình diễn của 2 hành tinh lớn nhất hệ Mặt trời là Sao Mộc, Sao Thổ và hành tinh nhỏ nhất là Sao Thủy.

Trăng rằm tháng 8 âm lịch, được gọi là “Trăng thu hoạch”, sẽ mọc vào Thứ Sáu, ngày 29/9 -và đây là một ngày đặc biệt. Đây không chỉ là Siêu trăng thứ tư liên tiếp của năm 2023 mà còn là Siêu trăng cuối cùng của năm, đánh dấu sự kết thúc của một mùa hè Siêu trăng.

Trăng rằm tháng 8 không tròn hơn những lần trăng rằm khác như nhiều người lầm tưởng. Hình Huy Huynh

Được gọi là “Trăng thu hoạch” là vì nó xuất hiện vào khoảng thời gian mà những người nông dân ở Bắc bán cầu sẵn sàng thu hoạch mùa màng. Dù không gần hay sáng như siêu trăng Tháng 8 nhưng “Trăng thu hoạch” có thể mang màu vàng đậm, cam hoặc đỏ, đặc biệt là khi mới mọc lên từ đường chân trời.

Xứng đáng với một Siêu trăng đặc biệt như vậy, màn trình diễn của “Trăng thu hoạch” cũng sẽ có sự tham gia của một cuộc “diễn hành” các hành tinh trên bầu trời, bao gồm hai thiên thể lớn nhất của hệ Mặt trời, Sao Mộc và Sao Thổ, cũng như hành tinh nhỏ nhất, Sao Thủy.

Chuỗi 4 Siêu trăng liên tiếp mùa hè bắt đầu với “Trăng Buck” vào ngày 3/7. Tiếp theo là hai Siêu trăng vào tháng 8, “Trăng cá tầm” ngày 1/8 và “Trăng xanh” vào ngày 30/8.

Trăng thu hoạch mọc trên Gold Coast vào năm 2019. Hình Glenn Hampson

Cách ngắm Trăng Thu hoạch (Harvest Moon) từ Úc

Trăng thu hoạch sẽ mọc ở Úc vào Thứ Sáu, ngày 29 tháng 9. Nó sẽ chính thức đạt trạng thái tối đa vào lúc 19:58 giờ tối AEDT (Úc) vào Thứ Sáu 29/9. Tuy nhiên, nếu bạn có kế hoạch thì đừng lo lắng. Mặt trăng sẽ tiếp tục xuất hiện sáng và tròn cả một ngày trước và một ngày sau sự kiện chính. Trăng thu hoạch sẽ sáng nhất vào lúc trăng mọc, vì vậy đó là thời điểm tốt nhất để đạt đỉnh điểm.

Thuật ngữ “Siêu trăng” dùng để chỉ trăng tròn xảy ra vào khoảng thời gian Mặt trăng ở gần Trái đất nhất trong quỹ đạo của nó, được gọi là cận điểm. Điều này xảy ra vì quỹ đạo của Mặt trăng quanh Trái đất là một hình elip chứ không phải là một hình tròn hoàn hảo, nghĩa là có những lúc nó ra xa hành tinh của chúng ta hơn và có những lúc nó đến gần hơn.

Vị trí ở gần của Mặt trăng trong các Siêu trăng có nghĩa là đĩa Mặt trăng có thể sáng hơn khoảng 30% và lớn hơn khoảng 14% khi nhìn từ Trái đất so với sự xuất hiện của Mặt trăng trong các lần trăng rằm thông thường. Những khác biệt này có thể được nhìn thấy đối với những người quan sát Mặt trăng có nhiều kinh nghiệm, nhưng không thực sự nổi bật khi quan sát bằng mắt thường đối với đa số người dân.

Trăng thu hoạch có màu vàng hoặc cam nhiều hơn vì nó đối diện trực tiếp và phản chiếu mặt trời. Hình Kerry Anderson

Theo Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), Mặt trăng sẽ đạt cận điểm vào tối Thứ Tư, ngày 27/9, hai ngày trước “Trăng thu hoạch”. Theo chuyên gia về nhật thực và nhà vật lý thiên văn đã nghỉ hưu của NASA Fred Espanak, vào thời điểm bề mặt được chiếu sáng hoàn toàn của Mặt trăng quay về phía Trái đất, nó sẽ cách hành tinh của chúng ta khoảng 361,552 km, gần hơn so với khoảng cách trung bình của Mặt trăng với Trái đất là khoảng 382,900 km.

Tuy nhiên, đây sẽ không phải là Siêu trăng gần nhất hoặc sáng nhất trong năm 2023. Trong “Trăng xanh” ngày 30/8, Mặt trăng cách Trái đất khoảng 357,343 km, theo Espanak.

Trong đêm rằm Trung thu tới đây, Sao Thổ và hành tinh lớn nhất hệ Mặt trời, Sao Mộc -sẽ ở bên trái Trăng thu hoạch trong chòm sao Bạch Dương.

Trung thu năm nay trùng với thời điểm xuất hiện siêu trăng cuối cùng 2023. Hình Mauricio Salazar

Sao Thủy sẽ là hành tinh cuối cùng ghé thăm “Trăng Thu hoạch” và sẽ là hành tinh khó phát hiện nhất. Hành tinh ở gần Mặt trời nhất, Sao Thủy hiện đang ở vị trí xa nhất so với ngôi sao chủ của chúng ta. Dù xuất hiện vào buổi sáng nhưng nó lại biến mất vào buổi tối. Vào Thứ Bảy, hành tinh nhỏ nhất trong hệ Mặt trời sẽ mọc lên vào khoảng 19:30 giờ AEDT Úc (hay 16:30 giờ VN) ngày 29/9. Sao Thủy sẽ cùng “chia sẻ” bầu trời với trăng rằm chỉ hơn một giờ trước khi Siêu trăng cuối cùng trong năm xuất hiện.

Những người bỏ lỡ “Trăng thu hoạch” sẽ phải đợi một thời gian để Siêu trăng tiếp theo, cũng sẽ là Trăng thu hoạch, mọc vào ngày 18/9/2024. Đây sẽ là Siêu trăng đầu tiên trong số hai Siêu trăng vào năm tới, với Siêu trăng thứ hai diễn ra một tháng sau đó vào ngày 17/10/2024.

Nếu bạn đang hy vọng được ngắm nhìn “Trăng thu hoạch”, thì kính thiên văn và ống nhòm sẽ là những dụng cụ tốt nhất để bắt đầu.

Siêu trăng là dịp thú vị dành cho những người yêu thích ngắm nhìn bầu trời và quan sát các thiên thể. Ảnh: Space
Siêu trăng là dịp thú vị dành cho những người yêu thích ngắm nhìn bầu trời và quan sát các thiên thể. Hình Space

Theo ông Noah Petro, nhà khoa học thuộc dự án Tàu quỹ đạo Trinh sát Mặt trăng tại NASA, Mặt trăng chỉ thay đổi màu sắc khi mọc hoặc lặn ở đường chân trời, hoặc trong thời gian diễn ra nguyệt thực. Lý do cũng tương tự như với hiện tượng Mặt trời mọc và Mặt trời lặn màu đỏ.

“Khí quyển Trái Đất tán xạ ánh sáng, ngoại trừ màu đỏ hoặc cam”, ông Petro giải thích. Các yếu tố khí quyển như mây, khói, bụi cũng có thể làm thay đổi màu sắc và độ sáng của Mặt trăng.

Mặt trăng mọc là thời điểm tốt nhất để quan sát kích thước lớn của siêu trăng. Khi Mặt trăng ở gần đường chân trời, những vật thể ở tiền cảnh như cây cối, tảng đá, có thể mang đến cảm nhận rõ ràng về độ lớn. Kết quả là, Mặt trăng trông lớn nhất vào thời điểm này. (T/H, tintuc)