Trưng cầu dân ý thất bại, cử tri Úc không muốn sửa Hiến pháp
Úc đã công bố kết quả sơ bộ cuộc trưng cầu dân ý về đề xuất công nhận người bản địa trong Hiến pháp, theo đó đa số người dân đã không chấp nhận đề xuất trên.
Với gần 80% số phiếu được kiểm, khoảng 60% cử tri tham gia trưng cầu dân ý đã lựa chọn phản đối đề xuất trong khi 40% lựa chọn ủng hộ.
Kết quả trên được đánh giá sẽ là một bước lùi lớn trong nỗ lực hòa hợp cộng đồng người bản địa của Úc. Trong một tuyên bố, Thủ tướng Anthony Albanese thừa nhận đây không phải là kết quả ông mong muốn, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục tôn trọng cũng như sát cánh cùng cộng đồng người bản địa.
Theo ông, “thời điểm bất đồng này” sẽ “không chia rẽ chúng ta. Chúng ta không phải là cử tri lựa chọn “Có” hoặc “Không”. Chúng tôi đều là người Úc”.
Trong khi đó, nhiều người bản địa cũng như những người tham gia chiến dịch vận động ủng hộ đề xuất bày tỏ sự thất vọng về kết quả cuộc trưng cầu, song vẫn sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy việc công nhận cộng đồng người bản địa.
Trong cuộc trưng cầu dân ý lần này, người Úc lựa chọn giữa “Có” hoặc “Không” với đề xuất công nhận người bản địa trong Hiến pháp năm 1901.
Đề xuất này cũng bao gồm việc thành lập một cơ quan tham vấn cho Quốc hội nhằm đánh giá các bộ luật có thể tác động tới cộng đồng người bản địa cũng như góp phần giải quyết sự bất bình đẳng sâu sắc về xã hội và kinh tế với người bản địa.
Có một điểm đáng chú ý là, mặc dù cuộc trưng cầu dân ý do chính phủ liên bang do Lao động lãnh đạo đề xuất và được xác định là một trong những nội dung quan trọng của chính phủ trong nhiệm kỳ từ năm 2022 đến năm 2025 song tại 6/7 tiểu-bang và vùng lãnh thổ, nơi Lao động đang nắm quyền, tỷ lệ không ủng hộ đề xuất của chính phủ cao hơn tỷ lệ ủng hộ.
Tiểu-bang Tasmania, nơi duy nhất tại Úc mà chính quyền do đảng Tự do đối lập lãnh đạo lại ủng hộ đề xuất của chính phủ liên bang. Thực tế này cho thấy trong cuộc trưng cầu dân ý này, ý kiến của người dân dường như không bị tác động bởi yếu tố đảng phái.
Theo thông tin từ Ủy ban bầu cử Úc (AEC), 17.6 triệu người dân, tương đương với 97.7% cử tri Úc đăng ký bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 14/10.
Đây là số lượng người kỷ lục đăng ký tham gia cuộc trưng cầu dân ý và thực tế này cho thấy người dân Úc rất quan tâm tới cuộc trưng cầu dân ý và muốn nói lên tiếng nói của mình trong một trong những sự kiện chính trị quan trọng nhất của nước này.
Lần gần nhất người Úc bỏ phiếu phản đối một cuộc trưng cầu dân ý là vào năm 1999 khi họ được yêu cầu cắt đứt quan hệ với chế độ quân chủ Anh và trở thành một nước cộng hòa.
Thủ tướng Albanese chấp nhận kết quả của cuộc trưng cầu ý dân và tôn trọng quyết định của người dân Úc
Phát biểu vào tối Thứ Bảy 14/10 sau khi kết quả được ngã ngũ, Thủ tướng Úc Anthony Albanese cho biết, ông chấp nhận kết quả của cuộc trưng cầu dân ý và tôn trọng quyết định của người dân Úc.
Tuy vậy Thủ tướng Albanese khẳng định, chính quyền của ông sẽ vẫn tiếp tục lắng nghe, kết nối và tôn trọng những người bản địa và thúc đẩy quá trình hòa giải đất nước.
“Tôi luôn lạc quan về những gì mà chúng ta có thể cùng làm với nhau. Với tinh thần này, như đã nói nhiều lần với những người thuộc mọi quan điểm chính trị, tôi mong muốn tiếp tục hợp tác với tất cả mọi người và tối nay tôi tiếp tục nhắc lại lời đề nghị hợp tác này. Bởi khoảnh khắc bất đồng này không thể định nghĩa chúng ta và nó cũng sẽ không chia rẽ chúng ta. Tất cả chúng ta đều là người Úc, và với tư cách là người dân Úc, chúng ta phải đưa đất nước vượt qua cuộc tranh luận này”, Thủ tướng Úc Anthony Albanese nhấn mạnh. (T/H, TGVN)