Monday, December 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Hàng ngàn người biểu tình phản đối Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông

Hàng ngàn người Hồng Kông hôm Chủ Nhật (24/5) bất chấp lệnh cấm tụ tập đông người (trên 8 người) đã tổ chức biểu tình phản đối chính quyền Bắc Kinh vừa đề xuất Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông. Cảnh sát Đặc khu đã xịt khí gas và hơi cay để giải tán đám đông. 

Người dân Hồng Kông tập trung biểu tình tại khu mua sắm sầm uất tại Vịnh Đồng La hôm 24/5.
Người dân Hồng Kông tập trung biểu tình tại khu mua sắm sầm uất tại Vịnh Đồng La hôm 24/5. (Ảnh: Vision Times)

Theo Reuters, hàng ngàn người biểu tình đã đổ về khu mua sắm sầm uất tại Vịnh Đồng La (Causeway Bay). Họ hét vang các khẩu hiệu như “Cách mạng thời đại. Giải phóng Hồng Kông”; “Chiến đấu vì tự do, Sát cánh với Hồng Kông”; và “Hồng Kông độc lập, lối thoát duy nhất”.

Đây là cuộc biểu tình đầu tiên sau khi chế độ Bắc Kinh đề xuất Luật An ninh Quốc gia sửa đổi vào hôm thứ Năm (21/5). Cuộc biểu tình này đặt ra thách thức mới cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi mà chính quyền trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc do ông Tập lãnh đạo đang ra sức chế ngự sự phản đối của công chúng Hồng Kông đối với Bắc Kinh và kiềm chế chặt chẽ hơn trung tâm tài chính hàng đầu Châu Á này.

Cảnh sát Đặc khu đã xịt khí gas và hơi cay để giải tán đám đông ở ngã tư Hennessy Road & Percival Street (Ảnh SCMP)

Cuộc biểu tình đến trong bối cảnh nhiều lo lắng nổi lên về số phận của mô hình “một quốc gia, hai chế độ” mà chính quyền Trung Quốc dùng để quản lý Hồng Kông từ năm 1997. Mô hình quản lý này đảm bảo cho Hồng Kông có được các quyền tự do rộng lớn mà tại Trung Quốc Đại Lục không có, trong đó có quyền tự do báo chí, tự do biểu đạt và độc lập tư pháp.

Cuộc biểu tình lần này ban đầu được dự định tổ chức để phản đối một dự luật quốc ca gây tranh cãi mà cơ quan lập pháp Hồng Kông đưa ra thảo luật lần hai ở phiên họp hôm thứ Tư (20/5). Nhưng sau khi giới chức Bắc Kinh đề xuất Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông vào hôm 21/5, thì nó càng khiến cho nhiều người Hồng Kông có lý do xuống đường phản kháng chính quyền trung ương.

Cảnh sát Hồng Kông đã thực hiện các hoạt động dừng-và-lục soát tại Vịnh Đồng La, đồng thời cảnh báo người dân không được vi phạm lệnh cấm tụ tập trên 8 người đang được áp đặt để ngăn chặn sự lây lan của virus viêm phổi Vũ Hán.

Cảnh sát đã xịt khí gas và hơi cay để giải tán đám đông trong khung cảnh hỗn loạn khiến nhiều người nhớ lại các cuộc biểu tình chống chính quyền làm rung chuyển Hồng Kông kéo dài suốt 7 tháng vào năm ngoái. Một số người biểu tình đã cố gắng phong tỏa một số tuyến đường.

Một học sinh cấp hai 16 tuổi, xưng tên Twinnie nói với Reuters: “Tôi lo lắng rằng sau khi thực hiện Luật An ninh Quốc gia, họ sẽ bắt giữ những người đã bị buộc tội trước đó và cảnh sát sẽ càng hành xử mất kiểm soát hơn. Tôi sợ bị bắt nhưng tôi vẫn cần phải bước ra và biểu tình vì tương lai của Hồng Kông”.

Chính trị gia Avery Ng của Đảng Liên đoàn Dân chủ Xã hội đã gọi dự Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông là “luật tà ác” và kêu gọi người dân Hồng Kông hãy bước ra và phản đối luật này.

Đó là lằn ranh đỏ. Trong tương lai họ có thể lấy danh nghĩa vì an ninh quốc gia để bắt giữ, bỏ tù và bịt miệng bất cứ ai họ muốn. Chúng ta phải chống lại luật này”, ông Avery Ng nói với Reuters.

Một số nhà bình luận địa phương đã mô tả luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh vừa đề xuất ban hành là “một lựa chọn hạt nhân”, đó là một phần của trò chơi quyền lực rủi ro cao của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Động thái mới nhất của chính quyền Bắc Kinh đối với Hồng Kông đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Anh Quốc và nhiều quốc gia khác.

Theo Reuters, hôm thứ Bảy (23/5), có gần 200 nhân vật chính trị từ khắp nơi trên thế giới cho biết trong một tuyên bố rằng luật vừa được Trung Quốc đề xuất là một “cuộc tấn công toàn diện vào quyền tự trị, luật pháp và các quyền tự do cơ bản của Hồng Kông”.

Giới chức Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ các chỉ trích của các nước khác về đề xuất Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông. Họ gọi những tuyên bố phản đối đó là “can thiệp” vào công việc nội bộ của Trung Quốc và khẳng định luật đề xuất là cần thiết và sẽ không gây tổn hại cho quyền tự trị của Hồng Kông hoặc các nhà đầu tư nước ngoài tại đây. (T/T)