Sunday, November 3, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Trẻ mắc hội chứng Covid kéo dài có thể mắc trầm cảm và lo lắng


Các triệu chứng ở trẻ em có thể mệt mỏi, hụt hơi, khó thở, giảm trí nhớ, mất tập trung hoặc các vấn đề về giấc ngủ, mất khứu giác hoặc vị giác, trầm cảm hoặc lo lắng và sốt.

Một điểm xét nghiệm nhanh Covid-19 cho trẻ em tại Long Beach, California, Mỹ, tháng 3/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN).
Một điểm xét nghiệm nhanh Covid-19 cho trẻ em tại Long Beach, California, Mỹ, tháng 3/2022. Hình AFP/TTXVN

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, trẻ vị thành niên bị ảnh hưởng bởi “Covid-19 kéo dài” hoặc “hậu Covid-19” sẽ có các triệu chứng mệt mỏi, thay đổi khứu giác và lo lắng hơn so với bạn bè đồng trang lứa khỏe mạnh.

Các triệu chứng thường tác động đến hoạt động hàng ngày như thay đổi thói quen ăn uống, hoạt động thể chất, hành vi, kết quả học tập, chức năng xã hội (tương tác với bạn bè, đồng nghiệp, gia đình) và các cột mốc phát triển.

Theo WHO, các triệu chứng có thể khởi phát sau khi đã có sự hồi phục ban đầu sau đợt mắc Covid-19 cấp tính hoặc vẫn tồn tại sau đợt nhiễm bệnh ban đầu. Triệu chứng cũng có thể thay đổi hoặc tái phát theo thời gian.

Các triệu chứng ở trẻ em có thể bắt đầu trong vòng 3 tháng kể từ lần nhiễm đầu tiên và kéo dài ít nhất 2 tháng, giống như người lớn, đó là mệt mỏi, hụt hơi, khó thở, giảm trí nhớ, mất tập trung hoặc các vấn đề về giấc ngủ, ho dai dẳng, đau ngực, khó nói, đau cơ, mất khứu giác hoặc vị giác, trầm cảm hoặc lo lắng và sốt.

Giám đốc Y tế Úc Paul Kelly cho biết chính phủ liên bang đang phát triển chiến lược để đối phó với tình trạng “Covid-19 kéo dài”.

Tuy nhiên, ông không đưa ra mốc thời gian chiến lược sẽ được thực thi bởi việc thu thập dữ liệu “Covid-19 kéo dài” rất phức tạp và đầy thách thức do không có định nghĩa rõ ràng.

Ông cho biết những định nghĩa về “Covid-19 kéo dài” mà Úc đang sử dụng hiện nay là định nghĩa của WHO, định nghĩa của Viện chăm sóc sức khỏe quốc gia (NICE) của Anh, phù hợp cho mục đích nghiên cứu hơn vì định nghĩa này rất rộng.

Giáo sư Kelly cũng dự đoán một “làn sóng Covid-19” khác sẽ xảy ra trong năm nay. Theo ông, đại dịch sẽ kéo dài ngay cả khi giai đoạn cấp tính đang dần chậm lại.

Những nguyên nhân nào dẫn tới di chứng hậu Covid-19?

Theo Medlatec, một số nguyên nhân có thể làm tăng nguy cơ gặp phải tình trạng di chứng hậu Covid-19 là:

– Virus EBV: Khi nhiễm Covid-19, loại virus nguy hiểm này còn có thể tác động và gây kích hoạt loạt virus EBV, khiến xảy ra một số di chứng hậu Covid-19 kéo dài. Virus EBV là 1 trong 8 loại virus của nhóm Herpes, tồn tại trong cơ thể của khoảng 95% dân số thế giới. Loại virus này thường ở dạng bất hoạt và không gây ra triệu chứng nhưng khi hoạt động, chúng có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như ung thư vòm họng, ung thư dạ dày,…

– Mắc Covid-19 thể nặng: Những trường hợp mắc Covid-19 thể nặng, nhất là những trường hợp đã phải thở máy, hay thở oxy kéo dài, bị viêm phổi, nhiễm trùng phổi thì sẽ có thể đối mặt với di chứng hậu Covid-19 nặng và kéo dài nhiều hơn gấp 4 lần so với các trường hợp bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ.

– Trường hợp mắc Covid-19 có bệnh nền: Những đối tượng đã có bệnh nền, nhất là những người bị hen suyễn, viêm phổi và mắc Covid-19 sẽ có nguy cơ gặp phải các di chứng hậu Covid-19 cao hơn gấp 10 lần so với những trường hợp bệnh nhân Covid-19 không mắc bệnh nền. Đặc biệt những trường hợp bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, các bệnh lý về tim mạch, người bị suy giảm hệ miễn dịch,… có nguy cơ cao bị rối loạn các chỉ số sinh học của cơ thể sau khi đã khỏi Covid-19, chẳng hạn như rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, giảm chỉ số đường huyết,…

– Do chưa được tiêm phòng Covid-19: Đây cũng được đánh giá là nguyên nhân phổ biến nhất. Tiêm vaccine không thể phòng ngừa 100% nguy cơ nhiễm Covid-19 nhưng có thể giảm đáng kể nguy cơ mắc chứng hậu Covid-19 kéo dài, kể cả với những trường hợp chỉ tiêm một liều vaccine. Những người nhiễm Covid-19 mà chưa được tiêm vaccine sẽ có nguy cơ chuyển biến nặng cao, đồng thời có nguy cơ cao phải đối mặt với những di chứng hậu Covid-19.

– Hệ sinh vật đường ruột kém: Hệ sinh vật đường ruột có khoảng hơn 500 loài sinh vật khác nhau và là yếu tố quan trọng đối với sức khỏe của chúng ta. Tại đường ruột có khoảng 85% vi khuẩn có lợi và khoảng 15% vi khuẩn có hại. Cơ chế điều hòa miễn dịch sẽ khiến hệ vi sinh đường ruột luôn cân bằng, khỏe mạnh. Do đó, những trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 nhưng có hệ vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh thì sẽ có thể giảm nguy cơ di chứng hậu Covid-19. Ngược lại, những đối tượng có hệ vi sinh hoạt động kém hơn thì sẽ có nguy cơ bị di chứng Covid-19 kéo dài hơn.

– Kháng thể IgM và IgG thấp cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ gặp phải các triệu chứng hậu Covid-19

Để khắc phục di chứng hậu Covid-19, nên tập thở để hồi phục chức năng phổi, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ và cần đi thăm khám tại các cơ sở y tế để được kiểm tra sức khỏe, xác định tổn thương (nếu có) và kịp thời điều trị. (T/H, tintuc)