Sunday, April 27, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

TQ tuyên bố chủ quyền ở Trường Sa giữa lúc VN ăn mừng 30/4


Theo South China Morning Post, Trung Quốc đã cho quân của lực lượng hải cảnh đổ bộ lên đá Hoài Ân, thuộc cụm đảo Thị Tứ, ở quần đảo Trường Sa, để “tuyên bố chủ quyền”.

Một nhóm lính thuộc Hải cảnh Trung Quốc trương cờ để chụp hình tuyên bố chủ quyền tại bãi cạn Sandy Cay mà họ gọi là Thiết Tuyến tiêu (Tiexian Jiao) thuộc quần đảo Trường Sa. Hình Global Times

Guồng máy tuyên truyền chính thức và bán chính thức của Trung Quốc, từ hai ngày nay, đưa cả video, hình ảnh và bản tin kể lại hoạt động bảo vệ “chủ quyền biển đảo” của họ tại quần đảo Trường Sa, nơi đang có những tranh chấp gay gắt giữa các nước ở khu vực.

Tờ Hoàn Cầu thời báo đưa tin rồi Tân Hoa Xã dẫn lại nói rằng lính Hải cảnh của họ, giữa Tháng Tư, trương cờ chụp hình, quay phim “thực hiện quyền quản lý hàng hải và thực thi quyền chủ quyền tại Thiết Tuyến tiêu (Tiexian Jiao) ở Biển Đông. Nhóm lính đã kiểm tra thực địa và thu thập các bằng chứng về các hoạt động bất hợp pháp”.

Thiết Tuyến Tiêu, Việt Nam đặt tên là đá Hoài Ân, tên quốc tế là Sandy Cay. Bãi cạn này là một trong gần một chục bãi cạn nhỏ thuộc cụm đảo Thị Tứ (Thitu island) hiện do Phi Luật Tân kiểm soát, cách đảo Thị Tứ chừng 4 hải lý. Nhưng bãi cạn này cũng chỉ cách 10 hải lý với đảo nhân tạo khổng lồ của Trung Quốc Subi hiện đã là một trong những căn cứ quân sự quy mô của Bắc Kinh tại Biển Đông có cả phi đạo và bến cảng.

Tổng Bí thư Tô Lâm (trái) đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hà Nội vào ngày 14/4. Hình Getty

Giữa Tháng Tư vừa qua cũng là dịp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Việt Nam, lôi kéo đàn em Cộng sản phương nam “cùng chung vận mệnh” chống lại Mỹ. Có thể vì lý do nhạy cảm chính trị này mà thời điểm đó, guồng máy tuyên truyền ở Bắc Kinh đã không đả động gì. Nay họ Tập đã về nhà êm xuôi rồi mới thấy lôi ra để khoe với thiên hạ.

Tuy Việt Nam coi đá Hoài Ân cũng là một phần nằm trong chủ quyền của mình tại quần đảo Trường Sa, nhưng chỉ tuyên bố chủ quyền hình thức và để mặc Phi Luật Tân và Trung Quốc kèn cựa với nhau. Chuyện liên quan tới bãi cạn này cũng có khi căng thẳng, khi thì êm ắng suốt mấy năm qua. Ngư dân Phi thường đến quanh các bãi cạn này nghỉ ngơi sau những chuyến đánh cá nhưng những năm sau này thì bị đám dân quân biển và Hải cảnh Trung Quốc xua đuổi, giống như tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), Đá Ba Đầu (Whitson Reef- Trung Quốc gọi là Ngưu Ách tiêu), bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là Huangyan dao – Hoàng Nham đảo).

Chủ nhật mới đây, Hải quân Trung Quốc khoe rằng họ đã “trực xuất” một tàu chiến của Phi Luật Tân vì đã “xâm nhập bất hợp pháp” vào vùng biển trong khi Manila coi các hành động của Bắc Kinh là bất hợp pháp.

Đám tàu dân quân biển của Trung Quốc thả neo, đậu sát vào nhau tại đá Ba Đầu (Trung Quốc gọi là Ngưu Ách tiêu) ngăn cản các tàu của Việt Nam và Phi Luật Tân tiếp cận. Hình AFP/Getty

Tháng 12 2023, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Phi Luật Tân đã đưa người tới một số bãi cạn tại Trường Sa, như tại đá Hoài Ân, làm cho Bắc Kinh phải phản đối “hơn 100 lần”. Rồi sau đó, đến ngày 21 Tháng Ba 2024, một nhóm 34 người Phi đã đến bãi Hòai Ân mà Cảnh sát biển Phi nói “các nhà khoa học đã khảo cứu suốt 4 giờ dù có sự hiện diện của các tàu Trung Quốc, lại có cả trực thăng của họ bay trên đầu”.

Gần chục năm trước, đại sứ Trung Quốc tại Manila đã cam kết với chính phủ Phi sau khi họ mang hàng chục tàu dân quân biển tới bãi cạn Hoài Ân đuổi ngư dân Phi là Bắc Kinh sẽ không xây cất gì tại đó cả.

Phi luôn luôn gọi các hành động của Trung Quốc là hung hăng hay quấy nhiễu trong khi Bắc Kinh lại cáo buộc người Phi xâm phạm chủ quyền. Bên cạnh các căng thẳng giữa Trung Quốc và Phi Luật Tân tại Bãi Cỏ Mây, Đá Ba Đầu, nay cái lá cờ đỏ 5 sao Trung Quốc báo hiệu cơn bão tố mới ở khu vực có thể bùng lên. (T/H, N/V)