Sunday, December 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

TQ thay Ngoại trưởng Tần Cương mất tích bằng người tiền nhiệm Vương Nghị


Bắc Kinh vừa cách chức Ngoại trưởng Tần Cương ngày 25 Tháng Bảy 2023 và thay thế bằng người tiền nhiệm Vương Nghị (Wang Yi), trong một động thái làm dấy lên những tin đồn về cuộc sống cá nhân và sự cạnh tranh chính trị của giới tinh hoa trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ngoại trưởng Tần Cương ‘mất tích cả tháng’. Hình VCG/VCG/Getty

Chỉ năm tuần trước, người ta còn thấy Tần Cương bắt tay với Ngoại trưởng Antony Blinken tại Bắc Kinh và nhận lời mời đến thăm Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong bản tin tối phát sóng toàn quốc ngày 25 Tháng Bảy, Đài truyền hình nhà nước CCTV không đưa ra lý do việc sa thải Tần Cương. Đương sự đã biến mất gần một tháng trước và Bộ Ngoại giao Trung Quốc không cung cấp bất kỳ thông tin nào liên quan. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã xóa trang web của Tần Cương và các thông tin chi tiết khỏi trang web của họ.

Số phận của Tần Cương đã trở thành một chủ đề đồn đoán lớn trên mạng xã hội và cả giới phân tích phương Tây. Nhiều người tập trung vào cuộc sống cá nhân của ông và mối quan hệ có khả năng gây tổn hại khi ông còn là đại sứ tại Hoa Kỳ. Bất kể tính xác thực của những giả thuyết đó là gì, sự sụp đổ của ông Tần Cương có thể là một khoảnh khắc khó xử đối với Tập Cận Bình, người đã đưa Tần Cương (57 tuổi) vào vai trò ngoại trưởng đầy quyền lực hơn là chọn các nhà ngoại giao lớn tuổi có bề dày kinh nghiệm khác.

Sự đột ngột và mờ mịt xung quanh việc Tần Cương bị sa thải cho thấy sự bất ổn hiện đã trở thành một đặc điểm của hệ thống chính trị Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình. Cách thức “xử lý” Tần Cương là đặc thù “văn hóa chính trị” của Đảng Cộng sản cầm quyền đối với các vấn đề nhân sự trong một hệ thống chính trị bưng bít tối mù, nơi các phương tiện truyền thông và tự do ngôn luận bị hạn chế tối đa. Bộ Ngoại giao Trung Quốc không đưa ra bình luận nào trong cuộc họp giao ban hàng ngày vào Thứ Ba 25 Tháng Bảy 2023.

秦刚出席中国外交部主办活动(中新社资料图片)
Ông Tần Cương từng làm người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ và có nhiệm kỳ ngắn ở chức đại sứ tại Hoa Kỳ trước khi về nước làm Bộ trưởng Ngoại giao. Hình China News Service

Động thái sa thải Tần Cương diễn ra trong bối cảnh nhiều nước ngày càng phản ứng dữ dội trước chính sách đối ngoại hung hăng của Trung Quốc, mà Tần chứ không ai khác là người đề xuất chính. Lần cuối cùng Tần xuất hiện trước ống kính truyền hình là tại cuộc gặp với Ngoại trưởng Sri Lanka ngày 25 Tháng Sáu ở Bắc Kinh. Sau đó, Tần biến mất và có lúc Bộ Ngoại giao giải thích rằng sở dĩ ông vắng mặt là do sức khỏe không tốt.

Sự xáo trộn trong đội ngũ ngoại giao Trung Quốc cho thấy sự thay đổi trong chính sách đối ngoại, trong đó có việc ủng hộ cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Những động thái này diễn ra sau chuyến đi của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tới Bắc Kinh cũng như các chuyến công du những quan chức Hoa Kỳ hàng đầu khác, trong nỗ lực khôi phục mối quan hệ vốn rạn nứt sâu sắc liên quan mọi phương diện, từ thương mại, nhân quyền, công nghệ, Đài Loan đến các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tần Cương từng là phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Đương sự – một “chiến binh sói” – nổi tiếng với việc liên tục chỉ trích phương Tây và bác bỏ mọi cáo buộc chống lại Trung Quốc. Sau đó, Tần đứng đầu bộ phận lễ tân của Bộ. Thời gian này, Tần Cương bắt đầu thu hút sự chú ý  của Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Tập Cận Bình. Tiếp theo, Tần được bổ nhiệm làm Đại sứ tại Washington DC từ Tháng Bảy 2021 đến Tháng Giêng năm nay, một nhiệm kỳ tương đối ngắn nhưng báo trước việc ông được thăng tiến lên vị trí người đứng đầu cơ quan ngoại giao Trung Quốc.

Một thông cáo của chính phủ Trung Quốc hôm 25/07 cho hay Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương bị Quốc hội bãi nhiệm và đưa tin ngắn là ông Vương Nghị, 69 tuổi, được bổ nhiệm (lại) làm Ngoại trưởng. Hình AP

Gần đây, Hoa Kỳ đã đưa ra loạt biện pháp ngoại giao với hy vọng khôi phục các mối quan hệ chìm xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Với hệ thống chính trị bưng bít được hỗ trợ bởi sự kiểm soát chặt chẽ truyền thông và xã hội dân sự, thật khó để đánh giá cách Tập Cận Bình và những nhà lãnh đạo khác của Trung Quốc nhìn nhận và lượng định mối quan hệ Mỹ-Trung như thế nào vào thời điểm này.

Là kẻ độc đoán và theo chủ nghĩa dân tộc một cách mạnh mẽ nhất trong nhiều thập niên, Tập Cận Bình có quan điểm cứng rắn đối với các tuyên bố chủ quyền liên quan Biển Đông, luôn đe dọa tấn công nền dân chủ trên đảo Đài Loan tự trị, hùng hồn bác bỏ những chỉ trích của phương Tây về việc Trung Quốc đàn áp sự biểu đạt chính trị; chưa kể việc Tập thực hiện chính sách đàn áp các nhóm thiểu số Hồi giáo và Phật giáo cũng như ở thuộc địa cũ của Anh là Hong Kong.

Trong thời gian làm người phát ngôn và ngoại trưởng, Tần Cương luôn bảo vệ những quan điểm đó bằng lời lẽ gay gắt. Tháng Ba 2023, Tần Cương nói, “Nếu Hoa Kỳ không nhấn phanh mà tiếp tục đi sai đường thì không có lan can bảo vệ nào có thể ngăn chặn sự trật bánh và chắc chắn sẽ có xung đột và đối đầu… Cạnh tranh như vậy là một canh bạc liều lĩnh, với tiền đặt cược là lợi ích căn bản của hai dân tộc và thậm chí là tương lai của nhân loại.”

Tần Cương trong buổi tiếp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tại Bắc Kinh ngày 19 Tháng Sáu 2023. Hình Foreign Ministry of China/Anadolu Agency/Getty

Quan hệ Mỹ-Trung có thể bớt căng thẳng nếu Tập Cận Bình gặp Tổng thống Joe Biden vào cuối năm nay, nhân dịp đương sự dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương tại San Francisco. “Nếu có thể nắm bắt được cơ hội để kéo Trung Quốc-Mỹ lại gần nhau. Nếu trở lại đúng hướng, các mối quan hệ có thể không vượt khỏi tầm kiểm soát vào năm tới, khi Mỹ sẽ tập trung vào mùa bầu cử – một nhà quan sát nhận định.

Bonnie Glaser, Giám đốc điều hành chương trình Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại Quỹ Marshall của Đức, cho biết: “Việc Tần Cương bị cách chức là một “dấu hiệu cho thấy ông Tập đã phán đoán sai lầm và có thể sai lầm”. Trong một ví dụ điển hình về bức tranh tối mịt của nền chính trị dưới thời Tập Cận Bình, trong tuần này, Đảng Cộng sản vừa thông báo Trung tướng Vương Thiếu Quân, cựu Cục trưởng Cục An ninh Trung ương bảo vệ các nhà lãnh đạo Trung Quốc, đã qua đời ba tháng trước đó. Không có lời giải thích nào cho sự chậm trễ trong việc thông báo về cái chết của ông.

Vương Nghị, 69 tuổi, người thay thế Tần Cương, là một nhà ngoại giao lọc lõi, sếp Ủy ban Đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của Tập. Vương Nghị cũng là ủy viên Bộ Chính trị, gồm 24 quan chức chóp bu cấp cao nhất của Trung Quốc. Nếu ghế ngoại trưởng được Vương thay thế, việc xoa dịu căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung có thể phức tạp thêm vì Vương nổi tiếng cực đoan và nóng nảy. Vương Nghị và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken từng tranh cãi tóe lửa tại hội nghị an ninh ở Munich vào Tháng Hai sau khi máy bay chiến đấu Mỹ bắn hạ khinh khí cầu do thám của Trung Quốc. (T/H, SGN)