Monday, July 1, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

TQ áp dụng luật cho phép bắt người nước ngoài trên biển từ 15/6


BẮC KINH, Trung Quốc – Lực lượng tuần duyên Trung Quốc ban hành các yêu sách mới có hiệu lực từ Thứ Bảy, 15 Tháng Sáu, trong đó có thể bắt giữ công dân ngoại quốc xâm phạm vùng Biển Đông đang tranh chấp, nơi các quốc gia lân bang và nhóm các cường quốc G7 tố cáo Bắc Kinh đe dọa và áp bức, theo Philstar Global.

Một tàu chở hàng đi ngang tàu đánh cá Philippine trên Biển Đông ngày 15 Tháng Năm, 2024. Hình AFP/Getty

Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, gạt phăng các yêu sách cạnh tranh từ một số quốc gia Đông Nam Á gồm có Philippines và kể cả phán quyết quốc tế rằng lập trường của Trung Quốc không hề có căn cứ pháp lý.

Trung Quốc khai triển lực lượng tuần duyên và hàng loạt tàu thuyền tuần tiễu vùng biển và biến một số rạn san hô thành các đảo nhân tạo quân sự hóa. Tàu thuyền Trung Quốc và Philippines từng đụng độ tại các khu vực tranh chấp.

Từ Thứ Bảy trở đi, lực lượng tuần duyên Trung Quốc có thể bắt giữ công dân ngoại quốc “bị tình nghi vi phạm quản lý thông hành biên giới,” theo các yêu sách mới được công bố trực tuyến.

Trung Quốc cho biết họ được phép giam giữ lên tới 60 ngày trong “các trường hợp phức tạp.”

“Tàu thuyền ngoại quốc xâm nhập trái phép vào lãnh hải Trung Quốc và vùng biển lân cận có thể bị bắt giữ.”

Manila tố cáo lực lượng tuần duyên Trung Quốc có “hành vi man rợ và vô nhân đạo” với tàu thuyền Philippines, đồng thời vào tháng trước Tổng Thống Ferdinand Marcos gọi các yêu sách mới là sự leo thang “vô cùng đáng lo ngại.”

Lực lượng tuần duyên Trung Quốc từng nhiều lần nã vòi rồng vào tàu thuyền Philippines trên vùng biển tranh chấp.

Hải quân Philippines thu nhặt các gói hàng do máy bay thả xuống Bãi Cỏ Mây ngày 19/5/2024. Hình AP

Từng có những vụ đối đầu khiến quân nhân Philippines bị thương.

Tổng tư lệnh quân đội Philippines, Tướng Romeo Brawner, nói với các phóng viên hôm Thứ Sáu rằng giới chức Manila đang “thảo luận một số bước đi cần thực hiện để bảo vệ ngư dân Philippines.”

Chính phủ Philippines yêu cầu ngư dân “đừng nao núng, mà hãy tiếp tục các hoạt động đánh bắt cá bình thường trong Vùng Đặc Quyền Kinh Tế của Philippines,” Brawner cho biết.

Hôm Thứ Sáu, khối G7 lên án hành vi xâm phạm “nguy hiểm” của Trung Quốc tại Biển Đông.

Biển Đông là một thủy lộ quan trọng, nơi Việt Nam, Mã Lai và Brunei cũng có các yêu sách giẫm chân nhau tại một số khu vực.

Chưa rõ phản ứng của Việt Nam trước sự việc này.

Gần đây nhất, các cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Philippines làm dấy lên lo ngại về việc bành trướng một cuộc xung đột trên biển quyết liệt hơn có thể liên can tới Hoa Kỳ và các đồng minh.

Philippines từng cáo buộc Trung Quốc bắn vòi rồng và đâm vào tàu của nước này.

Hàng năm, Biển Đông chứng kiến các thương thuyền chuyên chở hàng hóa trị giá hàng ngàn tỷ Mỹ kim qua lại trên vùng biển và người ta tin rằng còn có những mỏ dầu khí vĩ đại chưa được khai thác nằm dưới đáy biển, mặc dù các dự đoán khác nhau rất nhiều.

Biển Đông cũng quan trọng vì là nguồn hải sản cho dân số ngày càng tăng.

Trung Quốc bảo vệ các yêu sách mới của lực lượng tuần duyên. Một phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao cho biết vào tháng trước rằng các yêu sách được lập ra nhằm “duy trì trật tự trên biển tốt đẹp hơn.”

Đồng thời Bộ Trưởng Quốc Phòng Trung Quốc cũng cảnh cáo trong tháng này rằng “có giới hạn” trong việc Bắc Kinh hồi nào tới giờ nương tay tại Biển Đông.

Trung Quốc cũng từng phẫn nộ khi các chiến hạm Hoa Kỳ và Tây Phương đi qua Biển Đông.

Hải Quân Hoa Kỳ và các quốc gia khác thực hiện các chặng hải trình qua Biển Đông để khẳng định quyền tự do hàng hải ở vùng biển quốc tế, nhưng Bắc Kinh coi đó là hành vi xâm phạm chủ quyền.

Các lực lượng Trung Quốc và Hoa Kỳ cũng từng chạm trán ở những khoảng cách gần tại Biển Đông. (T/H, N/V)