Sunday, November 3, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Tổng trưởng Quốc phòng Úc: ‘Chắc chắn’ Bắc Kinh muốn Đảng Lao Động đắc cử


Tổng trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton duy trì quan điểm của mình rằng Bắc Kinh sẽ thích nhìn thấy phe đối lập trung tả — Đảng Lao Động — đắc cử tại cuộc Bầu cử Liên bang hôm 21/05 tới.

(Từ trái sang phải) Tổng trưởng Quốc phòng Peter Dutton, Tổng trưởng Đối lập về Việc làm và Quốc phòng Brendan O’Connor. Hình AAP Image

Ông Dutton, thuộc Liên minh trung hữu cầm quyền, đã đưa ra bình luận trong Phiên tranh luận Quốc phòng với phát ngôn viên quốc phòng của phe đối lập Brendan O’Connor tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia ở Canberra.

“Tôi chắc chắn là Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) muốn nhìn thấy một sự thay đổi chính phủ tại cuộc bầu cử ngày 21/05. Không cần phải nghi ngờ gì cả,” ông nói với các phóng viên hôm 05/05.

“Liên quan đến yếu tố xoa dịu, tôi nghĩ rằng nếu quý vị nhìn vào tất cả ngôn ngữ của [phát ngôn viên ngoại giao đối lập] Penny Wong — thì bà Penny Wong tin rằng bà ấy có thể đến Bắc Kinh trong một sách lược ‘gây thiện cảm’ (charm offensive) và bà ấy có thể thay đổi đường hướng của Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập,” ông nói thêm. “Tất nhiên, Chủ tịch Tập sẽ cười ngặt nghẽo khi tiếp đãi bằng hữu thân mến của mình ở Bắc Kinh.”

Ông Dutton cho biết ĐCSTQ sẽ thúc đẩy một chính phủ do Đảng Lao Động lãnh đạo chấm dứt cái gọi là “các hành động xâm lược” chẳng hạn như hủy bỏ thỏa thuận AUKUS với Hoa Kỳ và Vương quốc Anh để “câu giờ” cho việc xây dựng quân đội hiện tại của họ.

Ông O’Connor thuộc Đảng Lao Động đã hồi đáp, gọi tuyên bố này là một “thuyết âm mưu.”

Thượng nghị sĩ Úc Penny Wong tại Thượng viện tại Tòa nhà Nghị viện ở Canberra, Úc, hôm 02/12/2019. Hình Getty

“Trung Quốc đã thay đổi. Chúng ta biết bây giờ họ quyết đoán hơn, hung hăng hơn, áp đặt hơn,” ông nói. “Trên thực tế, bà Penny Wong, người vừa bị ông Peter [Dutton] chỉ trích, đã nói rõ điều đó trong những đóng góp hồi năm ngoái khi bà ấy khái quát sự thay đổi đáng kể xảy ra trong khu vực.”

“Và như [cựu lãnh đạo cơ quan gián điệp trong nước của Úc] Dennis Richardson … có lẽ là vị cựu lãnh đạo nổi tiếng nhất của các cơ quan an ninh từng nói … sẽ không có lợi cho đất nước này khi một đảng chính trị tấn công chính đảng lớn còn lại vì lý do xoa dịu Trung Quốc — đặc biệt là khi lý do đó không đúng sự thật.”

Sau đó, ông Dutton nhận xét rằng phe “cực tả” trong Đảng Lao Động sẽ “phá vỡ liên minh với Hoa Kỳ vào ngày mai.”

Ông nói với ông O’Connor: “Ông có thể nghĩ về từng đồng nghiệp của mình để xem ai sẽ tìm cách làm điều đó.”

Lập trường mâu thuẫn đối với Trung Quốc trong nội bộ Đảng Lao Động đã được hé lộ sau sự ra đi bi thảm của cố Thượng nghị sĩ Đảng Lao Động Kimberley Kitching. Công chúng được tiết lộ rằng bà đã phải chịu áp lực trong nội bộ đảng vì có lập trường cứng rắn với ĐCSTQ.

Thượng nghị sĩ Tự Do Concetta Fierravanti-Wells đã có những tuyên bố tương tự tố cáo các đồng nghiệp của mình hồi cuối tháng Ba.

Mặc dù cả hai đảng lớn đều xây dựng các mối liên hệ chặt chẽ với các tổ chức liên kết với Bắc Kinh trong những năm qua, nhưng các vụ việc từ Đảng Lao Động là công khai hơn và xuất hiện trên trang nhất của các tờ báo nhiều hơn.

Cuối tháng Tư, có thông tin tiết lộ rằng Phó lãnh đạo Đảng Lao Động đương nhiệm Richard Marles đã ủng hộ việc tăng cường sự hiện diện của Bắc Kinh ở Thái Bình Dương.

Trong một cuốn sách nhỏ được xuất bản hồi tháng 08/2021, ông Marles đã viết rằng bất kỳ hành động nào mà Úc thực hiện để từ chối quyền tiếp cận Thái Bình Dương của Bắc Kinh với lý do chiến lược sẽ là một “sai lầm lịch sử”.

Trong cuốn “Thủy Triều Ràng Buộc: Úc ở Thái Bình Dương” (“Tides that Bind: Australia in the Pacific”), ông viết: “Úc không có quyền mong đợi một bộ các mối quan hệ độc quyền với các quốc gia Thái Bình Dương.” 

Một chiếc xe tải với biển quảng cáo hình Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bỏ phiếu cho Đảng Lao Động hôm 01/04/2022, tại Úc. Hình Advance Australia/FB

Dựa trên những trang bị rò rỉ từ văn kiện này, gần đây, Bắc Kinh đã ký kết một thỏa thuận an ninh với chính phủ Quần đảo Solomon, cho phép chính quyền Trung Quốc — với sự đồng ý của Quần đảo Solomon — cử cảnh sát, quân đội, vũ khí, và thậm chí cả tàu hải quân đến để “bảo vệ sự an toàn của nhân viên và các dự án lớn của Trung Quốc trong Quần đảo Solomon.”

Các chuyên gia cảnh báo thỏa thuận này có thể mở ra cơ hội cho quá trình quân sự hóa nhanh chóng trong khu vực, và mở rộng phạm vi hoạt động của Quân đội Giải phóng Nhân dân từ Biển Đông đến Nam Thái Bình Dương — một vị trí chiến lược chỉ cách 1,700 km (1,050 dặm) từ phía bắc thành phố Cairns của Úc.

Quần đảo Solomon là địa điểm của các cuộc giao tranh lớn trong Đệ nhị Thế chiến — gây thương vong cho hơn 7,000 người thuộc các lực lượng của phe Đồng Minh — do vị trí quan trọng của quốc gia này và ảnh hưởng của nó đối với các tuyến đường biển quan trọng. (T/H, ETV)