Friday, April 26, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Tin giả hoành hành giữa đại dịch COVID-19

Cuộc chiến chống lại đại dịch rất lâu nữa mới kết thúc khi vẫn còn rất nhiều người dân chưa được tiếp cận công bằng với vắc xin, hệ thống y tế “rã rời” sau thời gian dài chống chọi với đại dịch. Giờ đây, chúng ta lại phải đối mặt với sự hoành hành của tin giả ngay giữa dịch COVID-19.

Thông tin sai sự thật, tin giả khiến con người “phải trả giá bằng mạng sống”

Theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins, các trường hợp nhiễm COVID-19 mới tại Mỹ đang tăng lên ở 50 tiểu bang, đặc biệt ở những người trẻ tuổi hoặc những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Số ca lây nhiễm COVID-19  theo ngày đã tăng lên hàng chục nghìn trường hợp,  sau khi chạm đáy khoảng 8,000 ca một tháng trước. Các chuyên gia dự báo các trường hợp tử vong sẽ bắt đầu xuất hiện, nhưng thường là vài tuần sau các đợt nhiễm trùng. Theo thống kê, trong 1 tháng trở lại đây, hơn 99%  các ca bệnh nặng và tử vong đều nằm trong số những trường hợp không được tiêm chủng.

Trong bối cảnh đó, tin giả, tin xấu xuất hiện tràn lan. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đưa ví dụ, trên mạng xuất hiện thông tin như vắc xin COVID-19 gây vô sinh. Ngoài ra còn nhiều thông tin sai sự thật khác về vắc xin vẫn hàng ngày xuất hiện trên mạng, khiến niềm tin của người dân suy giảm như tiêm vắc xin sẽ mắc bệnh hoặc tử vong…. Thực tế là ở 20 bang của nước Mỹ, số người tiêm vắc xin phòng COVID-19 đạt tỷ lệ hơn 50% dân số, nhưng còn nhiều bang ở miền Nam tỷ lệ người tiêm còn thấp.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ – ông Rochelle Walensky cho biết, nhiều người đã từ chối tiêm chủng, mặc dù việc tiêm phòng rất dễ thực hiện trên khắp nước Mỹ. Nguyên nhân chủ yếu của những người từ chối các mũi vắc xin là do họ hoài nghi về vắc xin, điều này còn được thúc đẩy bởi những thông tin sai lệch lan truyền trên các mạng xã hội.

Tổng thống Mỹ Joe Biden  cáo buộc các trang  mạng xã hội như Facebook, Twitter và YouTube  đang “giết người” khi cho phép tin giả về vắc xin COVID-19 xuất hiện trên nền tảng của họ. Người đứng đầu nước Mỹ  thất vọng về việc một bộ phận dân số Mỹ  từ chối tự bảo vệ mình bằng vắc xin, mặc dù vắc xin hoàn toàn miễn phí, an toàn và hiệu quả. Trong khi đó, phần lớn các nước đang phát triển dễ bị tổn thương bởi dịch bệnh trong tình trạng  thiếu vắc xin.

Đại diện Facebook cho biết, suốt thời gian đại dịch diễn ra, Facebook đã xóa “hơn 18 triệu thông tin sai lệch về COVID-19”. Tiến sĩ Vivek Murthy, chuyên gia phẫu thuật của Mỹ nói với hãng tin CNN: “Chúng tôi biết rằng thông tin sai lệch về y tế  gây hại cho sức khỏe của mọi người. Nó khiến họ phải trả giá bằng mạng sống”. Ông khẳng định, chính thông tin sai lệch khiến tốc độ tiêm chủng ở Mỹ chậm lại. Theo các cuộc thăm dò, 2/3 số người không tiêm chủng đều tin vào những thông tin sai lệch trên mạng là sự thật, ông Murthy cho biết.

Thông tin sai sự thật xuất hiện nhiều trên mạng xã hội.

Loại bỏ những thông tin sai sự thật ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng

Những thông tin sai trên mạng xã hội đang khiến người dân do dự về việc đi tiêm vắc-xin, điều này gây khó cho mục tiêu đạt  miễn dịch cộng đồng của nước Mỹ, đặt ra cho Nhà Trắng những thách thức nghiêm trọng nếu  một làn sóng lây nhiễm và tử vong tiếp theo trên quy mô lớn xảy ra trong những tuần tới.

Những thông tin sai  còn “làm nảy sinh vấn đề quấy rối và bạo lực đối với nhân viên y tế, các chuyên gia, nhân viên hàng không và những người đang làm việc trên tuyến đầu tuyên truyền về các biện pháp y tế công cộng.”, chuyên gia y tế của Mỹ Murthy nói. Chính những hành động này góp phần làm suy yếu hệ thống y tế, bào mòn tinh thần của những y bác sĩ- những người đáng ra phải nhận được sự tôn trọng và bảo vệ nhất.

Thông tin sai về vắc xin không chỉ làm số người tiêm chủng giảm mạnh, mà còn có thể gây nguy hiểm cho những đối tượng như trẻ em – nhóm  chưa đủ điều kiện để được tiêm chủng. Bên cạnh đó, nếu biến thể Delta vẫn còn tồn tại, sẽ tiếp tục có thêm các đột biến nguy hiểm khác, và dịch bệnh sẽ không bao giờ chấm dứt. Cho nên, theo các chuyên gia, những người hoài nghi vắc xin dù  quyết định là quyền cá nhân của họ,  nhưng điều đó có thể ảnh hưởng đến nhiều người khác, kể cả xuất hiện một biến thể kháng vắc xin.

Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng sự lan truyền của những thông tin sai lệch xung quanh vấn đề vắc xin có thể làm hỏng các chiến dịch tiêm chủng trên toàn thế giới và cuối cùng kéo dài thời gian của đại dịch.

Đến nay, Nhà Trắng đang gia tăng áp lực đối với các công ty truyền thông xã hội nhằm loại bỏ những thông tin sai lệch về việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 và nhiều thông tin sai khác liên quan đến dịch bệnh COVID-19.  (SKDS)