Sunday, January 12, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Thông tin sai lệch về cúm gia cầm lan truyền nhanh hơn vi-rút


Tom Wark

Ngày 24 tháng 6 năm 2024

Các chuyên gia cho biết người dùng mạng xã hội đang đưa ra những tuyên bố thái quá về tác động của dịch cúm gia cầm ở Australia và nước ngoài.

Hơn một triệu con gà và vịt sẽ bị tiêu hủy trong nỗ lực ngăn chặn bùng phát dịch bệnh. Hình ảnh của Steve Gray/AAP PHOTOS

Sáu trang trại gia cầm ở Tiểu bang Victoria đã phát hiện các trường hợp cúm gia cầm, làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu trứng và tiêu hủy gia cầm hàng loạt.

Tình trạng vi-rút lây lan trên toàn cầu đã làm dấy lên các thuyết âm mưu  và thông tin sai lệch trên mạng về những nguy cơ đối với nguồn cung cấp thực phẩm và lệnh phong tỏa theo kiểu COVID.

AAP FactCheck đã phát hiện hàng chục tuyên bố kỳ quặc trên Facebook, TikTok và X về việc cúm gia cầm được tiêm vào động vật một cách có chủ ý để hủy hoại nguồn cung cấp thực phẩm.

Những người dùng mạng xã hội khác dự đoán Tổ chức Y tế Thế giới bằng cách nào đó sẽ dùng đợt bùng phát này làm cái cớ để ban bố thiết quân luật hoặc hủy bỏ các cuộc bầu cử quốc gia. Các nhà khoa học và chuyên gia trong ngành đã bác bỏ những tuyên bố đó, cho biết rằng nguy cơ đối với sức khỏe con người ở Australia vẫn ở mức thấp và tình trạng thiếu trứng không có khả năng xảy ra.

Việc phân phối có giới hạn đã diễn ra ở một số nơi nhưng các chuyên gia cho biết không hề có tình trạng thiếu trứng. 

Họ giải thích rằng chủng cúm gia cầm (H5N1) nguy hiểm hơn đang lây lan ở Bắc Mỹ và Châu Âu không giống như hai chủng (H7N3 và H7N9) được phát hiện ở Tiểu bang Victoria.

Giám đốc điều hành Hội đồng Người Chăn nuôi Gà Australia, Tiến sĩ Joanna Sillince, cho biết cách ứng phó với sự bùng phát cục bộ là “điển hình”, với việc chính quyền và ngành phối hợp với nhau “trong sự hòa hợp hoàn hảo”.

Tiến sĩ Sillince đã bác bỏ những tuyên bố về nguy cơ thiếu lương thực.

“Không hề có tình trạng thiếu trứng ở Tiểu bang Victoria,” bà nói với AAP.

“Thịt và trứng gia cầm hoàn toàn an toàn để ăn.”

Giáo sư Marcel Klaassen, nhà sinh thái học về bệnh tật tại Đại học Deakin, cho biết mối đe dọa đối với con người là thấp vì sự khác biệt về mặt gien di truyền giữa con người và các loài chim.

“Tổ tiên chung của chúng ta giữa các loài chim và động vật có vú là từ rất lâu, vì vậy, một loại vi-rút chuyên lây nhiễm cho các loài chim không dễ dàng lây nhiễm cho con người, hoặc động vật có vú,” ông nói với AAP. Giáo sư Klaassen cho biết chủng H5N1 “rất nguy hiểm” nhưng Australia ở vào một vị thế tốt để xử lý bất kỳ đợt bùng phát nào do vị trí địa lý biệt lập và lưu lượng chim di cư thấp.

Cúm gia cầm được phát hiện ở Tiểu bang Victoria không giống với chủng cúm đang lây lan ở Bắc Mỹ và Châu Âu. 

Ông cho biết các loài chim hoang dã có mang đến các chủng mới từ nước ngoài nhưng với số lượng ít hơn nhiều so với ở Bắc Bán cầu.

“Chúng di chuyển chậm, so với lưu lượng đáng kể giữa các lục địa khác.

“Vì vậy, lượng vào Australia chỉ là nhỏ giọt. Nhưng không có nghĩa là chúng ta được bảo vệ hoàn toàn khỏi vi-rút nguy hiểm hiện đang lưu hành trên toàn cầu.”

Sự lây lan của H5N1 ở nước ngoài gây ra nhiều lo ngại hơn vì nó đã được phát hiện ở các loài động vật có vú bao gồm hải cẩu, sư tử biển và gia súc.

Trang mạng của bộ nông nghiệp liên bang cho biết đã có chín đợt bùng phát dịch ở Australia kể từ năm 1976, tất cả đều đã được loại trừ hoàn toàn.

Đầu tuần này, Bộ trưởng Nông nghiệp Liên bang Murray Watt đã nhấn mạnh rằng đợt bùng phát tại cục bộ không phải là H5N1.

“Đó là cách chúng tôi dự định duy trì,” ông nói.

WHO (Tổ chức Y tế Thế giới), vốn là đối tượng của nhiều thông tin sai lệch về cúm gia cầm, lần sau cùng ghi nhận một ca bệnh mới ở người là ở Khu vực Tây Thái Bình Dương, bao gồm Australia, vào ngày 26 tháng 3.

Điều này chắc chắn không chỉ ra rằng các quốc gia có thể cần cân nhắc các biện pháp y tế công cộng quyết liệt mà người dùng mạng xã hội đang thảo luận. “Dựa trên thông tin hiện có, WHO đánh giá nguy cơ hiện tại đối với dân số nói chung do vi-rút này gây ra là thấp,” đánh giá gần đây nhất của WHO cho biết. (AAP)