Sunday, December 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Thông tin sai lệch và sự thật về Coronavirus (COVID-19)

THÔNG TIN SAI LỆCH: Vắc-xin COVID-19 nguy hiểm và gây ra tác dụng phụ bất lợi nghiêm trọng cho người tiêm vắc-xin ở nước ngoài.

SỰ THẬT: Cơ quan Quản lý Sản phẩm Trị liệu phê chuẩn các vắc-xin để sử dụng ở Úc. Tất cả các loại vắc-xin đều được kiểm tra kỹ lưỡng về độ an toàn trước khi được chấp thuận cho sử dụng tại Úc. Công việc này bao gồm phân tích cẩn thận dữ liệu các cuộc thử nghiệm lâm sàng, các thành phần, hóa học, việc bào chế và các yếu tố khác. Quý vị có thể tìm thông tin về vắc-xin COVID-19 trên trang mạng https: //www.tga.gov.au/covid-19-vaccines của TGA.

Ngoài việc đánh giá từng đợt vắc-xin COVID-19, Cơ quan Quản lý Sản phẩm Trị liệu còn giám sát mức độ an toàn của các vắc-xin sau khi cung cấp các vắc-xin này tại Úc. Chính phủ Úc cũng đang giám sát chặt chẽ các chương trình chủng ngừa ở nước ngoài, bao gồm ở Anh, Đức và Na Uy. Gộp chung, thông tin này sẽ giúp bảo đảm rằng người dân Úc sẽ có vắc-xin COVID-19 an toàn và công hiệu.

Nếu bị tác dụng phụ do vắc-xin gây ra, quý vị hãy nhờ chuyên gia y tế giúp đỡ và báo cáo cho TGA biết (1300 134 237).

THÔNG TIN SAI LỆCH: Nhiều người sẽ chết vì các tác dụng phụ bất lợi do vắc-xin gây ra hơn là do chính COVID-19.

SỰ THẬT: Bất kỳ loại vắc-xin nào cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ nhẹ. Các tác dụng phụ chính do vắc-xin gây ra là đau nhức, vết đỏ hoặc sưng ở vết kim, nhức đầu hoặc sốt nhẹ và mệt mỏi. Quý vị có thể kiềm chế hầu hết những tác dụng phụ bằng cách giảm đau nhẹ và không có gì đáng hoảng sợ.

Cơ quan Quản lý Sản phẩm Trị liệu – cơ quan giám sát dược phẩm của Úc – sẽ không phê chuẩn vắc-xin nào không an toàn và công hiệu. Một trong những điều họ xem xét rất kỹ là các tác dụng phụ nghiêm trọng.

Úc có một trong những quy trình phê chuẩn tốt nhất trên thế giới và bất kỳ loại thuốc nào có thể gây ra tác dụng phụ bất lợi nghiêm trọng sẽ không được chấp thuận ở quốc gia này. Công việc của TGA không chỉ kết thúc ở việc phê chuẩn. Họ cũng theo dõi sát dữ liệu đến từ nước ngoài và việc triển khai tại đây. Họ không bao giờ mạo hiểm.

Nếu bị tác dụng phụ do vắc-xin gây ra, quý vị hãy nhờ chuyên gia y tế giúp đỡ và báo cáo cho TGA biết (1300 134 237).

THÔNG TIN SAI LỆCH: Chính phủ đang sử dụng việc triển khai vắc-xin như cái cớ để thu thập/thay đổi ADN của quý vị.

SỰ THẬT: Quý vị sẽ được tiêm vắc-xin vào cơ thể, và vắc-xin không lấy bất cứ thứ gì ra khỏi cơ thể quý vị và vắc-xin không làm thay đổi ADN của quý vị. Một số vắc-xin COVID-19 loại mới có sử dụng một đoạn RNA Messenger (mRNA) để giúp cơ thể quý vị tạo ra phản ứng miễn dịch chống lại COVID-19. MRNA không đụng chạm gì đến ADN của quý vị.

THÔNG TIN SAI LỆCH: Vi-rút biến đổi quá nhanh nên vắc-xin sẽ không bao giờ công hiệu.

SỰ THẬT: Tất cả các vi-rút đều biến đổi. Đó là phần bình thường của tiến trình tiến hóa tự nhiên của chúng và COVID-19 cũng không khác. Dựa trên các bằng chứng, vắc-xin COVID-19 sẽ vẫn công hiệu đối với các loại vi-rút biến thể mới.

Điều này có thể có nghĩa là mọi người cần được chủng ngừa bổ sung hoặc cần được chủng ngừa lại – tương tự như với bệnh cúm.

Các loại vắc-xin hiện được chấp thuận cho sử dụng ở Úc đã chứng minh rằng chúng ngăn ngừa bệnh nặng do COVID-19 gây ra rất công hiệu.

THÔNG TIN SAI LỆCH: Những người đã bị nhiễm COVID-19 và đã khỏi bệnh thì không cần phải chủng ngừa.

SỰ THẬT: Khả năng đề kháng mà một người nào đó có được khi bị nhiễm COVID-19 khác nhau ở mỗi người. Vì đây là loại vi-rút này mới nên chúng ta không biết khả năng miễn dịch tự nhiên có thể tồn tại trong bao lâu. Ngay cả khi đã bị nhiễm COVID-19, quý vị vẫn nên chủng ngừa COVID-19 khi có thể.

THÔNG TIN SAI LỆCH: Vắc-xin COVID-19 có phần mềm/vi mạch được sử dụng để theo dõi.

SỰ THẬT: Không có vắc-xin COVID-19 nào có phần mềm hoặc vi mạch.

Thông tin sai lệch khác về COVID-19

THÔNG TIN SAI LỆCH: Trẻ em là ‘thành phần cực kỳ dễ dàng lây lan’ COVID-19

SỰ THẬT: Dù trẻ nhỏ được biết là ‘lây lan cực kỳ dễ dàng’ các mầm bệnh và vi trùng nói chung, chẳng hạn như cúm, bằng chứng hiện tại về COVID-19 cho thấy trường hợp lây lan từ trẻ em sang trẻ em tại trường học ít xảy ra. Hơn nữa, không có dữ liệu nào trên thế giới cho thấy loại vi-rút này lây lan diện rộng ở trẻ em. Mặc dù điều đó có thể xảy ra, bằng chứng hiện nay cho thấy trẻ em không phải là thành phần cực kỳ dễ dàng lây lan vi-rút gây bệnh COVID-19.

THÔNG TIN SAI LỆCH: Úc không thể có đủ thiết bị và vật tư y tế (máy thở, khẩu trang, bộ vật dụng xét nghiệm)

SỰ THẬT: Úc đã giảm đà bệnh lây lan rất thành công, điều đó có nghĩa là các bệnh viện của chúng ta đã tránh được áp lực ngày càng tăng.

Tại Úc có rất nhiều thiết bị bảo hộ cá nhân, nhiều thiết bị này sản xuất ở Úc và luôn dành cho nước Úc. Ví dụ, Kho Dự trữ Y tế Toàn quốc vẫn có đủ hàng và đã đặt mua hơn nửa tỷ khẩu trang sẽ giao hàng theo định kỳ cho đến năm 2021.

Các ban tư vấn cho Chính phủ Úc, bao gồm Mạng lưới Các Bệnh Truyền nhiễm Úc và Mạng lưới Phòng thí nghiệm Y tế Công cộng họp thường xuyên để đánh giá lại các hướng dẫn về các yêu cầu đối với xét nghiệm COVID-19, để bảo đảm có thể thực hiện xét nghiệm cần thiết hầu yểm trợ biện pháp ứng phó y tế cộng đồng nhằm chống lại đại dịch COVID- 19.

THÔNG TIN SAI LỆCH: Các bệnh viện của Úc sẽ không thể đáp ứng nhu cầu gia tăng do COVID-19

SỰ THẬT: Úc đã giảm đà bệnh lây lan rất thành công, điều đó có nghĩa là các bệnh viện của chúng ta đã tránh được áp lực ngày càng tăng. Úc có hệ thống y tế đẳng cấp thế giới, đủ sức đáp ứng nhu cầu gia tăng trong đại dịch COVID-19 nếu cần. Điều này bao gồm có thể cung cấp thêm giường bệnh, thiết bị y tế, vật tư và nhân viên y tế thông qua mối quan hệ đối tác giữa Chính phủ Úc, chính phủ tiểu bang và lãnh thổ và lĩnh vực y tế tư.

THÔNG TIN SAI LỆCH: Cấm đi lại trong hai tuần lễ sẽ ngăn chặn COVID-19 lây lan

SỰ THẬT: Áp đặt lệnh hạn chế hai hoặc ba tuần và sau đó xóa bỏ và quay trở lại với cuộc sống bình thường sẽ không ngăn chặn COVID-19 lây lan.

Đa số người bị COVID-19 chỉ bị triệu chứng nhẹ hoặc không bị triệu chứng nào hết. Nguy cơ khi chỉ cấm đi lại trong hai tuần không thôi là những người bị nhiễm COVID-19 nhưng không có triệu chứng nhiều khi vô tình lây lan vi-rút sang người tiếp xúc với họ khi chúng ta sinh hoạt trở lại bình thường sau thời gian bị cấm đi lại.

Cách tốt nhất để giúp làm giảm đà COVID-19 lây lan là giữ gìn vệ sinh tay và hô hấp sạch sẽ, duy trì khoảng cách đối với người khác, ở nhà và đi xét nghiệm nếu cảm thấy không khỏe, và đeo khẩu trang nếu có mặt ở khu vực bệnh lây lan trong cộng đồng và không thể duy trì khoảng cách đối với người khác.

Các chuyên viên y tế sẽ tiếp tục theo dõi số ca bệnh mới mỗi ngày ở Úc và địa điểm lây lan bệnh. Sau đó, họ sẽ đưa ra các khuyến nghị dựa trên bằng chứng về bất kỳ điều lệ hoặc lệnh hạn chế mới nào cần được áp đặt. Mọi người nên truy cập www.australia.gov.au để theo dõi tin tức cập nhật về các lệnh hạn chế hiện tại.

THÔNG TIN SAI LỆCH: Xét nghiệm tất cả mọi người sẽ ngăn chặn coronavirus lây lan

SỰ THẬT: Xét nghiệm không ngăn được vi-rút này lây lan.

Một trong những trụ cột cơ bản trong việc phòng ngừa và khống chế COVID-19 là xét nghiệm chẩn đoán kịp thời, có thể nhân rộng và chính xác. Xét nghiệm chẩn đoán đóng vai trò quan trọng trong việc xác định chi tiết dịch tễ học của bệnh, cung cấp thông tin để quản lý ca bệnh và việc tiếp xúc, và cuối cùng là giảm đà vi-rút lây lan.

Tuy nhiên, xét nghiệm âm tính COVID-19 không có nghĩa là quý vị không có nguy cơ hoặc quý vị không là nguy cơ đối với người khác. Quý vị có thể nhận được kết quả xét nghiệm âm tính COVID-19 sau khi đã tiếp xúc với SARS-CoV-2 (vi-rút gây ra COVID-19) nhưng quý vị chưa bắt đầu bị các triệu chứng bệnh. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải giữ gìn vệ sinh sạch sẽ và duy trì khoảng cách, và ở nhà khi cảm thấy không khỏe. Những điều này, cùng với xét nghiệm tùy theo đối tượng, đang giúp ngăn chặn COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác lây lan, làm giảm gánh nặng cho hệ thống y tế Úc.

Việc quản lý y tế cộng đồng thành công liên quan đến số ca bệnh gia tăng và các đợt bột phát dịch bệnh trong một khu vực nào đó đòi hỏi phải xét nghiệm đúng đối tượng để đạt được thế cân bằng phù hợp giữa duy trì biện pháp khống chế dịch bệnh và giúp bảo đảm các phòng xét nghiệm và địa điểm xét nghiệm có thể chu toàn nhiệm vụ của họ.

Việc xét nghiệm rộng rãi người Úc không biểu hiện các triệu chứng bệnh (không có triệu chứng) là điều cực kỳ không nên làm. Cách này không hợp lý về mặt dịch tễ học mà cũng không có lợi về phí tổn đối với việc xác định vấn đề bệnh lây lan. Chính phủ Úc công nhận rằng xét nghiệm người không bị triệu chứng có thể là chuyện hợp lý trong các bối cảnh cụ thể nhằm mục đích khống chế và giám sát dịch bệnh. Những bối cảnh này bao gồm những nơi xảy ra dịch bệnh bột phát, những nhóm người có thể dễ dàng lây lan bệnh sang những khu vực có tỷ lệ nhiễm bệnh thấp, những nhóm người có thể dễ dàng tiếp xúc với vi-rút hơn rất nhiều và những người ở các nơi có nguy cơ dễ dàng lây lan bệnh, đồng thời cũng dễ bị bệnh nặng nếu bị nhiễm bệnh.

Chính phủ Úc tiếp tục khuyên rằng các cách thức xét nghiệm, bao gồm các chương trình sàng lọc tại nơi làm việc dành cho người không có triệu chứng, nên được đề ra sau khi tham khảo ý kiến của các cơ quan y tế công cộng có liên quan và các giám đốc phòng thí nghiệm. Điều này nhằm bảo đảm các cách thức phù hợp và hiệu quả nhất sẽ được thực hiện. Muốn biết thêm thông tin về lập trường của Chính phủ Úc liên quan đến xét nghiệm người không bị các triệu chứng bệnh trên diện rộng, vui lòng xem tại trang mạng Bộ Y tế.

THÔNG TIN SAI LỆCH: Các bộ vật dụng xét nghiệm không chính xác

SỰ THẬT: Ở Úc, các xét nghiệm COVID-19 rất chính xác. Tất cả các phương pháp xét nghiệm được sử dụng ở Úc đều đã được xác nhận kỹ lưỡng. Cơ quan Quản lý Sản phẩm Trị liệu (TGA, Therapeutic Goods Administration) tiếp tục giám sát chặt chẽ các phương pháp xét nghiệm này và thông qua việc bắt buộc phải tham gia các chương trình bảo đảm phẩm chất đã được đặc biệt đề ra cho SARS-CoV-2 (vi-rút gây COVID-19).

Tại Úc, xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase tại phòng thí nghiệm (PCR) là xét nghiệm tiêu chuẩn vàng được sử dụng để chẩn đoán bệnh SARS-CoV-2 cấp tính trong cơ thể quý vị và cần lấy mẫu xét nghiệm đường hô hấp để làm xét nghiệm. Các xét nghiệm PCR rất nhạy và phát hiện các đoạn gen nhỏ nhất đặc trưng của SARS-CoV-2 trong mẫu xét nghiệm đường hô hấp.

Bất kỳ công nghệ xét nghiệm mới nào ở Úc đều cần được TGA đánh giá rất cẩn thận để bảo đảm phẩm chất và độ tin cậy của kết quả cũng như cấp phép cho cung cấp một cách hợp pháp. Muốn biết thông tin cập nhật về các xét nghiệm COVID-19 đã được bao gồm trong Sổ bộ Đăng ký Sản phẩm Trị liệu của Úc (Australian Register of Therapeutic Goods), vui lòng truy cập trang mạng của TGA tại: www.tga.gov.au/covid-19-test-kits-included-artg-legal-supply-australia.

THÔNG TIN SAI LỆCH: Coronavirus là trò đánh lừa

SỰ THẬT: COVID-19 là bệnh do coronavirus (SARS-CoV-2) gây ra. Vi -rút này thuộc một họ vi-rút lớn có thể gây nhiễm trùng đường hô hấp ở cả người lẫn động vật. Những bệnh này có thể là từ bệnh cảm thông thường cho đến bệnh nguy hiểm hơn. COVID-19 lây lan giữa người với người qua các giọt li ti và qua các bề mặt bị dính vi-rút này.

Tại Úc, Phòng thí nghiệm Định chuẩn Bệnh Truyền nhiễm Victoria (VIDRL, Victorian Infectious Diseases Reference Laboratory) thuộc Viện Nhiễm trùng và Miễn dịch Peter Doherty, là phòng thí nghiệm đầu tiên ở ngoài Trung Quốc đã phân lập được SARS-CoV-2. VIDRL đã chia sẻ vi-rút đã phân lập được với các phòng thí nghiệm khác của Úc, Tổ chức Y tế Thế giới và các quốc gia khác, để tạo điều kiện phát triển, xác nhận và xác minh các xét nghiệm chẩn đoán COVID-19.

Úc may mắn có mạng lưới chuyên môn gồm các phòng thí nghiệm bệnh lý công và tư với khả năng và sự công nhận phù hợp để phát hiện và xác nhận SARS-CoV-2. Khả năng nhân rộng năng lực xét nghiệm của các phòng thí nghiệm này là yếu tố cần thiết cho sự thành công của Úc trong việc làm đà bệnh lây lan và tránh được tỷ lệ lây lan bệnh tai hại đã thấy xảy ra ở các nước khác. Thông tin về số người bị nhiễm COVID-19 và số người chết vì bệnh này được thu thập tại Úc và trên thế giới. Bộ Y tế Úc công bố dữ liệu hàng ngày.

THÔNG TIN SAI LỆCH: Khẩu trang không hiệu quả và/hay không an toàn.

SỰ THẬT: Khẩu trang, khi sử dụng chung với biện pháp phòng ngừa khác như giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, duy trì khoảng cách, và ở nhà và đi xét nghiệm khi cảm thấy không khỏe, giúp làm giảm đà COVID-19 lây lan.

Tương tự hầu hết các vi-rút gây bệnh đường hô hấp, SARS-CoV-2 (vi-rút gây ra COVID-19) chủ yếu lây lan qua các giọt li ti có vi-rút, văng ra khi người bệnh nói, ho hoặc hắt hơi. Trường hợp lây lan cũng có thể xảy ra qua các bề mặt bị dính vi-rút. Người bị nhiễm vi-rút bệnh đường hô hấp, kể cả COVID-19, có hoặc không có triệu chứng, nên đeo khẩu trang để bảo vệ người khác bởi vì khẩu trang sẽ chặn bớt các giọt li ti có vi-rút văng ra từ đường hô hấp. Nhân viên y tế và chăm sóc đều đeo khẩu trang để bảo vệ bản thân khi không thể duy trì khoảng cách đối với người bị nhiễm bệnh đường hô hấp, kể cả COVID-19.

Đeo khẩu trang chỉ là một cách để làm giảm đà COVID-19 lây lan và không thay thế các biện pháp phòng ngừa khác. Điều quan trọng là phải tiếp tục giữ gìn vệ sinh tay và hô hấp sạch sẽ, duy trì khoảng cách, ở nhà và đi xét nghiệm khi cảm thấy không khỏe.

Hiện nay không có bằng chứng nào cho thấy đeo khẩu trang là không an toàn hoặc khiến người đeo khẩu trang bị các vấn đề như thiếu ôxy. Các nhân viên cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe đeo khẩu trang trong thời gian dài trong nhiều năm mà không bị những vấn đề này.

Hãy thường xuyên truy cập trang mạng này để luôn biết tin tức về những diễn biến quan trọng vế cách đối phó với COVID-19 của Chính phủ Úc.

Muốn biết thông tin bổ sung bằng tiếng Anh, hãy truy cập www.australia.gov.au.