Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Thỏa thuận tái định cư người tỵ nạn giữa Tân Tây Lan với Úc sẽ diễn ra sau 9 năm


Tân Tây Lan (New Zealand) dự kiến ​​tiếp nhận 150 người tỵ nạn mỗi năm bị giam giữ trong hệ thống giam giữ của Úc, hoàn tất thỏa thuận lần đầu tiên được ký gần một thập kỷ trước.

Tổng trưởng Bộ Nội vụ Úc, bà Karen Andrews.

Trong một tuyên bố chung từ Tổng trưởng Bộ Nội vụ Úc, bà Karen Andrews và Tổng trưởng Bộ Nhập cư Tân Tây Lan, Kris Faafoi, hai chính phủ đã nhất trí về kế hoạch tái định cư, sẽ kéo dài trong 3 năm.

Bà Karen Andrews nói rõ rằng thỏa thuận chỉ áp dụng cho những người tỵ nạn hiện đang ở trong hệ thống giam giữ của Úc, không áp dụng cho bất kỳ người xin tỵ nạn nào trong tương lai, củng cố lập trường cứng rắn của quốc gia đối với người tỵ nạn.

Bà Andrews nói: “Thỏa thuận này không áp dụng cho bất kỳ ai muốn thực hiện hành trình đường biển bất hợp pháp đến Úc trong tương lai”.

“Úc vẫn kiên quyết, những thuyền nhân bất hợp pháp sẽ không được định cư ở đây vĩnh viễn.

“Bất kỳ ai cố gắng xâm phạm biên giới của chúng tôi, sẽ bị quay trở lại hoặc gửi đến Nauru”.

Thoả thuận tái định cư ban đầu sẽ được áp dụng cho những người tỵ nạn hiện đang bị mắc kẹt trong trung tâm giam giữ ngoài khơi ở Nauru hoặc đang tạm thời ở Úc “theo các thỏa thuận xử lý khu vực”.

Những người tị nạn mắc kẹt trên Nauru sẽ là một trong những ưu tiên được tái định cư ở New Zealand. Hình AP
Các nhóm vận động lên tiếng lo ngại về những người tỵ nạn bị bỏ lại bất chấp thỏa thuận tái định cư. Hình AAP

Người tỵ nạn phải đáp ứng các yêu cầu về chương trình hạn ngạch người tỵ nạn của Tân Tây Lan, được Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tỵ nạn giới thiệu đến và không được tham gia các kế hoạch tái định cư của nước thứ ba khác.

Ông Faafoi bày tỏ ông rất vui vì thỏa thuận đã được hoàn tất.

Ông nói: “Chúng tôi rất vui khi có thể cung cấp kết quả tái định cư cho những người tỵ nạn, những người có thể tiếp tục đối mặt với tương lai không chắc chắn”.

Tất cả các đơn xin từ người tỵ nạn đến tái định cư ở Tân Tây Lan sẽ được “sàng lọc toàn diện”, tuyên bố cho biết.

Điều này bao gồm kiểm tra độ tin cậy, bảo mật, rủi ro và sinh trắc học, và đánh giá sức khỏe.

Đề nghị từ Tân Tây Lan đã có từ năm 2013 và đã trải qua nhiều vòng đàm phán. (NQ)