Saturday, December 21, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Thiếu điện trầm trọng, TQ từ chối nhập khẩu than của Úc được bao lâu?

Trung Quốc đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu than từ Úc, một trong những nước xuất khẩu than lớn nhất thế giới. Nhưng có những yếu tố có thể khiến nền kinh tế số 2 thế giới phải thay đổi quyết định.

Trong bài viết mới đây trên News, tác giả Jamie Seidel nhận định, Trung Quốc đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất trong một thập niên, việc thiếu than dẫn đến tình trạng phải cắt giảm điện và thu hẹp sản xuất.

Có suy đoán rằng sự thiếu hụt than của Trung Quốc có thể mang lại cơ hội giảm bớt tranh chấp thương mại giữa nước này với Úc. Trong ảnh: Cảng than RG Tanna ở Gladstone, Queensland, Úc. (Hình NCA)

Vận may của Úc?

Tuần trước, tờ Global Times nhận định: “Có vẻ là quá xa vời khi hy vọng sự thiếu hụt năng lượng của Trung Quốc sẽ dẫn đến tăng trưởng thương mại Trung Quốc-Úc”.

Nhưng chuyên gia kinh tế năng lượng của Đại học Macquarie, Tiến sĩ Lurion De Mello lại bình luận, giá than cao chưa từng có và sự thiếu hụt nguồn cung toàn cầu dường như gạt bỏ mọi tác động mà lệnh cấm nhập khẩu có thể gây ra.

Ông De Mello, nói: “Chưa từng có vì giá than thế giới đã tăng hơn 100% kể từ tháng 5 năm nay. Điều này là không bình thường”.

Nền kinh tế toàn cầu bắt đầu hồi phục sau gần 2 năm “đóng băng” do Covid-19. Đại dịch, thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu, các vấn đề địa chính trị, sự gián đoạn nguồn cung năng lượng, việc Nga và Trung Quốc tăng dự trữ đã gây ra tình trạng thiếu nhiên liệu trầm trọng trên toàn thế giới.

Nhu cầu đối với khí gas, than đá, xăng dầu của thế giới ngày càng gia tăng. Và cuộc khủng hoảng năng lượng đang trở nên tồi tệ.

Trung Quốc đã phải cắt điện trên diện rộng. Các trung tâm công nghiệp được lệnh cắt giảm hoạt động. Doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp sản xuất trong tình hình thiếu điện. Người dân có thể bị cắt điện bất cứ lúc nào.

Châu Âu cũng đang trong tình huống tương tự. Giá xăng tăng mạnh. Giá điện hiện cao hơn 200% so với hồi tháng 1. Chẳng bao lâu nữa, các quốc gia có thể phải lựa chọn giữa việc hoặc dùng năng lượng để duy trì sản xuất kinh doanh hoặc dành cho nhu cầu sưởi ấm của người dân.

Cuộc khủng hoảng này có thể là một vận may cho các nước xuất khẩu than và khí đốt, như Úc.

Theo Global Times: “Một số người tin rằng Trung Quốc có thể dựa vào nhập khẩu than ở một mức độ nhất định để giảm bớt tình trạng thiếu điện đã lan rộng ra một số địa phương”.

Tờ báo muốn nhắc tới khoảng 1 triệu tấn than nhập từ Úc đang nằm trên tàu do hải quan Trung Quốc từ chối thông quan, bất chấp lô hàng đã được nhà nhập khẩu trả tiền.

Bài báo cho biết thêm: “Thậm chí, còn có suy đoán rằng sự thiếu hụt than của Trung Quốc có thể mang lại cơ hội giảm bớt tranh chấp thương mại giữa Bắc Kinh và Canberra”.

Tuy nhiên, bài báo kết luận, điều này là không cần thiết: “Indonesia, Nga và Mông Cổ là ba nhà xuất khẩu than lớn nhất cho Trung Quốc. Trong 8 tháng đầu năm nay, nhập khẩu than của Trung Quốc từ Mỹ, Nam Phi, Canada và Philippines cũng ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể. Nghĩa là, xung đột thương mại giữa Trung Quốc và Úc không có nhiều tác động đến nhập khẩu than của Trung Quốc”.

Tuy nhiên, bài báo không đề cập việc dù Bắc Kinh tăng nhập khẩu than nhưng cũng không thể làm giảm bớt khó khăn vì thiếu điện trong sản xuất và cuộc sống dưới tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Ông De Mello nói: “Chúng ta đang đi sâu vào mô hình thời tiết ở Bắc bán cầu, nơi sẽ trải qua một mùa Đông dài hơn, lạnh hơn bình thường. Nếu mùa Đông thực sự khắc nghiệt, tôi nghĩ rằng nguồn cung cấp than sẽ là một yếu tố quan trọng.

Vì vậy, họ có thể vẫn quyết định nới lỏng các hạn chế nhập khẩu đối với than của Úc vì đã có quá nhiều gián đoạn trong nguồn cung”.

Giá than đã đạt đỉnh?

Úc là nước xuất khẩu than lớn thứ hai trên thế giới. Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là ba khách hàng mua than hàng đầu của Canberra.

Hiện nay, giá than xuất khẩu đang ở khoảng 330 AUD/tấn, mức cao kỷ lục.

Tuy nhiên, mức giá này neo ở mức cao được bao lâu thì không ai có thể chắc chắn.

Chuyên gia De Mello nhận định: “Cả ba quốc gia Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều cam kết các mục tiêu phát thải carbon bằng không trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực tới kinh tế, xã hội toàn cầu. Nhật Bản và Hàn Quốc đã nhấn mạnh mong muốn sớm thực hiện điều này. Vậy, giá than đã đạt đỉnh chưa?”.

Ông De Mello cho biết Trung Quốc đang vận hành 303 nhà máy nhiệt điện than. “Than vẫn là nhiên liệu hàng đầu để sản xuất điện. Và Trung Quốc, giống như nhiều nước, đang cố gắng tích trữ than”.

Hơn nữa, mặc dù hướng tới giảm phát thải carbon thấp, nhu cầu về than trên thực tế đã bắt đầu tăng trở lại ở Đức và Ấn Độ.

Theo ông De Mello: “Các nước lo lắng không đủ khả năng chi trả cho giá xăng ngày càng tăng. Nguồn cung cấp năng lượng tái tạo cũng thất thường trong bối cảnh thời tiết xấu, và người Đức không nhận đủ khí đốt từ Nga. Vì vậy, họ đã buộc phải chuyển trở lại dùng than, và chúng đã bắt đầu cạn kiệt”.

Gián đoạn nguồn cung

Năm nay, nguồn cung than toàn cầu đã có một khởi đầu tồi tệ sau khi mưa lớn và lũ lụt ở Newcastle làm chậm quá trình xuất khẩu của Úc trong tháng 3.

Than bị ngấm nước mưa khiến nó nặng hơn và đốt cháy kém hiệu quả hơn. Hơn nữa, thời tiết xấu kéo dài cũng ảnh hưởng đến sản xuất than của Indonesia, nước bán than hàng đầu cho Trung Quốc.

Thêm vào đó, Trung Quốc đang trải qua đợt lũ lụt nặng nề ở nhiều vùng sản xuất than trong nước. Các tòa nhà bị sập, lở đất cuốn trôi đường xá và cơ sở hạ tầng ở hơn 70 quận phía Bắc Trung Quốc. Lũ lụt đã ảnh hưởng đến 1.8 triệu người ở tỉnh Sơn Tây, nơi khai thác 30% tổng nguồn cung than của cả nước.

Tất cả những yếu tố trên đang gây thêm áp lực lên các kho dự trữ than để sản xuất điện vốn đã cạn kiệt của Trung Quốc.

Ngoài ra, nền kinh tế đang hồi sinh sau khi đại dịch và tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng khiến nhu cầu về năng lượng tại quốc gia Đông Bắc Á ngày càng tăng.

Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là nơi duy nhất gặp sự cố trên.

Nhân viên cứu hộ làm việc sau trận mưa lớn ở tỉnh Sơn Tây, phía Bắc Trung Quốc, ngày 11/10. (Hình AFP).

Ấn Độ cũng đang trong tình cảnh tương tự. Tuần trước, các cơ quan chính phủ báo cáo, 63/135 nhà máy nhiệt điện than của đất nước chỉ có đủ nguồn cung trong hai ngày.

Giống như Trung Quốc, tình trạng thiếu điện của Ấn Độ một phần là do các vấn đề giao thông bị cản trở bởi thời tiết khắc nghiệt gây ra.

Nhưng nó sẽ không tồn tại mãi mãi. Ông De Mello nói: “Khi mùa Đông qua đi, tôi nghĩ rằng giá than có thể sẽ giảm xuống bởi vì điều đó (giá than cao kỷ lục) thật điên rồ vào lúc này. Sẽ phải có một số điều chỉnh”.

Những “làn gió mới” cho sự thay đổi

Tiến sĩ De Mello nhận xét: “Trung Quốc luôn chú ý đến nhiên liệu hóa thạch và nguồn năng lượng thay thế. Và ngay sau khi họ bắt tay vào việc này, đây sẽ là một vấn đề đối với Úc”.

Chuyên gia giải thích: “Úc có quặng sắt chất lượng tốt nhất trên thế giới. Nhưng Trung Quốc đã hạn chế nhập khẩu.

Hiện rất nhiều quặng sắt của Brazil đang được đưa vào Trung Quốc. Dự kiến trong tháng tới, các lô hàng từ Canada và Peru cũng cập cảng quốc gia châu Á này. Những lựa chọn thay thế này cùng với việc nới lỏng sản xuất thép đã khiến giá quặng sắt giảm khoảng 30 – 40% trong năm nay”.

Và tình huống tương tự đang xảy ra đối với khí đốt.

Nhà máy điện than Wujing ở Thượng Hải. (Hình AFP).

Chuyên gia của Đại học Macquarie nói: “Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nhà nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) số một của Úc. Người Nga đã có dự án đường ống Power of Siberia dài 4,000 km và một dự án LNG khổng lồ ở bán đảo Yamal nhằm cung cấp khí đốt cho miền Đông Trung Quốc.

Tất cả các dự án này, một khi đi vào hoạt động, có khả năng gây ra áp lực lớn đối với xuất khẩu than của Úc”.

Vì vậy, ngành công nghiệp than của nước này đã tìm cách chuyển hướng xuất khẩu sang Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Và một khi các quốc gia này bắt đầu thực thi các mục tiêu không các bon đã cam kết, ông De Mello tin rằng, các nước khác sẽ làm điều tương tự.

Ông nói: “Nếu bạn nhìn vào những nơi như Pakistan và Bangladesh, họ đang rất tuyệt vọng. Pakistan đốt củi để giữ ấm và nấu nướng vì khí đốt rất khan hiếm.

Bức ảnh này cho thấy một tòa nhà của một khu công nghiệp ở Houjie, thuộc tỉnh Quảng Đông, miền nam Đông Quan của Trung Quốc, một khu vực bị ảnh hưởng bởi các hạn chế về điện. (Hình AFP).

Hiện Pakistan đang có kế hoạch nhập khẩu dầu nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh cao (HSFO), một sản phẩm gây ô nhiễm mà ngành vận tải biển đang cố gắng loại bỏ.

Đó chính là vấn đề. Ý tôi là, chúng ta không thể bỏ nhiên liệu hóa thạch ngay lập tức. Chúng ta cần làm điều đó từ từ có kế hoạch chi tiết”.

Và Trung Quốc sẽ sớm rơi vào tình trạng tương tự khi quay lại mua than của Úc.

Ông De Mello khẳng định: “Hiện tại chưa có lựa chọn thay thế nào cho than trong sản xuất thép. Một số nước đang thử nghiệm với hydro, chẳng hạn như Thụy Điển. Nhưng khó có thể sản xuất hàng loạt”. (T/H, TGVN)