Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Thế “kẹt” khiến TQ không dám giáng đòn trừng phạt nặng nhất với Úc

Liên minh Aukus vừa được thành lập giữa Úc với Mỹ và Anh ngay lập tức đã kích hoạt phản ứng giận dữ từ Trung Quốc. Các nhà quan sát cho rằng, Bắc Kinh có thể giáng đòn trừng phạt hạn chế với Úc vì động thái này.

Thế "kẹt" khiến Trung Quốc không dám giáng đòn trừng phạt nặng nhất với Úc - Ảnh 1.
Quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Úc đã leo thang sau khi Úc tham gia liên minh Aukus với Anh và Mỹ. Trong ảnh là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Úc Scott Morrison. (Hình Betoota Advocate).

Theo BNN Bloomberg, trong thời gian gần đây, Bắc Kinh đã giáng nhiều đòn trừng phạt lên Canberra khi căng thẳng chính trị giữa 2 bên ngày càng leo thang. 

Đòn trừng phạt mà Trung Quốc nhắm vào Úc nhắm vào các sản phẩm từ than đá đến lúa mạch, tôm hùm và rượu vang. Những đòn trừng phạt này được đưa ra sau khi Canberra kêu gọi các nhà điều tra độc lập tới Vũ Hán để điều tra nguồn gốc của virus Corona gây đại dịch Covid-19. Động thái này bị Trung Quốc xem là một thách thức chủ quyền của nước này. Úc cũng cấm tập đoàn Huawei xây dựng mạng 5G và thắt chặt các quy định về đầu tư để tránh ảnh hưởng của Trung Quốc khiến Bắc Kinh “nổi giận”.

“Việc kìm hãm sinh viên Trung Quốc đang theo học tại (Úc) – thậm chí học trực tuyến – và khách du lịch đến thăm nước này là những đòn trừng phạt nặng ký sẽ gây thiệt hại kinh tế đáng kể cho các lĩnh vực giáo dục đại học và du lịch sinh lợi của Úc vào năm 2022 (nếu Bắc Kinh quyết tâm thực hiện)”,Tony Makin, một chuyên gia về kinh tế vĩ mô quốc tế kiêm giáo sư tại Đại học Griffith bình luận.

Tuy nhiên, Sarah Hunter, nhà kinh tế trưởng của BIS Oxford Economics cho biết thêm rằng, những mặt hàng/sản phẩm của Úc đối với nguy cơ bị Trung Quốc “cấm cửa” cao nhất là những sản phẩm mà Úc là nước sản xuất nhỏ theo tiêu chuẩn quốc tế/hoặc mức nhập khẩu so với tổng tiêu thụ ở Trung Quốc khá nhỏ. Đặc biệt những sản phẩm từ sữa và thịt là những thứ phổ biến và có nguồn cung cấp thay thế dồi dào trên toàn cầu. 

Tuy nhiên, Trung Quốc đã tỏ ra chùn tay để nhắm vào mục tiêu xuất khẩu lớn nhất của Úc – quặng sắt – vì bản thân Bắc Kinh phải vật lộn để tìm nguồn cung cấp kim loại này với số lượng cần thiết ở những nơi khác. Câu chuyện tương tự với len.

Jarrod Ball, nhà kinh tế trưởng tại Ủy ban Phát triển Kinh tế Úc nói rằng, nếu Trung Quốc “cấm cửa” quặng than từ Úc, nó sẽ “gây ra nhiều đau đớn về kinh tế cho Úc hơn bất cứ đòn trừng phạt nào trong lĩnh vực thương mại mà chúng tôi từng thấy”.

Cho đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ trừng phạt Úc vì thỏa thuận Aukus. Nhưng theo các nhà quan sát “chắc chắn họ (Bắc Kinh) có thể xem xét những đòn trừng phạt tương tự như những gì họ đã làm từ trước đến nay, nhắm vào nhiều loại hàng hóa và sản phẩm nông nghiệp khác nhau. Nhưng thiệt hại về kinh tế từ việc này đối với Úc là khá hạn chế”. (D/V)