Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Tết ông Công ông Táo 2024 là ngày bao nhiêu dương lịch?


Vào dịp cuối năm, các gia đình Việt lại tất bật sửa soạn lễ cúng để đưa tiễn ông Công ông Táo lên chầu trời. Vậy tết ông Công ông Táo 2024 là ngày bao nhiêu dương lịch? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây để có thể sắp xếp công việc, chuẩn bị tươm tất cho dịp lễ quan trọng này nhé.

Tết ông Công ông Táo vào ngày nào?

1. Tết ông Công ông Táo vào ngày nào?

Tết ông Công ông Táo là một trong những dịp lễ quan trọng trước Tết Nguyên Đán. Theo phong tục, Tết ông Công ông Táo sẽ được tổ chức vào ngày 23 tháng Chạp (tức 23/12 âm lịch), hàng năm. Vào thời điểm này, Táo Quân sẽ cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc lớn nhỏ xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng.

2. Tết ông Công ông Táo 2024 là ngày bao nhiêu?

Theo lịch vạn niên, Tết ông Công ông Táo 2024 rơi vào thứ Sáu, ngày 2/2/2024. Trong trường hợp gia chủ có việc bận vào ngày này thì cũng có thể cúng Táo quân trước ngày 23 tháng Chạp.

3. Mâm cúng ông Công ông Táo gồm những gì?

Các lễ vật cúng Táo quân gồm:

  • Mũ ông Táo 3 chiếc: Hai chiếc dành cho Táo ông loại có cánh chuồn và một chiếc cho Táo bà thì không có phần cánh chuồn
  • Quần áo giấy: Hai bộ cho nam, một bộ cho nữ
  • Hài Táo quân: Hai đôi hài nam, một đôi hài nữ
  • Trái cây tươi, cau trầu tươi
  • Hương, nến, rượu nếp hoặc trà.
  • Cá chép: Tượng trưng cho phương tiện đi lại của các Táo quân cưỡi về chầu trời.

Theo quan niệm dân gia, người miền Bắc thường chuẩn bị 3 con cá chép đỏ sống để bơi trong chậu nước với quan niệm “cá chép hóa rồng” đưa các Táo về trời. Những con cá chép này sẽ được thả ra các ao hồ hoặc sông sau khi làm lễ cúng. Người miền Trung dùng ngựa bằng giấy để cúng. Còn người dân miền Nam dâng lễ vật có phần đơn giản hơn, bao gồm mũ, áo hài và cá chép giấy.

Mâm cúng ông Công ông Táo không cần phải cầu kỳ, mâm cao cỗ đầy, quan trọng là tấm lòng thành của gia chủ. Tùy vào điều kiện gia cảnh của mỗi gia đình và văn hóa của mỗi vùng miền, các gia đình có thể làm mâm lễ mặn hoặc lễ chay để cúng Táo quân.

Với các gia đình muốn cúng mặn, mâm cúng Táo quân truyền thống gồm có:

  • Gà trống luộc chéo cánh ngậm hoa tỉa ớt hoặc hoa hồng (có thể thay bằng thịt heo luộc hoặc vịt quay)
  • Xôi gấc (có thể thay bằng xôi lá cẩm, xôi đậu, xôi lá nếp)
  • Giò lợn luộc
  • Bánh chưng
  • Canh chân giò nấu măng (hoặc canh mọc)
  • Rau xào thập cẩm
  • Chả rán, thịt đông
  • Một chén gạo và một chén muối.
  • Nhiều gia đình cúng thêm các món chè như chè hoa cau hoặc chè trôi nước, chè kho, các loại bánh trái.

Với các gia đình làm mâm cúng chay thuần khiết, mâm cỗ cúng có thể bao gồm các món canh thập cẩm rau củ hoặc canh măng chay, nem rau củ, giò chay, chả chay, xôi, chè, nộm, xào thập cẩm,…

Ngoài ra, bạn có thể chuẩn bị mâm cỗ cúng chay theo trường phái trí tuệ gồm: 1 mâm ngũ quả, 3 bát chè, 1 đĩa xôi, hoa tươi, nước, nến đỏ và 3 “ông” cá chép sống.

Những người theo trường phái này không dâng cúng và đốt mũ, tiền vàng và cá chép giấy. Khi thắp hương xong, gia chủ sẽ mang cá thả ra sông.

4. Những sai lầm cần tránh khi cúng ông Công ông Táo

– Sau khi cúng xong, nên thả cá chép ở những nơi sạch sẽ, nước trong. Chỉ thả cá không thả cả túi nilon, thả nhẹ nhàng từ từ.

– Ông Công ông Táo là thần tiên, không phải là vong hồn người âm nên khi cúng không đốt tiền âm phủ.

– Khi cúng ông Công ông Táo, chỉ nên cầu xin Táo quân bẩm báo điều tốt cho gia đình, tránh các điều không hay, không nên cầu xin phú quý hay no đủ.

– Mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo không cần quá cầu kỳ, quan trọng là sự thành tâm kính cẩn khi hành lễ. Việc đốt nhiều vàng mã, có cả điện thoại giấy, xe ôtô giấy… không có lợi ích gì mà chỉ tốn kém tiền và ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống.

Trên đây là Tết ông Công ông Táo vào ngày bao nhiêu, tết ông Công ông Táo 2024 là ngày bao nhiêu. Hy vọng qua thông tin chia sẻ sẽ giúp bạn sắp xếp thời gian để chuẩn bị kỹ lưỡng, tươm tất vào ngày 23 tháng Chạp. (T/H, M/M)