Friday, April 19, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Tại sao Đảng Cộng sản lại sợ ông Tô Văn Lai đến thế?


Người cộng sản tự xưng là vô thần, không trời phật thánh thần chi cả, nên chúng ta cứ nghĩ họ ngon lành lắm, không sợ chi hết. Trời phật thánh thần còn không sợ, thì nói như đương kim thủ tướng… sợ “mẹ” gì!

Ông Tô Văn Lai (trái), và con gái, cô Marie Tô. Hình Facebook Marie To

Thế mà họ sợ đấy. Họ sợ một ông cụ trói gà không chặt vừa mới qua đời, là cụ Tô Văn Lai, người sáng lập Trung tâm Thúy Nga Paris ở hải ngoại. Sau khi cụ Lai qua đời, báo chí Việt Nam trong nước cữ ngỡ đây là dịp để… hòa hợp hòa giải, thúc đẩy nghị quyết 36, bèn hăng hái đưa tin về con người và sự nghiệp phát triển văn hóa của cụ Lai, ai dè đâu vài giờ đồng hồ sau đó, tuyên giáo Đảng bắt xóa hết.

Có thể nói rằng, cụ Tô Văn Lai là người có công lớn nhất trong việc gìn giữ và phát triển âm nhạc Việt Nam trong thời hiện đại, nhất là phần âm nhạc miền Nam Việt Nam, đứng trước nguy cơ bị chế độ cộng sản trong nước chủ trương xóa bỏ. Có thể thấy, có đủ loại âm nhạc trong chương trình Thúy Nga Paris, từ thể loại bolero Việt Nam buồn bã của những người lính trong chiến tranh, cho đến những tác giả tiền chiến có khuynh hướng siêu thực, từ cải lương bình dân Nam bộ, đến các tác giả lớn như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn.

Đó không chỉ là âm nhạc và văn hóa, mà còn là lịch sử Việt Nam nữa, lịch sử rất phức tạp, đau đớn của cả thế kỷ. Cả hai điều đó, văn hóa và lịch sử đều là hai điều mà người cộng sản rất sợ.

Đối với văn hóa, người cộng cộng sản chủ trương chỉ có một loại văn hóa, mà họ gọi là văn hóa vô sản, phản ánh đúng quan điểm lập trường của Đảng Cộng sản cầm quyền. Họ nói như thế, nhưng tôi nghĩ rằng họ cũng chẳng biết họ nói gì.

Ta thấy có ba loại nhạc mà họ cổ súy, thứ nhất là loại sắt máu chiến tranh cách mạng, kiểu như… “súng anh trên đồi cao nã vào đầu giặc Mỹ”, loại thứ hai là xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, xí nghiệp quốc doanh, kiểu như là… ‘xây cho nhà cao cao mãi’. Và loại thứ ba là loại ca ngợi lãnh tụ và đảng ca. Cả ba loại nhạc này thật ra đều là những bài tuyên truyền kèm trong giai điệu cho người ta dễ nhớ, một kiểu tả pí lù, trộn lẫn giữa Goebel và Mao Trạch Đông.

Ông Tô Văn Lai (thứ hai từ trái sang), Giáo sư Nguyễn Văn Lục (thứ bảy từ trái sang) và những người bạn chụp hình tốt nghiệp Viện Đại học Sư phạm Đà Lạt. Hình Giáo sư Nguyễn Văn Lục

Đã vài thế hệ người Việt sinh ra và lớn lên trọn vẹn dưới chế độ cộng sản, có thể nói hành xử của họ cũng chính là nền… văn hóa vô sản mà Đảng cầm quyền mong muốn xây dựng mấy mươi năm nay. Kể ra thì rất nhiều, nhưng ta có thể điểm lại ba sự kiện gần đây để nói về bộ mặt văn hóa của những người này.

Hai “nghệ sĩ nổi tiếng” Việt Nam bị tình nghi hiếp dâm tại Tây Ban Nha bị bắt giữ. Một “nghệ sĩ ưu tú” trong nước lên tiếng bênh vực, cho rằng đó là chuyện bình thường.

Một “luật sư” bênh vực cho “bị hại” trong vụ án Tịnh Thất Bồng Lai, vô cớ thóa mạ đạo Công giáo.

Một “đạo diễn” nổi tiếng đăng đàn nói rằng, người vợ phải hành xử như gái mãi dâm thì mới mong giữ được hạnh phúc gia đình.

Diện mạo sơ lược của văn hóa vô sản Việt Nam, do Đảng Cộng sản chủ trương kiến tạo lên, là như thế.

Mỗi ngày, các chương trình của Thuý Nga PBN càng được cải tiến và sáng tạo. Nhưng chẳng bao lâu sau thì việc sao chép video lan tràn khiến cho việc kinh doanh của trung tâm bị ảnh hưởng nặng.

Đối với lịch sử, không ai lạ gì người cộng sản luôn chủ trương xóa bỏ lịch sử, nhất là những sự kiện liên quan đến sự bạo tàn của họ.

Nếu bạn đọc có dịp đến Bắc Kinh, mà hỏi những người trẻ tuổi ở đó về sự kiện Thiên An Môn, thì gần như toàn bộ tin rằng không có gì xảy ra ở đó vào năm 1989 cả. Rất nhiều thanh niên Trung Quốc hoàn toàn không biết về sự kiện đẫm máu đó, vì nó không có trong bất cứ tài liệu nào bên trong Trung Quốc.

Tương tự như vậy, đại đa số người Việt Nam lớn lên trong nước cũng không biết gì về vượt biên, tù cải tạo,… chứ đừng nói chi đến thảm sát Mậu Thân cho xa xôi. Nhưng họ có thể biết đến thảm sát Mỹ Lai. Có thể vì rằng nó có ghi trong sách sử của Đảng, nhưng học sinh có đọc hay không lại là chuyện khác.

Vấn đề học sinh có đọc sách lịch sử của Đảng hay không, lại là một điểm thú vị khác, cho thấy hệ thống văn hóa vô sản, mà tôi gọi là tả pí lù Goebel Mao Trạch Đông, có giới hạn của nó.

Nó có giới hạn vì nó bất bình thường, nó không liên quan đến cuộc đời thật xung quanh, có chăng là chỉ phù hợp với những tâm trí cuồng tín, đang sống đâu đó xung quanh các chiếc loa phường, loa xã của Đảng.

Ông Tô Văn Lai là một người có niềm đam mê đặc biệt đóng góp vào việc bảo tồn và phát huy gia tài nhạc vàng miền Nam. Kho tàng nghệ thuật đồ sộ của Trung tâm Thúy Nga ông để lại cho cộng đồng người Việt hải ngoại là nỗ lực phi thường suốt hơn bốn thập niên làm việc và cải tiến không ngừng.

Kết quả của nền văn hóa vô sản này là gì, là những người trống rỗng về văn hóa, cư xử với bản năng sinh học trong xã hội.

Nhưng chỗ trống đó lại là chỗ mà Đảng Cộng sản không lo lắng, vì họ có thể thao túng được đám quần chúng trống rỗng về văn hóa. Họ không phải lo lắng về những hành vi văn hóa xã hội mà họ không thể kiểm soát được.

Đó là lý do mà họ sợ ông Tô Văn Lai, sợ công việc gìn giữ văn hóa của ông, một hệ thống ý thức và hành xử mà người cộng sản không kiểm soát được.

Điểm quan trọng nhất của chế độ toàn trị cộng sản là: kiểm soát, kiểm soát, và kiểm soát.

Họ đã rất sợ hãi khi thấy đám đông đổ ra đường đưa đám tang nhạc sĩ Trịnh Công Sơn năm 2001, hay đám đông theo thiền sư Thích Nhất Hạnh khi ông lần đầu về nước vào năm 2005.

Nếu đó là nỗi sợ hãi về sự mất kiểm soát, thì có những nỗi sợ hãi khác, mơ hồ hơn nhưng đời hơn.

Ông Tô Văn Lai là người sáng lập trung tâm Thúy Nga.

Đó là nếu như cả trăm triệu người Việt không bị trống rỗng về văn hóa, thì còn đâu chỗ đứng cho “hai nghệ sĩ nổi tiếng tình nghi hiếp dâm”, còn đâu chỗ đứng cho ông đạo diễn mãi dâm hóa phụ nữ Việt Nam? Có cả trăm ngàn người như các vị này được các trường Đảng, các khoa “triết Mác-Lê”, nơi mà ông Võ Văn Thưởng, người đứng đầu cơ quan tuyên giáo và các đồng môn được nhào nặn!

Một tác giả đã trích dẫn một cây bút bên Pháp vào năm 2001, sau đám tang Trịnh Công Sơn, rằng số người Việt Nam yêu mến cái đẹp vẫn còn đông, đất nước này vẫn còn có thể chữa trị được. Có nghĩa là người Việt chưa đến nỗi trống rỗng về văn hóa.

20 năm sau, ta cũng thấy dân xứ Huế đổ ra đường tiễn biệt thiền sư Thích Nhất Hạnh rất đông. Có nghĩa là người Việt chưa đến nỗi trống rỗng về tinh thần.

Để kết thúc, tôi nhớ lại một dịp cách đây đã lâu, vào thời các băng đĩa Thúy Nga Paris rất nổi tiếng, tôi thấy các nhân viên ngoại giao Việt Nam xem những cuốn băng đó ở chỗ riêng tư.

Có thể có những người sẽ lên tiếng chì chiết rằng người cộng sản đạo đức giả, ngoài mặt thì thóa mạ Thúy Nga Paris (những năm ấy hồng hồng chuyên chuyên hãy còn kinh khủng lắm), nhưng tôi thấy, có lẽ những người cộng sản vẫn còn có thể chữa trị được.

Tôi lúc nào cũng là người lạc quan.

Jackhammer Nguyễn

29/07/2022