Friday, March 29, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Tại sao bạn hay cảm thấy buồn ngủ?

Có một số người ‘ham ngủ quá mức’. Dù đã ngủ trong một thời gian dài, nhưng họ vẫn có thể ngủ tiếp ngay sau khi thức dậy. Những người này dường như luôn ở trong trạng thái thiếu ngủ, khiến cả ngày bơ phờ, uể oải. Khi đó, có thể cơ thể của họ đang thực sự mắc bệnh, chứ không còn đơn giản là thèm ngủ hay không.

Ham ngủ là biểu hiện của nhiều bệnh. (Hình Pexels).

Buồn ngủ là một hiện tượng tự nhiên của cơ thể. Khi thiếu ngủ mọi người có thể cảm thấy nhức mắt, nặng đầu và buồn ngủ khi họ đang họp, thuyết trình hoặc trên xe,… có thể nói là bất cứ lúc nào.

Nguyên nhân dẫn đến ‘luôn buồn ngủ’ thường là do mắc phải các bệnh lý dưới đây:

  1. Thiếu máu

Mệt mỏi và buồn ngủ là những triệu chứng phổ biến và sớm nhất của bệnh thiếu máu. Tuy nhiên, ngoài ra còn có các triệu chứng như da xanh xao, chóng mặt, nhức đầu, ù tai và kém tập trung. Các triệu chứng này là do thiếu oxy trong cơ thể hoặc do thiếu máu trong hệ thần kinh.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu nhất gây thiếu máu là thiếu sắt. Trong trường hợp này, ngoài việc bổ sung sắt theo khuyến cáo của bác sĩ, bạn nên tìm cách cải thiện giấc ngủ và ăn một số loại thịt đỏ, gan lợn,… đây là những thực phẩm chứa nhiều sắt.

  1. Suy giáp

Suy giáp là bệnh rối loạn chức năng tuyến giáp, khiến tuyến giáp không thể sản sinh các hormon cần thiết cho cơ thể. Căn bệnh này có thể gây tử vong trong thời gian ngắn và được cho là bệnh nguy hiểm. Sự thiếu hụt hoặc suy giảm chức năng của hormon tuyến giáp có thể làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh.

Các triệu chứng ban đầu của bệnh là mệt mỏi, hay buồn ngủ, thiếu sức sống, phản ứng chậm, thêm vào đó là trí nhớ giảm sút, vận động chậm chạp.

  1. Bệnh tim

Quá trình co bóp của tim đóng vai trò quan trọng trong hoạt động trao đổi chất của não. Lượng máu từ tim giảm sẽ dẫn đến thiếu máu cục bộ và thiếu oxy trong não, từ đó gây ra các triệu chứng như thiếu năng lượng và buồn ngủ.

  1. Tiểu đường

Do khả năng chuyển hóa đường kém, lượng đường trong máu cao, bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 thường bị thiếu năng lượng. Vì thế người tiểu đường tuýp 2 sẽ thường thấy cảm giác mệt mỏi, uể oải, thèm ngủ.

Đối với bệnh nhân tiểu đường, nếu cơn buồn ngủ đột ngột xuất hiện và nghiêm trọng như ngủ li bì cả ngày, ngủ ngay sau khi thức dậy thì nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Bệnh tiểu đường có thể trở nên phức tạp do tình trạng Ketoacidosis, cũng có thể dẫn đến hôn mê sâu hoặc thậm chí tử vong.

  1. Hội chứng ngưng thở khi ngủ

Hội chứng ngưng thở khi ngủ khá phổ biến ở nam giới bị béo phì, ở độ tuổi trung và cao tuổi. Họ có thể tạm thời bị ngạt thở trong khi ngủ. Một trong những biểu hiện điển hình nhất của hội chứng này là ngáy khi ngủ, thường là ngáy rất to nhưng không đều.

Bởi vì không thể ngủ một cách trọn vẹn, dù có ngủ một giấc dài vào ban đêm nhưng những người mắc hội chứng này cũng không được nghỉ ngơi đầy đủ. Do đó, trong ngày, họ sẽ có những biểu hiện như thiếu năng lượng, mệt mỏi và uể oải.

  1. Mỡ máu cao

Nếu lipid trong máu cao, khả năng vận chuyển oxy của hồng cầu cũng sẽ giảm đi rất nhiều, dẫn đến tình trạng thiếu oxy lên não. Biểu hiện trực tiếp nhất là thường xuyên buồn ngủ.

Các cách để làm giảm cơn buồn ngủ

  1. Vận động cơ thể

Ngồi cả ngày sẽ chỉ khiến bạn thêm mệt mỏi, bằng việc vận động, đi lại một chút, bạn sẽ cảm thấy tỉnh táo và thoải mái hơn.

Vận động cơ thể một chút, bạn sẽ cảm thấy tỉnh táo tức thì (Hình Negative Space).
  1. Rửa mặt, uống nước

Rửa mặt hoặc uống một cốc nước là cách đơn giản và hiệu quả nhất để tinh thần trở nên tỉnh táo. Đồng thời nước cũng giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất.

  1. Ngủ trưa 

Ngoài các biện pháp trên, bạn có thể chợp mắt một lúc vào buổi trưa. Giấc ngủ trưa có thể giúp bạn lấy lại tinh thần thể lực. Chỉ cần ngủ trong 15 phút, bạn cũng sẽ trở nên tỉnh táo và tràn đầy năng lượng

Tuy nhiên, cách tốt nhất vẫn là đảm bảo ngủ đủ giấc vào ban đêm và tập thể dục vào ban ngày.

Thường xuyên ăn các loại hạt cũng có thể làm giảm mệt mỏi. (Hình Pexels).
  1. Bổ sung các loại thực phẩm chứa sắt và các loại hạt

Nếu lượng sắt dự trữ trong cơ thể quá thấp, cơ thể sẽ không thể tạo ra hemoglobin mang oxy trong máu, và bạn sẽ dễ cảm thấy mệt mỏi. Cách tốt nhất để bổ sung sắt là tạo cho bản thân chế độ ăn uống phù hợp. Nên sử dụng các loại thực phẩm giàu sắt trong bữa ăn như: gan, cật, thịt đỏ, lòng đỏ trứng, cá, tôm và các loại đậu.

Thêm vào đó, thiếu magie cacbonat sẽ khiến cơ thể sản sinh ra nhiều axit lactic, là nguyên nhân chính gây mệt mỏi cơ bắp. Do đó ăn các loại hạt giàu magie cacbonat như quả hạch cũng có thể giúp bạn giải tỏa mệt mỏi. (T/H, NTD)