Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Sống giữa phố Sài Gòn mà phải chèo xuồng đưa con đi học

SÀI GÒN, Việt Nam – Những ngày qua, nhiều gia đình sống trong hẻm ở đường Huỳnh Tấn Phát, phường Phú Thuận, quận 7, phải chèo xuồng giữa phố mênh mông nước đưa con đến trường vì nước ngập sâu không chịu rút.

Theo báo Thanh Niên, những ngày qua triều cường ở Sài Gòn đạt đỉnh khiến nhiều khu vực bị ngập sâu. Song tại hẻm 719 Huỳnh Tấn Phát, phường Phú Thuận, quận 7, Sài Gòn, triều cường lên nhanh nhưng xuống rất chậm, thậm chí nước không chịu rút khiến cả khu dân cư phải sống chung với cảnh nước ngập trong nhiều ngày.

Người dân TP.HCM chèo xuồng đưa con đi học trong phố vì ngập mãi không hết - ảnh 1
Ngập mãi không hết, người dân Sài Gòn chèo xuồng đưa con đi học giữa phố -  Mnewsvn.Com - Website thông tin showbiz giải trí xã hội
Người dân hẻm 719 Huỳnh Tấn Phát, quận 7, Sài Gòn, chèo xuồng đưa con đi học. (Hình: Lê Ngọc Thảo/Thanh Niên)

Ông Huỳnh Văn Mè (70 tuổi, cư dân hẻm 719) cho biết trong đợt triều cường vừa qua, cả ngày người dân không thể thấy được mặt đường vì nước ngập che khuất.

“Kể từ khi đường Huỳnh Tấn Phát được nâng cấp, đường trong hẻm trở nên thấp hơn, cống lại nghẹt nên mỗi lần nước lên là cả ngày trời chưa rút nổi. Tôi phải ra khơi thông miệng cống nhưng cũng đâu vào đấy,” ông Mè thở dài.

Vào buổi sáng, người dân phải chèo xuồng đưa con đi học, hoặc cõng con em trên lưng để không bị ướt giày dép, quần áo khi tới trường.

Những ngày này, chiếc xuồng nhựa của chị Trần Thị Trâm (37 tuổi) được dịp ‘phát huy công dụng’ dù nhà chị ở ngay trong phố.

Người dân TP.HCM chèo xuồng đưa con đi học trong phố vì ngập mãi không hết - ảnh 10
Con hẻm vắng người vì nước ngập. (Hình: Thanh Niên)

“Nước ngập nên việc đưa tụi nhỏ đi học rất khó khăn, người cõng con, người cho con ngồi xe đạp rồi đẩy, một số khác thì đi học bằng chiếc xuồng của nhà tôi khi trước đem từ Bến Tre lên. Tôi đưa con đi học về là có mấy người hàng xóm mượn để đẩy con đi giống như vậy. Có ai nghĩ ở thành phố mà xài xuồng như thế này,” chị Trâm nói.

“Nhiều người đi ngang thấy cảnh như vậy nói vui khu này đang dần biến thành ‘chợ nổi,’ trong khi chúng tôi sống chung với nó nhiều năm nên thấy ngán chứ hết vui nổi rồi,” chị Trần Thị Thanh Nga (46 tuổi) nói.

Sau khi báo chí phản ánh, nhiều người cám cảnh đặt câu hỏi: “Ở thành phố mà chèo xuồng đến trường, coi có được không?”

Độc giả NPHONG bày tỏ trên báo Thanh Niên: “Chuyện thật 100% mà cứ ngỡ đang đọc chuyện cười, nhưng mà đây là chuyện ‘cười ra nước mắt!’ Hy vọng chỉ cần một trong số những quan đang phụ trách vấn đề này của thành phố ‘liếc’ cái cái hình thôi cũng được rồi.”

Còn độc giả tên Ưu ngỡ ngàng: “Cứ tưởng ở vùng lũ, ai ngờ là Sài Gòn.” Trong khi độc giả Như Ý thì châm biếm: “Vừa chèo, vừa hát vài câu vọng cổ là giống y như miền Tây mùa nước nổi.”

Cả khu mênh mông nước nên khiến người chạy xe gắn máy dễ té ngã, nước cũng cứ thế tràn vào nhà. (Hình: Lê Ngọc Thảo/Thanh Niên)

Thậm chí độc giả VGA ví von cảnh trên với thành phố Venice bên Ý: “Thành phố ta trở thành Venice của Châu Á, điểm du lịch nổi tiếng mà không tốn phí đầu tư xây dựng, không thông minh hay sao?”

Tuy nhiên, “Bao giờ hết ngập?” Đó là câu hỏi chung của công luận. Độc giả Tân Hồng đề nghị: “Do chính quyền quận 7 nânng đường Huỳnh Tấn Phát nên mỗi khi trời mưa to hay triều cường dâng cao thì nhiều con hẻm bị ngập do hẻm thấp hơn đường. Vì vậy, rất mong các cấp chính quyền quận 7 tạo điều kiện cho người dân được nâng cấp hẻm để đi lại được thuận tiện hơn.”

Trong khi đó, độc giả Hồng Ðào lại đặt câu hỏi: “Nếu nâng hẻm lên thì nhà cũng phải nâng lên, thế là đường lại thấp, lại ngập đường. Rồi có phải lại nâng đường, hẻm lại thấp, nhà dân lại thấp, lại ngập…? Thành phố phải có giải pháp đồng bộ, chứ điệp khúc ‘nâng hẻm, nâng đường rồi lại tiếp tục nâng hẻm, nâng đường…’ sẽ không giải quyết được chuyện ngập.”

Tại con hẻm này cứ triều cường lên là ngập, không cần biết lớn hay nhỏ. (Hình: Lê Ngọc Thảo/Thanh Niên)

Bất bình, độc giả Nguyễn Mạnh Trung thẳng thắn nêu: “Đây là vấn đề cấp bách mà lãnh đạo thành phố phải quan tâm giải quyết trước khi xây dựng thành phố thông minh.”

Còn độc giả Chiêm đặt thẳng vấn đề: “Đề nghị chính quyền địa phương xuống họp với bà con để khẩn trương tìm giải pháp xóa ngập, xóa cảnh chèo xuồng đưa con đi học… Chứ ở thành phố mà chèo xuồng đến trường đi học, coi được không?” (N/V)