Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Sống chung với Covid: Nhiều nước dỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế


Mở cửa dần các hoạt động kinh tế, giảm bớt các biện pháp hạn chế dịch Covid-19 là xu thế đang được nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn hiện nay, bất chấp sự gia tăng của các ca lây nhiễm.

Úc, vốn được xem là quốc gia áp đặt quy định giãn cách lâu và nghiêm ngặt nhất. Tuy nhiên, hai tiểu-bang lớn nhất nước này là New South Wales và Victoria, đã nới lỏng thêm các biện pháp hạn chế.

Cụ thể, từ 18/2, hoạt động ca hát và khiêu vũ sẽ được nối lại tại các câu lạc bộ ban đêm ở Sydney -thủ phủ tiểu-bang New South Wales và Melbourne -thủ phủ tiểu-bang Victoria; các tụ điểm trong nhà ở Sydney và những nơi khác thuộc tiểu-bang New South Wales có thể thoải mái đón khách. Việc kiểm tra y tế bằng quét mã QR chỉ cần thực hiện ở những tụ điểm có nguy cơ lây nhiễm cao.

Quyết định này của chính quyền đã ngay lập tức nhận được sự đón nhận của nhiều người dân.

“Tôi cho rằng, đây là chính sách đúng đắn. Rất nhiều người vẫn còn lo lắng về dịch bệnh song thế giới phải dịch chuyển. Kinh tế phải phát triển”, một người dân Úc cho biết.

Sau Áo, Thụy Sỹ, Bồ Đào Nha ngày 17/2 cũng thông báo dỡ bỏ hầu hết các quy định phòng dịch, như không cần trình giấy thông hành Covid-19 để được lưu trú tại khách sạn hay phải có xét nghiệm âm tính mới được đến các câu lạc bộ giải trí ban đêm. Cùng chung xu thế này, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đã thông báo kế hoạch giảm hoặc dỡ bỏ các hạn chế phòng ngừa dịch Covid-19 trong vài ngày tới.

Mặc dù số ca mắc Covid-19 tăng cao trong những ngày qua nhưng Chính phủ Hàn Quốc hôm nay cũng tuyên bố nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, cho phép doanh nghiệp, nhà hàng mở cửa tới 22h, thay vì quy định 21h như trước đây.

Nhận định về xu hướng giảm dần các biện pháp hạn chế của chính phủ các nước, giới chuyên gia y tế cho rằng, sau hơn 2 năm đối phó với Covid-19, thế giới cần có sự đánh giá tình hình dịch bệnh dựa trên những tiêu chí mới. Với tỷ lệ phủ vắc-xin ở nhiều nước đã tăng cao, tình hình dịch bệnh hiện nay đã không còn như thời điểm đại dịch mới bùng phát hồi đầu năm 2020. Mặc dù, số ca lây nhiễm theo ngày ở nhiều nước có thể tăng gấp đôi hoặc gấp 3 lần song số ca trở nặng, nghiêm trọng hoặc phải nhập viện ở nhiều nước vẫn trong tầm kiểm soát và số ca tử vong ở mức thấp.

Trả lời phỏng vấn báo giới hôm qua ông Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và là Giám đốc Viện dự ứng và truyền nhiễm quốc gia Mỹ nói: “Chính sách Zero-Covid-19 giờ không còn hiệu quả. Không thể cứ phong tỏa mọi thứ hoàn toàn trong khi virus vẫn lởn vởn trong xã hội. Điều này chẳng khác gì việc bạn đang bắt đầu mọi thứ từ con số 0. Không có giải pháp nào được xem là hoàn hảo. Thế giới và Mỹ cần phải cân bằng mọi thứ bằng cách đưa cuộc sống quay trở lại bình thường. Chúng ta không thể liều lĩnh, gạt mọi thứ sang một bên song chúng ta không thể cứ giậm chân tại chỗ, chúng ta phải tiến lên”.

Cũng trong xu thế sống chung với Covid-19, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 17/2 cũng khuyến nghị những nước đang đối phó với số ca mắc Covid-19 gia tăng nên rút ngắn thời gian cách ly 14 ngày trong một số trường hợp. Cụ thể, thời gian cách ly có thể giảm từ 14 ngày xuống 10 ngày mà không cần xét nghiệm, và giảm xuống 7 ngày nếu có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 miễn là người cách ly không còn bất kỳ triệu chứng mắc bệnh nào. Theo WHO, ban hành hướng dẫn mới tạm thời này sẽ giúp ích cho những nước có các ngành dịch vụ thiết yếu đang phải chịu áp lực lớn do số ca bệnh gia tăng./. (T/H, VOV)