Solomon chính thức ký thỏa thuận an ninh với TQ bất chấp quan ngại
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân thông báo, nước này đã ký một hiệp ước an ninh với quần đảo Solomon vào ngày Thứ Ba 19/4.
Người phát ngôn Uông Văn Bân cho hay: “Mục đích của hợp tác an ninh Trung Quốc-Solomon là thúc đẩy ổn định xã hội, hòa bình và an ninh lâu dài ở quần đảo Solomon, phù hợp với lợi ích chung của quần đảo và khu vực Nam Thái Bình Dương”.
Theo đó, hợp tác an ninh Trung Quốc-Solomon “là công khai, minh bạch, cởi mở và bao trùm, không hướng vào bất kỳ bên thứ ba nào, song song và bổ sung cho các cơ chế hợp tác an ninh song phương và đa phương hiện có ở quần đảo Solomon”.
Quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, nước này “sẵn sàng làm việc với các quốc gia liên quan để phát huy hết lợi thế của họ và hình thành hiệp đồng quốc tế.”
Thỏa thuận giữa Bắc Kinh và Honiara sẽ cho phép tàu hải quân Trung Quốc neo đậu tại khu vực, cách bờ biển Úc khoảng 2,000 km, đồng thời cho phép Trung Quốc triển khai quân đội tới Quần đảo Solomon nếu nơi đây xảy ra bất ổn.
Bạo loạn trên đảo Solomon nổ ra hồi tháng 11/2021 để phản đối Thủ tướng Manaseh Sogavare. Trung Quốc sau đó đã gửi cố vấn cảnh sát và dụng cụ chống bạo động cho hòn đảo này.
Từ khi thỏa thuận trên bị rò rỉ vào tháng trước, các đồng minh của Mỹ là Úc và New Zealand đã bày tỏ lo ngại về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực vốn do Canberra và Wellington chi phối trong nhiều thập kỷ, bất chấp việc Solomon cam kết rằng, nước này sẽ “không bao giờ được sử dụng để xây dựng các căn cứ quân sự của các cường quốc bên ngoài”.
Hôm 13/4, Tổng trưởng phụ trách các vấn đề Thái Bình Dương của Úc Zed Seselja đã đề nghị Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare “cân nhắc việc không ký thỏa thuận và tham khảo ý kiến các nước ở Thái Bình Dương trên tinh thần cởi mở và minh bạch, phù hợp với các khuôn khổ an ninh của khu vực”.
Ngoại trưởng Úc Marise Payne hôm 17/4 lo ngại về “sự thiếu minh bạch” liên quan tới thỏa thuận an ninh giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon.
Thủ tướng Quần đảo Solomon Manaseh Sogavare hôm 1/4 tuyên bố sẽ không để Trung Quốc lập căn cứ quân sự tại đây. Ngoại trưởng Úc nhận định đó là “những bảo đảm rất quan trọng”.
Bà Payne nói Úc vẫn sẽ tiếp tục hợp tác an ninh với Quần đảo Solomon dù đối phương ký thỏa thuận với Trung Quốc.
Trước đây, Solomon và Úc cũng ký kết hiệp ước an ninh tương tự vào năm 2017, cho phép Canberra triển khai lực lượng đến quốc đảo Thái Bình Dương.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng bày tỏ quan ngại về thỏa thuận trên, cho rằng việc này đã mở ra cánh cửa cho các lực lượng Trung Quốc triển khai ở quốc gia Thái Bình Dương này.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby nói: “Chúng tôi cho rằng việc ký một thỏa thuận như vậy thực sự có thể làm gia tăng bất ổn trong quần đảo Solomon và có thể tạo ra một tiền lệ đáng quan ngại cho khu vực đảo Thái Bình Dương rộng lớn hơn. Dĩ nhiên là chúng tôi quan ngại về điều này”.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Nhà Trắng thông báo, Điều phối viên của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Kurt Campbell sẽ có chuyến công du tới Solomon trong tuần này.
Ông Campbell sẽ cùng Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á Daniel Kritenbrink dẫn đầu phái đoàn Mỹ, gồm cả các quan chức của Bộ Quốc phòng và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), tới thăm 3 nước gồm quần đảo Solomon, Fiji và Papua New Guinea.
Phái đoàn này cũng sẽ dừng chân ở Haiwaii “để tham vấn với các quan chức quân sự cấp cao và đối tác khu vực thuộc Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương”.
Những quan ngại về Trung Quốc sẽ là một trong những chủ đề để phái đoàn của nước này thảo luận với giới chức quần đảo Solomon. (T/H, TGVN)