Tuesday, April 16, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Sau tuổi 40, vì sao bạn cần quan tâm đến đột quỵ?

Khi bước vào tuổi tứ tuần, hầu hết mọi người đã ổn định về sự nghiệp và gia đình, là độ tuổi gặt hái quả ngọt của cuộc đời nhưng cũng là lúc các bệnh mạn tính bắt đầu xuất đầu lộ diện, kèm theo đó là mối nguy đột quỵ chực chờ. Vì vậy, nhận diện và phòng tránh đột quỵ là việc không thừa lúc này.

Tuổi 40 và những nguy cơ đột quỵ tiềm ẩn

Đã qua rồi cái thời 20 thanh xuân háo hức, qua rồi tuổi 30 tìm kiếm vị trí, khẳng định bản thân, tuổi 40 là độ tuổi chín muồi, hầu hết chúng ta đều có gia đình ổn định, đạt được vị trí nhất định trong xã hội và bắt đầu hưởng thụ cuộc sống theo cách riêng.

Thế nhưng cũng ở độ tuổi này, sức khỏe bắt đầu có những dấu hiệu cảnh báo, nhiều bệnh mạn tính dần dần xuất đầu lộ diện như tăng huyết áp, tiểu đường, tăng mỡ máu, gan nhiễm mỡ…  và tiềm ẩn đâu đó là mối nguy đột quỵ, có thể đánh úp một người đang trên đà danh vọng, khiến người đó “từ chết tới tàn phế”.

Các số liệu cho thấy người bị đột quỵ ở tuổi 40-45 chiếm hơn 30%. Trong đó, 50% người bị đột quỵ sẽ tử vong, 70% số người sống sót cũng không thể trở lại làm việc bình thường.

Không ai biết trước đột quỵ sẽ xảy đến với mình lúc nào, vì vậy nên theo dõi sức khỏe cẩn thận sau tuổi 40 luôn là điều thiết thực, không chỉ giúp phát hiện sớm nguy cơ đột quỵ hay các bệnh nguy hiểm khác, mà còn là tiền đề cho một sức khỏe tốt ở những thập niên tiếp theo.

Sau tuổi 40 thường “sở hữu” nhiều yếu tố nguy cơ như đái tháo đường, tăng huyết áp, tăng mỡ máu gây xơ vữa động mạch – “quả bom” nổ chậm của đột quỵ (Ảnh minh họa).

F.A.S.T và 4 dấu hiệu sống còn cần nắm bắt khi đột quỵ xảy ra

Đột quỵ xảy ra đột ngột, trong dân gian dễ lầm tưởng là trúng gió, say nắng, ngất xỉu. Tuy nhiên, các chuyên gia đưa ra các dấu hiệu cơ bản để nhận diện cơn đột quỵ để mọi người có hành động đúng và kịp thời giúp đỡ bệnh nhân đột quỵ.

Người ta dùng nguyên tắc F.A.S.T để ghi nhớ các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ,  đây là từ viết tắt của face, arms, speech và time, các dấu hiệu gồm:

– F (Face, khuôn mặt): một bên mặt xệ xuống, miệng méo, mắt nhắm không kín, giãn nếp nhăn trên trán…

– A (Arm, tay): một trong hai tay hoặc cả 2 tay không đưa lên được, yếu chân, dễ té ngã

– S (Speech, giọng nói): người bệnh không nói được hoặc nói ú ớ, giọng nói bị thay đổi

– T (Time, thời gian): nhanh chóng cứu chữa là điều quan trọng nhất để cứu sống người bệnh; tiêu chí này được nhấn mạnh bằng cụm từ “Time is Brain” (thời gian là não).

Còn bản thân người bệnh, một khi đột quỵ xảy đến chỉ có thể trông chờ vào người xung quanh cứu giúp. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp có cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) trước đó nhưng  người bệnh không để ý đến. Đó là:

– Chóng mặt nhiều khi thay đổi tư thế (đặc biệt là ở người trên 60 tuổi), và cần phân biệt với triệu chứng của rối loạn tiền đình.

– Tê, yếu tay chân cùng 1 bên thoáng qua, mất cảm giác nửa người thoáng qua sau đó phục hồi lại.

– Cơn choáng, ngất xỉu thoáng qua kèm nói ngọng, nói khó, miệng méo một bên thoáng qua sau đó phục hồi.

– Cơn mờ mắt thoáng qua kèm yếu tay chân sau đó phục hồi lại.

Thống kê cho thấy 80% những trường hợp người có cơn thiếu máu não thoáng qua sẽ trở thành đột quỵ thực sự trong vòng khoảng 6 tháng. Đó là con số đáng lo ngại! Vì vậy, một khi đột quỵ đã “nhá hàng” bằng cơn thiếu máu não thoáng qua, chúng ta cần mau chóng đi khám sức khỏe, tầm soát đột quỵ, chứ đừng chủ quan “thoáng qua” là không sao hết. (SKDS)