Sập cầu Phong Châu: ‘Cứ nghĩ là mình chết rồi’.
“Nếu rơi xuống nước thì chắc là chết rồi vì mình không biết bơi. Nghĩ tới đó là rùng mình, không biết hai đứa con nhỏ sẽ sống thế nào,” anh Nguyễn Minh Hải kể.
Gần cuối buổi sáng ngày 9/9, anh Nguyễn Minh Hải, 30 tuổi, trú tại huyện Tam Nông, vừa đi làm lại mái tôn cho mấy trường học bên huyện Lâm Thao.
Trên đường về nhà, anh chạy xe qua cầu Phong Châu. Đấy là lần thứ tư trong ngày hôm đó anh đi qua cây cầu này.
Thế rồi, trong khoảnh khắc không ngờ nhất, biến cố đã xảy ra.
Nếu cầu Phong Châu sập muộn hơn chỉ khoảng 3 giây thôi, có lẽ anh Hải đã không rơi xuống. Còn nếu cầu sập sớm hơn vài giây, thì…
Anh Hải không dám hình dung điều gì sẽ xảy đến nếu anh đi chậm hơn, hoặc cầu sập sớm hơn, vài giây.
Lúc bấy giờ anh đang chở đồng nghiệp là anh Bùi Quý Trọng, 32 tuổi, trên đường từ nơi làm tại huyện Lâm Thao về lại nhà ở huyện Tam Nông.
Họ chạy xe chầm chậm qua cầu. Và rồi, khoảnh khắc sinh tử đã xảy đến vào lúc 10 giờ 2 phút buổi sáng ngày 9/9.
“Đi đến gần hết cầu thì có một xe tải lớn đi theo hướng ngược lại. Tôi nghe tiếng rầm rầm lại nghĩ là tiếng xe tải phanh. Nhưng chỉ chốc lát sau, cây cầu sập xuống.”
“Mọi việc xảy ra quá nhanh, tôi không thể phản xạ kịp.”
Anh Hải, anh Trọng cùng xe máy rơi xuống. Cùng với họ là 8 người khác đang lưu thông trên cầu vào thời điểm ấy.
Rất may, anh Hải cùng anh Trọng rơi trúng trụ cầu bên dưới.
“Rơi xuống, mình vẫn còn ngơ ngác, vẫn chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Định thần lại, mình mới biết là mình vẫn còn sống. Quay lại nhìn đoạn cầu thì thấy tất cả đã bị dòng nước cuốn trôi. Không còn gì nữa rồi,” anh Hải nhớ lại.
Trong khi anh Hải đang loay hoay, anh Trọng phía sau hét:
“Mày ngồi gọn vào, [lỡ] có xe ở trên rơi xuống lại đè vào mình đấy.”
Đi trước xe của anh Hải một đoạn là chiếc taxi của anh Ngô Tuấn Hùng, trong xe khi đó còn có vợ anh. Anh Hùng may mắn hơn anh Hải khi đã qua khỏi cầu.
“Mình ngồi trong ô tô nên không nghe thấy gì. Chỉ thấy hai bên đường xôn xao nên mình quay lại thôi. [Lúc ấy] dân đổ ra đông lắm. Mình cũng hú hồn, may mà thoát nạn,” anh Hùng nhớ lại sự kiện ngày 9/9.
Quay lại, anh Hùng thấy người dân tập trung lại, người thì giục nhau gọi lực lượng chức năng, người thì hô hào tìm cách cứu những người bị rơi xuống dưới.
“[Mọi người] kêu ầm lên bảo cứu người. Nhưng mà nói thật là dòng nước như thế chỉ lực lượng chức năng mới dám thôi. Nước nó [xiết] như thế cơ mà,” anh Hùng nói với BBC News Tiếng Việt vào sáng 10/9.
Theo anh Hùng, chỉ khoảng vài phút sau thì lực lượng chức năng xuất hiện yêu cầu mọi người tránh xa khỏi khu vực cầu Phong Châu.
May mắn thoát nạn, nhưng cả anh Hùng và vợ vẫn một phen hú vía. Vợ anh “vã hết mồ hôi, đến hôm nay mới hoàn hồn”.
“Hôm qua, hai vợ chồng đứng thất thần mãi rồi mới chạy xe về,” anh Hùng chia sẻ.
Sau khi rơi xuống chân trụ cầu, anh Hải và anh Trọng mất một lúc mới lấy lại được sự bình tĩnh.
“[Lúc ấy] người dân người ta ra rồi họ bảo là ‘ô, ở đây vẫn còn người’, rồi người ta kéo lên. Người dân kéo lên thì mới lên được chứ mình không tự lên được, vì khoảng cách tới chừng 3 mét.”
Không có dụng cụ cứu hộ, anh Hải bám vào trụ cầu, cố gắng leo lên rồi đưa tay và được người dân kéo lên.
Lên được bên trên rồi, anh Hải quyết định chưa gọi cho gia đình vì không muốn mọi người lo lắng. Ngồi vài phút, xe cứu thương đưa anh Hải vào Trung tâm Y tế huyện Tam Nông.
“Mình vào bệnh viện rửa vết thương rồi mới gọi cho gia đình bảo là mình ổn, không có gì đáng ngại”.
Anh Hải và anh Trọng đều chỉ bị xây xát và bầm ở một vài chỗ.
“Gặp lại gia đình mình nghĩ là cuộc sống vô thường quá. Còn sống còn thở thì phải yêu thương nhau, chứ đừng đến lúc chết rồi mới thương tiếc. Sống nay chết mai, như cái sự cố sập cầu này, ai mà nghĩ ra được,” anh Hải chia sẻ cảm giác khi cuối cùng cũng gặp lại gia đình.
Vào thời điểm chia sẻ câu chuyện với BBC, anh Hải và anh Trọng vẫn đang ở trong bệnh viện. Dù không bị thương nặng về mặt thể chất, sự việc có thể gây ra những tổn thương về tinh thần. Anh Hải nói rằng sau sự việc thì anh cảm thấy sợ khi nghĩ tới chuyện đi qua cầu.
“Chắc chắn là sợ đấy. Vì gần như là mình từ cõi chết trở về rồi. Cái tâm lý của mình cũng ghê ấy. Thoát được cái cửa tử. Nghĩ là chết rồi mình lại được sống.”
Một nạn nhân khác của vụ sập cầu cũng đang được tại Trung tâm Y tế huyện Tam Nông là ông Phan Trường Sơn (50 tuổi).
Theo báo Tuổi Trẻ, ông Sơn bị rơi hẳn xuống sông, bị nước lũ cuốn trôi 3 – 4km, rồi thoát nạn sau khi bám được vào một cây chuối và được người dân cứu lên.
“Chỉ khi đến bệnh viện tôi mới biết mình còn sống, thật sự là quá may mắn,” báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Sơn.
Sự cố cầu Phong Châu xảy ra vào khoảng 10 giờ 2 phút ngày 9/9.
Ngoài anh Hải, anh Sơn và anh Trọng, công an tỉnh Phú Thọ xác định còn 8 nạn nhân khác đang mất tích sau tai nạn sập cầu.
Trong số các nạn nhân có 7 người dân địa phương và 1 người ở tỉnh Đắk Nông.
Các nạn nhân gồm:
- Hà Quốc Chí (38 tuổi, trú Khu 5, xã Chu Hóa, TP.Việt Trì, Phú Thọ); phương tiện: Xe ô tô đầu kéo biển số 19H-024.19.
- Nguyễn Thị Yến (45 tuổi, trú Khu 17, xã Sơn Vi, H.Lâm Thao, Phú Thọ); phương tiện: Xe mô tô SYM Angel biển số 19S1-086.82
- Nguyễn Hà Chi (19 tuổi, trú xã Quảng Phú, H.Krông Nô, Đắk Nông); phương tiện: Xe mô tô Honda Vision đỏ biển số 19L1-274.86
- Nguyễn Thị Lan (19 tuổi, trú Khu 18, xã Vạn Xuân, H.Tam Nông, Phú Thọ); phương tiện: Xe mô tô Honda Vision đỏ biển số 19L1-274.86
- Dương Công Chiến (43 tuổi, trú xã Đang Phượng, H.Hạ Hòa, Phú Thọ); phương tiện: Xe ô tô đầu kéo biển số 19H – 042.12.
- Lương Xuân Thành (56 tuổi, trú Khu 1, xã Thạch Đồng, H.Thanh Thủy, Phú Thọ); phương tiện: Xe mô tô mang biển 19L1-107.49
- Nguyễn Thị Hường (48 tuổi, trú Khu 1, xã Thạch Đồng, H.Thanh Thủy, Phú Thọ); phương tiện: Xe mô tô biển số 19L1-107.49
- Nguyễn Thị Bích Hằng (36 tuổi, trú xã Thuỵ Vân, TP.Việt Trì, Phú Thọ); phương tiện: Xe mô tô biển số 19N1-310.61
Vụ sập cầu Phong Châu cũng đã gây gián đoạn giao thông tại tỉnh Phú Thọ.
Theo báo Thanh Niên, sáng ngày 10/9, Trung tướng Phạm Đức Duyên, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 2, và đại diện các đơn vị đã tới khảo sát vị trí lắp cầu phao tại khu vực gần cầu Phong Châu.
Tới 17 giờ chiều cùng ngày, chưa có thông tin về việc cầu phao đã được lắp đặt.
Sau sự cố sập cầu Phong Châu, một số cây cầu khác đã bị hạn chế hoặc cấm lưu thông.
Vào 8 giờ 30 phút sáng ngày 10/9, Sở Giao thông vận tải Hà Nội có thông báo về việc tổ chức lại giao thông, trong đó có cấm nhiều loại phương tiện lưu thông trên cầu Chương Dương.
Các loại phương tiện bị cấm gồm: xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ, xe tải có tải trọng trên 0,5 tấn. Riêng xe buýt được phép hoạt động theo chiều Long Biên đi Hoàn Kiếm, hướng ngược lại không được phép.
Những xe bị cấm lưu thông có thể chuyển sang các cầu: Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Thăng Long để qua sông Hồng.
Tới 15 giờ cùng ngày, chính quyền ra lệnh cấm toàn bộ người và phương tiện đi qua cầu Long Biên (Hà Nội).
Một số cầu khác trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và các tỉnh trong vùng lũ cũng bị hạn chế hoặc cấm. (T/H, BBC)