SÀI GÒN: ‘Người giàu cũng khóc’ vì COVID
SÀI GÒN, Việt Nam – Chỉ mới đầu năm nay, nhiều nhà phố cho thuê ở trung tâm Sài Gòn thi nhau cải tạo, sửa chữa lại mặt bằng để kinh doanh, nhưng rồi phải ngưng vì dịch Covid-19 lần thứ ba ập đến đúng vào giai đoạn gần Tết Nguyên Đán. Nhiều cửa hàng kinh doanh phải sửa chữa cầm chừng, chờ dịch qua đi mới tiếp tục đầu tư.
Qua Tết Nguyên Đán, thị trường nhà phố cho thuê kinh doanh rục rịch phát triển trở lại được chừng hai tháng thì đợt dịch thứ tư ập đến, khiến người thuê và cho thuê lại phải “án binh bất động”.
Một số cửa hàng cố cầm cự thêm nhưng do đợt dịch lần thứ tư này trầm trọng hơn, kéo dài mấy tháng trời nên không thể tiếp tục cầm cự được nữa. Người thuê trả mặt bằng, chủ nhà cũng méo mặt vì nguồn thu bị cắt. Chủ nhà thông báo cho thuê tiếp nhưng cũng chẳng ai ngó ngàng nữa, dù giá thuê cũng đã giảm đi.
Hàng loạt nhà phố cho thuê ở Quận 1, Quận 3,… dán chi chít số điện thoại cho thuê. Một căn nhà phố ở vòng xoay Phù Đổng (quận 1) chủ nhà từng cho thuê với giá 25,000 USD/tháng vì mặt bằng nằm ở vị trí đắc địa với ba mặt tiền, gần khách sạn New World. Nhưng nay thì người thuê đã trả lại mặt bằng sớm, vì không thể cầm cự khi mỗi tháng lỗ khoảng 10 tỷ đồng (hơn $435,000). Hiện tại vẫn chưa có ai hỏi thuê căn nhà này.
Ở những khu vực khác, tình hình cũng bi đát không kém. Hàng loạt địa điểm trước đây muốn thuê không dễ, nay treo bảng hoài không ai thuê như những căn nhà đường Ngô Đức Kế và Hồ Tùng Mậu (gần toà nhà Bitexco, quận 1).
Trên nhiều con đường vốn mua bán sầm uất, nay là những dãy nhà đóng cửa với chi chít những tờ giấy dán ghi số điện thoại liên hệ cho thuê. Phía trước những căn nhà im ỉm đó, giờ thỉnh thoảng vài người bán hàng rong đặt quang gánh ngồi bán tạm thời qua ngày.
Theo báo cáo của thị trường bất động sản Sài Gòn trong ba tháng đầu năm, thị trường nhà phố ở trung tâm đã giảm xuống mức thấp nhất trong năm năm qua: -50% theo quý và -59% theo năm.
Trước tình hình này, chỉ có những “đại gia đỏ” tiền như núi mới không bị ảnh hưởng, còn những nhà đầu tư bất động sản bình thường, phải vay mượn ngân hàng sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi dịch COVID-19 kéo dài. Có thể, trong thời gian tới, khi món nợ ngân hàng đáo hạn, chính họ sẽ trở thành “miếng mồi ngon” cho những “đại gia đỏ” tranh giành thống lĩnh thị trường. (SGN)