Sunday, November 3, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Rosneft rút khỏi dự án với Việt Nam trên Biển Đông, liệu có nguy cơ an ninh?

Dù lợi nhuận ròng trong quý II lên đến 233 tỷ rúp (3.1 tỷ USD), tập đoàn Rosneft của Nga vẫn quyết định rút hoàn toàn khỏi các dự án với Việt Nam trên Biển Đông, điều này khiến một số người lo ngại về nguy cơ an ninh giữa bối cảnh Trung Quốc thời gian qua liên tục gây sức ép buộc các công ty quốc tế ngừng hợp tác với Việt Nam trong việc khai thác dầu khí ở các khu vực mà Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền của mình.

Hoạt động trên giàn thăm dò của Rosneft Vietnam tại mỏ khí Lan Tây ở Biển Đông.
Hoạt động trên giàn thăm dò của Rosneft Vietnam tại mỏ khí Lan Tây ở Biển Đông. (Hình Reuters).

Theo thông tin từ các hãng tin Nga Interfax, TASS và Prime, Rosneft vừa thông báo rút vốn khỏi công ty con Rosneft Vietnam B.V. Đây là đơn vị vận hành dự án sản xuất khí và condensate tại Việt Nam, trong đó Rosneft sở hữu 100% cổ phần tại công ty này. Thay đổi bắt đầu có hiệu lực từ ngày 2/9.

Tiếp theo hàng loạt sự ra đi của các công ty dầu khí quốc tế khỏi Việt Nam dưới áp lực của Trung Quốc trong những năm qua, việc rút vốn của Rosneft khỏi các dự án ở Biển Đông làm dấy lên nghi ngờ về khả năng công ty Nga bị Bắc Kinh gây áp lực tương tự.

Tuy nhiên, theo TS. Hà Hoàng Hợp, một chuyên gia nghiên cứu cấp cao khách mời của Viện ISEAS của Singapore, thì việc chuyển giao này chỉ là một “thủ thuật” của phía Nga trong việc hợp tác với Việt Nam.

“Có một thủ thuật là tất cả tài sản của Rosneft ở Việt Nam được họ bán 100% cho một công ty của nhà nước Nga là Công ty Zarubezhneft. Đó là công ty của nhà nước, thuộc quyền cai quản của tổng thống Nga và nó không bán cổ phần hay cổ phiếu cho nước ngoài. Cho nên những quốc gia như Trung Quốc không thể mua được cổ phần hay cổ phiếu ở đó”, TS. Hà Hoàng Hợp nói với VOA.

Giàn khoan JDC Hakuryu-5 của tập đoàn Rosneft tại mỏ khí đốt Lan Tây ở ngoài khơi Vũng Tàu, Việt Nam. Ảnh chụp ngày 29/04/2018.
Giàn khoan JDC Hakuryu-5 của tập đoàn Rosneft tại mỏ khí đốt Lan Tây ở ngoài khơi Vũng Tàu, Việt Nam. (Hình Reuters).

Tuy nhiên, bất chấp nguyên tắc trên, TS. Hà Hoàng Hợp cho biết Bắc Kinh lâu nay vẫn không ngừng tìm cách chi phối, tác động bằng nhiều cách lên công ty của nhà nước Nga, cả về chính trị lẫn kinh tế.

“Thực chất vào năm 2018, Trung Quốc cũng đã gạ mua cổ phần của Zarubezhneft ở đâu đó, thế nhưng Zarubezhneft họ không bán”, TS. Hà Hoàng Hợp cho biết.

Chính vì vậy, việc Rosneft chuyển nhượng cổ phần cho Zarubezhneft không đề ra mối đe doạ an ninh nào mà còn có lợi hơn cho Việt Nam.

TS. Hà Hoàng Hợp giải thích thêm: “Thực ra, nhìn từ góc độ an ninh thì Trung Quốc không thể nào tác động hay can thiệp được, gây ra những chuyện như bắt ép phải rút ra, phải dừng khai thác… thì họ không làm được, mà như thế là rất tích cực”.

rosneft-vn.jpg
Hoạt động sản xuất của Liên doanh Rosneft tại Việt Nam. (Hình Rosneft).

Rosneft đã tham gia vào dự án khai thác và sản xuất khí, condensate và một dự án thăm dò tại Lô 06.1 ở Biển Đông. Trong hợp đồng lô 06.1, Rosneft Vietnam B.V. sở hữu 35% cổ phần và là nhà điều hành dự án, Tập đoàn ONGC của Ấn Độ sở hữu 45% và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sở hữu 20%.

Theo báo cáo kết thúc ngày 30/6, lãi ròng quý II của Rosneft đã tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, lên 233 tỷ rúp (3.1 tỷ USD), trong khi doanh thu tăng gấp đôi lên gần 2,200 tỷ rúp, theo AFP.

Giám đốc điều hành Rosneft, Igor Sechin, trong một thông báo sau đó cho biết mức lợi nhuận ròng quý vừa qua là cao nhất trong lịch sử kinh doanh của công ty, chủ yếu nhờ vào sự phục hồi của giá dầu thô.

Trong khi đó, Zarubezhneft là tập đoàn đã liên doanh với Việt Nam suốt 40 năm qua thông qua Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro, chuyên thăm dò và khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam tại các Mỏ Bạch Hổ, Mỏ Rồng, Cá Tầm, Thiên Ưng…

Hồi tháng 6, tập đoàn này cho biết họ có kế hoạch kéo dài hoạt động ít nhất là đến năm 2045 và tham gia các dự án hiệu quả mới tại Việt Nam. (VOA)