Friday, March 29, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Ra mắt lãnh đạo ‘tứ trụ’ nhiệm kỳ mới 2021-2026 của Việt Nam

Ông Phạm Minh Chính vào chiều ngày 5/4/2021 trở thành tân Thủ tướng Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026 với 462/466 Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 14 bỏ phiếu kín tán thành.

Ông Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước hôm 5/4 tại Hà Nội và trở thành người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam giữ chức thủ tướng được Quốc hội bầu cho cương vị chủ tịch nước.
Ông Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước hôm 5/4 tại Hà Nội và trở thành người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam giữ chức thủ tướng được Quốc hội bầu cho cương vị chủ tịch nước.

Trước khi trở thành tân Thủ tướng, ông Chính đảm nhận chức vụ Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN).

Trong bài đọc sau lễ tuyên thệ, ông Chính cho rằng: “Để hoàn thành nhiệm vụ, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ luôn chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương mà thường xuyên trực tiếp là Bộ Chính trị và Ban Bí thư, của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng”.

Ông Chính cũng cho hay sẽ cùng với Thường trực Chính phủ, thành viên Chính phủ “đoàn kết, liêm chính, hành động quyết liệt, hiệu quả, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, tất cả vì lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc.

Ông Phạm Minh Chính, sinh năm 1958, từng giữ chức Phó Tổng cục trưởng Bộ Công An, sau đó đến năm 2010 giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an với hàm Trung tướng.

Việc ông Phạm Minh Chính trở thành Thủ tướng không ngoài dự đoán của những người am hiểu tình hình Việt Nam từ vài tháng qua.

Ông Phạm Minh Chính tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng ngày 5/4/2021. Photo VNA via Reuters.
Ông Phạm Minh Chính tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng ngày 5/4/2021. Photo VNA via Reuters.

Giáo sư Carl Thayer hồi tháng 3 nhận định với RFA rằng, ông Phạm Minh Chính “không có kinh nghiệm ở những vị trí cấp cao của Chính phủ và vẫn cần phải xem liệu những kinh nghiệm công tác đa dạng có giúp ông ấy trở thành một Thủ tướng hiệu quả hay không.”

Vị Giáo sư người Úc nhận định rằng, ông Chính “sẽ phải trông cậy vào năng lực và chuyên môn của các Phó Thủ tướng trong lĩnh vực điều hành Chính phủ cũng như các chính sách kinh tế ở cấp trung ương.”

Đồng thời những ưu tiên trước mắt của ông Chính đã được quyết định: Đó là việc chống dịch bệnh COVID-19 và khởi động quá trình hồi phục của nền kinh tế Việt Nam, và kế hoạch phát triển của Chính phủ cho năm và 10 năm tới đã được Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 13 thông qua.

Trong ngày 5/4/2021, vào buổi sáng, ông Nguyễn Xuân Phúc trở thành tân Chủ tịch nước Việt Nam. Quốc Hội bỏ phiếu chỉ với 1 ứng viên duy nhất, và kết quả được thông báo là 468/468 Đại biểu Quốc hội khóa 14 đã bỏ phiếu thuận bầu ông Nguyễn Xuân Phúc giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bảng điện tử kết quả biểu quyết trong vòng 1 phút có lúc đã hiện lên con số: 3 đại biểu không tán thành, tuy nhiên tất cả đều trở thành 468 tán thành khi kết thúc.

Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ngày 5/4/2021. Photo VNA via Reuters.
Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ngày 5/4/2021. Photo VNA via Reuters.

Như vậy, ông Nguyễn Phú Trọng chính thức chỉ còn giữ một chức Tổng bí thư trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nhiệm kỳ thứ 3. Đây cũng là lần đầu tiên một đương kim Thủ tướng chuyển sang làm Chủ tịch nước, một chức danh có phần nghi lễ nhiều hơn.

Trong bài đọc ngắn sau khi nhậm chức, ông Nguyễn Xuân Phúc cũng gửi lời đến đồng bào cả nước và kiều bào ở nước ngoài lời nhắn gửi:

Đảng và Nhà nước ta luôn sát cánh cùng Nhân dân để mùa màng thêm bội thu, để sản xuất, kinh doanh luôn thành công, để những dòng sông luôn tuôn chảy mát lành,… Để những trẻ em luôn có những giấc mơ và hoài bão vươn xa, để những cụ già sống trọn phần đời thật ý nghĩa, hạnh phúc và để thúc đẩy tinh thần cho những con người đang khát khao cống hiến, sáng tạo.” (RFA)