Quốc hội Châu Âu ra Nghị Quyết tố cáo tình trạng Nhân quyền tại Việt Nam, đặc biệt vụ kết án 3 Nhà báo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thuỵ và Lê Hữu Minh Tuấn
– Cuộc vận động của Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR)
PARIS, ngày 21 tháng Giêng năm 2021 (VCHR) – “Nghị quyết chung về tình trạng Nhân quyền tại Việt Nam, đặc biệt trường hợp kết án 3 Nhà báo nhân quyền Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thuỵ, Lê Hữu Minh Tuấn” do 7 chính đảng đại biểu mọi khuynh hướng chính trị tại Quốc hội Châu Âu đệ nạp vừa được thông qua chiều ngày 21 tháng giêng tại khoáng đại Quốc hội Châu Âu, thủ đô Brussels, Vương quốc Bỉ.
Dư luận thế giới vô cùng ngạc nhiên và phẫn nộ trước 3 bản án nghiêm khắc ngày 5-1-2021 mà Toà án Nhân dân Tp Hồ Chí Minh giáng xuống cho 3 nhà báo độc lập thuộc Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, 15 năm tù cho Phạm Chí Dũng, và 11 năm tù cho Nguyễn Tường Thuỵ và Lê Hữu Minh Tuấn.
Một ngày sau, 6-1-2021, Phát ngôn nhân của Uỷ ban Đối Ngoại Liên Âu liền ra thông cáo tố cáo cuộc kết án vô căn cứ và yêu sách Nhà cầm quyền Hà Nội tức khắc trả tự do cho ba người.
Trong cuộc phỏng vấn của Phóng viên Ỷ Lan Đài RFA hôm 7-1, Dân biểu Quốc hội Châu Âu, bà Saskia Bricmont thuộc Đảng Xanh, bức xúc nói rằng : “Chỉ vì tự do biểu đạt thôi mà phải lãnh ngay án tù 15 năm cấm cố và 3 năm quản chế theo tin tôi nhận được… là điều không thể nào chấp nhận”.
Ngay sau khi bản án vừa loan hôm 5-1, ba tổ chức Nhân quyền Quốc tế Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR), Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và Tổ chức Thế giới Chống Tra tấn (OMCT) liền phát hành Thông cáo chung tố cáo bản án phi pháp và kêu gọi hành động. Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch VCHR, đã trao trách nhiệm vụ kết án 3 nhà báo cho Liên Âu khi tuyên bố : “Vừa 5 tháng sau khi EVFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Liên Âu-Việt Nam) có hiệu lực, Việt Nam tuyên án tù nghiêm khắc nhất cho việc “tuyên truyền chống phá Nhà nước”. Phạm Chí Dũng đã bị bắt giam tuỳ tiện vì thúc đẩy Quốc hội Châu Âu tìm cách cải thiện nhân quyền tại Việt Nam trước khi phê chuẩn EVFTA. Hôm nay, Hà Nội phục thù bằng cách phỉ báng vô liêm sỉ công pháp quốc tế và phản bội với điều họ hứa hẹn mà Liên Âu đã cả tin vì ngây thơ hay đạo đức giả”.
Từ hai tuần lễ qua, Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam tiếp tục đến Quốc hội Châu Âu ở Brussels, gặp gỡ các cấp Liên Âu, tiếp xúc với các vị Dân biểu để thông tin về hiện trạng nhân quyền bi đát trước khi Đại hội Đảng lần 13 khai hội, đặc biệt vụ án 3 nhà báo độc lập, đồng thời vận động các chính đảng cho một Nghị quyết chung về hiện trạng nhân quyền Việt Nam ngày càng tồi tệ.
Bản Nghị quyết thông qua chiều hôm nay nói lên sự quan tâm nhân quyền trước việc Nhà cầm quyền Hà Nội bội ước sau khi ký Hiệp định Thương mại Tự do Liên Âu-Việt Nam (EVFTA). Con số 705 vị Dân biểu thuộc 7 chính đảng tại Quốc hội Châu Âu cùng chung biểu quyết nói lên sự quan tâm tối hậu ấy. Bảy chính đảng gồm có : Đảng Bình dân Châu Âu (European People’s Party / Christian Democrats); Liên minh Tiến bộ Xã hội và Dân chủ tại Quốc hội Châu Âu (Progressive Alliance of Socialists and Democrats in the European Parliament); Đảng Xanh và Liên minh Châu Âu (Greens/European Free Alliance); Nhóm Đồng nhất và Dân chủ (Identity and Democracy Group); Đảng Bảo thủ và Cải cách Châu Âu (European Conservatives and Reformists); và Nhóm Khuynh tả Châu Âu (The Left Group in the European Parliament – GUE/NGL).
Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch VCHR ngỏ lời hoan nghênh: “Bản Nghị quyết vô cùng thích đáng và đúng thời. Đây là thông điệp mạnh mẽ gửi tới Đảng Cộng sản Việt Nam trước thềm Đại hội lần thứ 13 tại Hà Nội, đồng thời bắn tiếng đến vị tân Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden mong cộng tác chung với Châu Âu qua các thành viên quốc gia nhằm áp lực cho sự cải thiện nhân quyền cụ thể tại Việt Nam”.
Nghị Quyết Quốc hội Hội Châu Âu bao gồm 15 nhận định và 23 yêu sách gói trọn mọi vi phạm nhân quyền đang xẩy ra. Việt Nam là “quốc gia giam giữ các tù nhân chính trị đông nhất tại Đông Nam Á”, Quốc hội Châu Âu nói và tiếp rằng “kinh hãi và lên án các cuộc đàn áp gia tăng giới bất đồng chính kiến cùng những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, kể cả việc kết án, đe doạ chính trị, theo dõi, sách nhiễu, tấn công, xét xử bất minh và tống khứ các nhà hoat động chính trị, nhà báo, bloggers, nhà bất đồng chính kiến và hoạt động nhân quyền ra nước ngoài vì họ hành xử tự do ngôn luận, rõ ràng là Việt Nam vi phạm các nghĩa vụ quốc tế”.
Nghị quyết quan tâm đặc biệt đến việc bắt giữ tuỳ tiện và kết án ba nhà báo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thuỵ và Lê Hữu Minh Tuấn, sáng lập và thành viên Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam. Ba nhà báo chỉ nói lên “mối sai lầm và tham nhũng của chính quyền”, nhân quyền, dân chủ, mà bị kết tội “làm, chứa chấp, phát tán thông tin, tài liệu nhằm chống phá Nhà nước”. Phạm Chí Dũng bị kết án 15 năm tù, hai đồng nghiệp của ông 11 năm tù, với 3 năm quản chế cho mỗi người. Ông Phạm Chí Dũng còn bị kết tội “cộng tác với truyền thông nước ngoài loan tin thất thiệt” qua việc ông gửi Video hình đến các Dân biểu Quốc hội Châu Âu thúc đẩy họ hoãn việc phê chuẩn EVFTA chờ việc cải thiện nhân quyền tại Việt Nam. Video hình này đã được gửi đến Ủy Ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam để trình chiếu tại cuộc Điều trần ở Quốc hội Châu Âu ngày 3 tháng 12 năm 2019.
Nghị quyết tố cáo chế độ giam giữ khắc nghiệt, không được tiếp cận luật sư và không đuợc quyền xét xử công bằng, Quốc hội Châu Âu kêu gọi Việt Nam hãy “trả tự do tức khắc và không điều kiện cho Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thuỵ và Lê Hữu Minh Tuấn cũng như cho tất cả các nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền và nhà hoạt động môi sinh, nhà hoạt động nghiệp đoàn và tù nhân vì lương thức bị bắt, bị kết án vì họ hành xử quyền tự do ngôn luận, và bãi truất các án dành cho họ”.
Nghị quyết nhận xét rằng đa số các nhà hoạt động nhân quyền bị bắt giữ chiếu theo các “điều luật áp bức” nằm trong bộ Luật Hình sự Việt Nam, khi “lạm quyền sử dụng để bóp nghẹt tiếng nói, bắt bớ, giam giữ, kết án hay ngăn cấm hoạt động các nhà hoạt động nhân quyền, người bất đồng chính kiến, luật sư, hoạt động công đoàn, các tôn giáo và các tổ chức phi chính phủ, đặc biệt với những ai phê phán chính quyền Việt Nam”. Quốc hội Châu Âu kêu gọi Việt Nam sửa đổi các điều luật này, đặc biệt các Điều 117, 118 và 331 trong Bộ Luật cũng như các luật pháp khắc khe khác, như Luật An ninh Mạng hay Nghị định 72 về Internet. Nghị quyết nhấn mạnh rằng việc sửa đổi bộ Luật Hình sự là điều thiết yếu cho việc áp dụng Công ước 98 và 87 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) mà Việt Nam hứa hẹn sẽ phê chuẩn. Không có việc sửa đổi này, công nhân có nguy cơ bị bắt tù khi lên tiếng phê phán các chính sách của Nhà nước tại công trường.
Nghị quyết phản ảnh sự choáng váng của khối Dân biểu Quốc hội Châu Âu trước tình trạng tồi tệ của nhân quyền tại Việt Nam ngay vào lúc Hiệp định Thương mại Tự do Liên Âu – Việt Nam (EVTA) có hiệu lực từ ngày 1-8-2020. Với bản Nghị Quyết, Quốc hội Châu Âu muốn nhắc nhở Việt Nam về những cam kết thông qua Hiệp định khung về Đối tác và Hợp tác toàn diện Liên Âu – Việt Nam (PCA) vốn liên hệ với Hiệp định EVFTA. Trong Hiệp định PCA có một “điều khoản về nhân quyền” cho phép Liên Âu lấy những “biện pháp thích đáng” – kể cả các biện pháp chế tài và rốt cục có thể đình chỉ Hiệp định EVFTA “trong trường hợp có những vi phạm nhân quyền quy mô và nghiêm trọng”.
Trong buổi khoáng đại hôm nay, Dân biểu Maria Arena, Chủ tịch Phân ban Nhân quyền Quốc hội Châu Âu, đề xuất việc đình chỉ tức khắc Hiệp định EVFTA. Bà nói : “Bởi vì đang có và sẽ có những vi phạm nhân quyền quy mô và nghiêm trọng”,vậy mà, “Việt Nam chẳng chịu thay đổi !”.
Nghị quyết lên án việc kiểm duyệt Internet và các hoạt động truyền thông xã hội, Quốc hội Châu Âu nhận xét rằng “Ít nhất có hai diễn đàn truyền thông mạng xã hội toàn cầu đã thực sự gia tăng rõ rệt sự chìu ý cơ chế khoá miệng của Việt Nam qua điều luật kiểm duyệt, kể cả việc kiểm duyệt mọi phê phán ôn hoà Nhà nước”. Nhận xét này quy chiếu việc ngăn chặn Internet của hai công ty Facebook và hãng YouTube của Google từ tháng tư năm 2020 dưới áp lực của Nhà cầm quyền Việt Nam. Đây là vấn đề quá nghiêm trọng tại Việt Nam mà Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) không ngừng tố cáo. Phó chủ tịch VCHR Penelope Faulkner đã tuyên bố trong một cuộc hội luận tại Liên Âu rằng “Hành động của Facebook đem lại hậu quả bi thảm cho tự do Internet, không những cho Việt Nam mà cho toàn thế giới. Việt Nam là quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á – cũng có thể trong cả toàn cầu, mà công ty Facebook công khai chấp nhận chìu ý với cơ chế kiểm duyệt của Nhà nước”. https://www.youtube.com/embed/xxm4NtDla4g?feature=oembed
Nghị quyết của Quốc hội Châu Âu còn đề cập nhiều lĩnh vực khác như tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, thủ tục đăng ký, và đàn áp các sinh hoạt tôn giáo mà Nhà nước cho rằng “trái với quyền lợi quốc gia, trật tự công cộng hay đoàn kết dân tộc”; Quốc hội Châu Âu kêu gọi Việt Nam thừa nhận Công đoàn độc lập; tạm ngưng sử dụng án lệnh tử hình; cải thiện điều kiện y tế cho tù nhân tránh đại dịch COVID-19; mời các Báo cáo viên LHQ đặc nhiệm Tự do ngôn luận và biểu đạt, đặc nhiệm Bảo vệ người hoạt động nhân quyền đến Việt Nam xem xét, cho họ “tự do gặp gỡ mọi đối tác họ cần tham khảo”.
Nghị quyết cũng kêu gọi thiết lập cơ chế độc lập theo dõi các khiếu kiện bảo vệ các nạn nhân, và kêu gọi Uỷ ban Châu Âu và Uỷ ban Đối ngoại Liên Âu đánh giá tác động nhân quyền để xem xét sự hữu hiệu của các điều khoản nhân quyền ghi trong EVFTA so chiếu với tình trạng nhân quyền tại Việt Nam.
Kết luận, Nghị quyết Quốc hội Châu Âu kêu gọi “Các thành viên quốc gia Liên Âu, đặc biệt trước thềm Đại lội lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam, lên tiếng mạnh mẽ cho sự quan tâm về hiện trạng nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam; khuyến thỉnh Liên Âu và các quốc gia thành viên gia tăng nỗ lực quốc tế của họ để thăng tiến sáng kiến chung với các đối tác cùng chí hướng, và đặc biệt với Tân Chính quyền Hoa Kỳ, để kết liên hành động cho sự thực hiện cụ thể việc tôn trọng nhân quyền tại Việt Nam và tại Hội đồng Nhân quyền LHQ”.
This post is also available in: English