Friday, April 26, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Phong tục đón năm mới thú vị ở một số quốc gia trên thế giới


Phong tục đón năm mới ở mỗi quốc gia mang màu sắc và nét độc đáo khác nhau, song tựu chung, đây là dịp để gia đình, bạn bè sum họp, cùng nhìn lại năm qua và cầu cho những điều may mắn, suôn sẻ sẽ đến trong năm tới.

Hãy cùng khám phá những phong tục diễn ra trong dịp năm mới ở một số quốc gia trên thế giới, để phần nào hiểu thêm về con người, văn hóa và lối sống của các dân tộc khác.

Pháp

Ở Pháp, vào đêm giao thừa, người ta thường trang trí nhà cửa bằng những bức tượng nhỏ làm bằng gỗ hoặc đất sét. Trẻ em Pháp gọi ông già Noel là Per Noel, người sẽ đặt quà cho trẻ em ngay trong giày của chúng. Đứa trẻ may mắn nhất là đứa trẻ nhận được chiếc bánh sinh nhật có nhân đậu nướng ẩn bên trong.

Người Pháp dùng rượu đón năm mới, từ đêm giao thừa mọi người bắt đầu mở tiệc ăn uống đến 3/1 mới kết thúc. Sáng sớm ngày mùng 1, mọi người có thói quen xem hướng gió.

Nếu là gió Nam thì năm ấy mưa thuận gió hòa, năm mới sẽ bình an, nếu là gió Tây sẽ là năm nghề cá và nghề vắt sữa bò phát đạt, nếu là gió Đông thì năm đó hoa quả được mùa, còn nếu là gió Bắc thì đó là năm mất mùa.

Thụy Điển

Vào đêm giao thừa ở Thụy Điển, cuộc thi bầu chọn Nữ hoàng Ánh sáng – Lucia được tổ chức. Cô gái được lựa chọn vào vị trí này sẽ mặc một chiếc váy trắng và đội vương miện, với những ngọn nến thắp sáng, tặng quà cho trẻ em và cho thú cưng ăn những món ăn yêu thích.

Người dân Thụy Điển kỷ niệm năm mới không khác mấy so với các vùng khác của thế giới. Họ uống champagne, xem bắn pháo hoa, đi nhà thờ…

Italy

Ở Italy, người ta có phong tục vứt bỏ đồ cũ vào đêm giao thừa và truyền thống này đã có từ thời Trung cổ. Ở các vùng của Italy, chẳng hạn như Naples, phương châm là “không có cái cũ”, nơi vào đêm giao thừa, người ta vứt đồ đạc cũ, không dùng đến ra khỏi ban công để tượng trưng cho một khởi đầu mới cho năm sắp tới.

Không phải ông già Noel tặng quà cho trẻ em mà là Nàng tiên biết bay Befana. Nhưng ở Italy cũng có một thầy phù thủy lớn tuổi rất được yêu thích, ông tên là Babbo Natale.

Trong văn hóa Italy, màu đỏ có liên quan đến khả năng sinh sản, vì vậy mọi người mặc đồ lót màu đỏ vào đêm giao thừa với hy vọng nó sẽ giúp họ có con trong năm tới. Nếu có mặt ở quảng trường chính vào thời khắc giao thừa, bạn có thể sẽ chứng kiến một cuộc hôn tập thể. Một màn pháo hoa khổng lồ tạo nên một nụ hôn lớn dành cho những người thân yêu và gần gũi nhất.

Scotland

Trong dịp năm mới, người Scotland thường mời bằng được những chàng trai cao ráo, đẹp trai, mang rượu whiskey, làm vị khách đầu tiên đặt chân vào nhà mình trong năm mới. Người Scotland cho rằng có chàng trai như vậy đến “xông đất”, gia đình họ sẽ gặp nhiều may mắn suốt 12 tháng trong năm.

Nhân dịp năm mới, người Scotland kỷ niệm Hogmany – lễ hội lửa. Những người tham gia đốt những thùng hắc ín tượng trưng cho năm cũ. Những vị khách đến dự tiệc ở Scotland được yêu cầu mang theo than, sau đó sẽ được ném vào lò sưởi để cầu may.

Brazil

Vào đêm giao thừa ở Brazil, người dân Brazil có truyền thống ném cành hoa trắng xuống những con sóng bạc đầu để cúng tế nữ thần biển Yemanja, người bảo trợ cho các thủy thủ. Như một món quà, hoa và nến được mang đến cho nữ thần, chúng được thả nổi trên mặt nước, đồng thời họ thực hiện một điều ước.

Ngoài ra, họ còn có thể ném những món đồ khác đặc trưng cho phái nữ như nước hoa, trang sức, son môi đặt trong những con thuyền gỗ nho nhỏ. Hàng năm, có hàng nghìn người thực hiện truyền thống này với hi vọng nữ thần sẽ ban phúc lành cho họ vào năm mới.

Vào ngày lễ, mọi người đều mặc đồ màu trắng hoặc xanh lam. Sau kỳ nghỉ, một lễ hội hóa trang lớn bắt đầu được tổ chức. Người dân Brazil thường đón năm mới trên các bãi biển trong tiết trời ấm áp.

Tại đây, họ sẽ nhảy qua 7 con sóng. Sở dĩ người Brazil làm như vậy là vì họ tin rằng việc nhảy qua 7 con sóng sẽ đem lại may mắn cho bạn trong năm mới.

Úc

Ở Úc, năm mới không tổ chức vào mùa đông, mà là vào mùa hè do vị trí địa lý đặc thù, vì vậy người dân ở Úc thường chọn các hoạt động ngoài trời cùng trang phục mùa hè để chào đón năm mới với những chuyến đi chơi, những trò giải trí dành cho gia đình tại các bữa tiệc sôi nổi bên sông ở Melbourne và Brisbane.

Đại tiệc hòa âm ánh sáng, DJ, khiêu vũ được tổ chức cho đến khi sang năm mới tại khu vực xung quanh công viên Elder thuộc Adelaide. Ở các thành phố lớn, các nhóm nghệ sĩ biểu diễn ở những khu vực rộng rãi và tổ chức các buổi bắn pháo hoa hoành tráng.

Úc là một trong những nơi đón giao thừa sớm nhất thế giới. Tết dương lịch ở Úc là những ngày vô cùng sôi nổi náo và nhiệt. Vào những giây phút cuối cùng trước nửa đêm ngày 31/12, người dân Úc sẽ khuấy động không gian bằng tiếng huýt sáo, lục lạc, còi xe và đổ chuông nhà thờ nhằm chào đón năm mới.

Thời khắc giao thừa vừa điểm cũng là lúc Sydney trở thành trung tâm đón giao thừa của thế giới khi cầu cảng Sydney và nhà hát Opera bừng sáng trong những chùm pháo hoa rực rỡ đầu tiên và đẹp nhất thế giới được truyền đi cho hàng tỉ người xem trên khắp mọi nơi.

Vào đầu năm mới, người dân Úc thường ưu tiên đi đến các bãi biển và tận hưởng phần còn lại: khiêu vũ, lướt sóng và những món ăn ngon.

Hoa Kỳ

“Thả” quả cầu tại quảng trường Thời Đại (New York, Mỹ) vào đúng khoảnh khắc giao thừa đã là một truyền thống có từ năm 1907. Sự kiện thu hút công chúng với những tiết mục âm nhạc đặc sắc và sự sáng tạo trong việc làm quả cầu qua các năm.

Theo Reuters, từ năm 1999, quả cầu quảng trường Thời Đại đã được làm từ những miếng pha lê thủ công từ thành phố Waterford, Ireland. Gần 200 miếng pha lê Waterford mới năm nay đã được lắp vào. Từng miếng này được những người thợ làm theo chủ đề – với chủ đề của năm 2023 là “quà tặng tình yêu” – nên các miếng pha lê có hình trái tim đan vào nhau.

Nghi lễ thả cầu đặc biệt càng trở nên thu hút trong năm nay khi nhiều người mong chờ giây phút “bình thường mới”, tận hưởng các hoạt động vui chơi giải trí trở lại như thông thường sau hai năm các sự kiện bị thu hẹp vì đại dịch COVID-19. Năm nay, lần đầu tiên, sẽ không có biện pháp hạn chế COVID-19 nào được áp dụng trong sự kiện đón năm mới ngoài trời của quảng trường Thời đại. Chỉ cần du khách có thể “bất chấp” cái lạnh và đám đông đến quảng trường lúc nửa đêm.

Chương trình sự kiện dự kiến bắt đầu vào khoảng 18h giờ ngày 31/12 (giờ New York). Vào khoảng thời gian đó, quả bóng sẽ được đặt trên đỉnh cột ở quảng trường. Phần “thả bóng”, khi bóng trượt dần từ đỉnh cột xuống dưới, sẽ kéo dài 60 giây, bắt đầu lúc 23h59. (T/H, IFN)