Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

PHONG TỎA 6.0 Gia hạn–Đọc Tùy-bút, Thơ & Nghe Thơ và Truyện-ký

Mùa Xuân Như Ý sưu tầm

Victoria, Tiểu bang đông dân thứ hai của Úc, đang vào đợt Phong tỏa Covid-19 lần thứ 6.0 Gia hạn. Lệnh phong tỏa này bắt buộc gần 7 triệu dân của Victoria phải ở nhà, ngoại trừ 5 lý do, trong bối cảnh giới chức nỗ lực khống chế một ổ dịch Delta lây lan nhanh.

Hãy để Mùa Xuân Như Ý giúp các bạn giải trí trong lúc ‘bị nhốt’ ở nhà bằng cách –Đọc Tùy-bút, Thơ & Nghe Thơ và Truyện-ký.

***********

Trang vui cười kỳ này xin nhường lại bài viết của một ông bạn già gởi tới, để quý độc giả cùng đọc cho thấm thía cái ngọt bùi cùng tuổi già với nhau. Xin đa tạ. MXNY.

–Tùy-bút

Tuổi già ơi, ta chờ mi!

VÕ ĐẠI SINH

Xin cho tôi được khoe, tôi tuổi Thân, năm nay vừa tròn 78 tuổi, đủ già để nói về tuổi già, đủ lớn để chia xẻ, lắng nghe tâm sự của người già, đủ trưởng thành để hiểu, để tâm tình về tuổi già tha hương!

Sanh lão bệnh tử là chuyện thường tình nào ai thoát được. Ai cũng phải trải qua sống già, nào ai thoát khỏi chết. Nhưng sống già thế nào, chết sao cho bình an, hợp tình, hợp lý…là chuyện không dễ dàng gì?

Tuổi già tha hương tính sao đây? Già yếu sống tại nhà với con cháu hay vô Viện dưỡng lão, chết chôn hay thiêu, chôn ở đâu, thiêu thờ phụng ra sao….để khỏi phiền lòng người thân, đừng tạo gánh nặng lo toan cho con cháu?

Sống ở nhà với con cháu có ổn không? Cuộc sống bận rộn, đứa đi làm, đứa đi học. Còn dâu, rể nữa, có hợp không, có thuận thảo chấp nhận không?

Còn Viện dưỡng lão thì sao? Tường trình mới đây của Uỷ ban Hoàng gia khiến mọi người già lạnh xương sống. Nào thiếu dinh dưởng, nào bạo hành, nào chăm sóc cẩu thả, thuốc men bừa bãi… Tính sao đây? Sống những ngày cuối cùng già yếu bệnh hoạn với con cháu thì bất ổn, vào Viện dưỡng lão thì bất an!

Chuyện bất như ý, cười ra nước mắt về những mảnh đời tha hương ở tuổi xế chiều kể sao cho hết.

Tôi sống gần phòng tập thể dục và hồ tắm công cộng, ở đó tôi quen thân với một cụ già… tròm trèm tuổi tôi. Một buổi vui miệng, tôi hỏi “Ê mình trên dưới 80 rồi, vậy ông tính chuyện hậu sự chưa?”. “Chưa, chuyện sống còn chưa ỗn, lo chi chuyện chết”. Rồi ông ngừng tập… nhẹ nhàng tỏ bày tâm sự cuộc sống hiện tại với nhiều nước mắt của vợ chồng ông.

Ông bà mang hai con nhỏ chấp nhận hiểm nguy, vượt trùng dương đến Úc ở tuổi 40. Không một chữ Anh lận lưng, không một nghề bỏ túi, ông bà quần quật ngày đêm trên máy may, vừa kiếm sống vừa lo cho con học hành tới nơi tới chốn. Nhờ trời, hai con đỗ đạt nên người và ông bà cũng mua được một căn nhà khang trang an hưởng tuổi già ở vùng đông người Việt.

Tuổi già tưởng đâu an nhàn với niềm vui tràn ngập khi đứa con trai đầu lòng bác sĩ thành hôn với người bạn gái đồng nghiệp cùng làm việc tại bệnh viện. Hãnh diện và vui sướng vô cùng. Và trong niềm vui đó, ông bà dễ dàng đồng ý, theo đề nghị của vợ chồng son thành đạt, bán đi căn nhà đang ở, góp vốn mua một nhà lầu ở vùng cao cấp hơn cho xứng với địa vị của hai con.

Quyết định vì con đó đã đưa ông bà xa dần với cuộc sống êm đềm trong căn nhà vùng bình dân cũ. Bây giờ thì trong nhà phải đi đứng nhẹ nhàng… “để nhà con ngủ”, không được mở đèn sáng sớm hoặc quá khuya “sáng quá nhà con không ngủ được”, không nên tiếp khách quá “tạp nhạp”… Thôi thì đủ điều ràng buộc lại không thể lấy tiền lại rút lui. Hai vợ chồng già giờ chỉ biết bất lực cam chịu đắng cay!

Vậy tài sản suốt đời tần tão, dành dụm…cuối đời tính sao cho ổn đây? Giao cho con cái quá sớm thì khó sống được thoải mái với rể, dâu với lối sống mới bừa bãi, không đủ lễ độ không dễ gì người già chấp nhận được… còn giao trễ quá thì vào các viện dưỡng lão con cái sẽ thiệt mất ít nhiều phần được thừa hưởng… cũng đáng tiếc!

Tôi có người bạn già gần một năm nay, mùa dịch COVID không gặp… Chúa Nhật vừa qua, đến chùa Quang Minh dự lễ cầu siêu cho một đồng môn vừa quá vãng, tôi thật bất ngờ thấy di ảnh của anh đang chễm chệ ở chùa.

Tôi quen anh từ năm 1970, khi cùng thụ huấn ở quân trường Thủ Đức. Khi tôi đến Úc, được gặp lại thì cuộc sống của anh đã ổn định lắm rồi. Mấy năm gần đây, sau khi hưu trí, anh thường ghé thăm tôi vào những buổi trưa trên đường đi đem cơm cho đứa con gái đang mướn phòng trọ học lấy Tiến sĩ ở Đại học La Trobe khá xa. Anh phải vất vả mang cơm cho con hàng ngày….vì “con học theo yêu cầu của ba, học cho ba, ba phải lo”. Tôi thắp nén nhang thành kính cúng anh, với lời cầu mong anh được toại nguyện với bằng Tiến sĩ con gái anh đã học và đạt được… cho anh!

Hầu như mọi người già tha hương, chấp nhận hiểm nguy, bỏ quê cha đất tổ ra đi vì tương lai con cái. Và tương lai là gì, nếu không phải lo cho các con học hành đến nơi đến chốn. Do vậy việc thành công trên đường học vấn của các con là lo nghĩ luôn canh cánh bên lòng cha mẹ. Làm sao đây để đừng xảy ra tình cảnh dở khóc dở cười, đẹp lòng cha mẹ mà lòng con không thích, tương lai con bất như ý!

….

Anh Nguyễn Văn Nhành, người bạn đồng môn vong niên của tôi, đã ra đi khá lâu rồi. Nhớ hồi anh đang hấp hối tại bệnh viện Melbourne, tôi được Thầy Tâm Phương, lúc đó còn một Đại Đức trẻ, báo tin và đưa tới thăm anh lần cuối. Đứng ngay đầu giường bệnh, tôi thấy anh lúng túng ú a, ú ớ, khi Thầy Tâm Phương hỏi “Có Thầy và anh Sinh ở đây, anh cho Thầy biết anh quyết định khi mất, chôn hay thiêu?”… mà tan nát cỏi lòng.

Cuối cùng rồi khi mất, tang lễ anh đã được trang trọng cử hành và anh đã được mai táng tại nghĩa trang Fawkner theo như di nguyện trước lúc lâm chung.

Góp nhặt vụn vặt vài ba câu chuyện vui buồn của tuổi già…chỉ với ước mong chia xẻ ít nhiều với những người bạn già đang ở ngưởng cửa lựa chọn hướng đi cuối cùng.

Phần tôi, sau khi nghe tôi lập đi lập lại chuyện vui buồn đời già tha hương, vợ tôi phán, “Em nhỏ hơn anh 9 tuổi, anh đừng tính toán gì hết, sống già ở nhà hay vào viện dưỡng lão, chết chôn hay thiêu… tới đâu em tính tới đó”. Với lại, còn chuyện nầy nữa, dù vẫn ở nhà của tôi, đã sang tên cho con cái gì đâu… mà sao tôi vẫn cảm thấy e dè, không còn được tự do thoải mái với vợ con…như khi còn trẻ, tôi đành tính luôn:

“Ngày sau dầu có ra sao nữa,

Mà có ra sao…cũng chẳng sao”.

Mong rằng “góc nhìn người già tha hương“ này sẽ đón nhận được nhiều kinh nghiệm quý báu… để người già chúng ta cùng chia xẻ, học hỏi để cùng có được một đời hưu thanh thản, một kết thúc nhẹ nhàng, bình an.

Mong lắm thay!

VÕ ĐẠI SINH

***********

–Nghe & Đọc Thơ

Giây phút chạnh lòng

–Tác giả: Thế Lữ

Tặng tác giả “Đoạn tuyệt”

“Anh đi đường anh, tôi đường tôi,
Tình nghĩa đôi ta có thế thôi.
Đã quyết không mong xum họp mãi.
Bận lòng chi nữa lúc chia phôi?

“Non nước đang chờ gót lãng du,
Đâu đây vẳng tiếng hát chinh phu,
Lòng tôi phơi phới quên thương tiếc
Đưa tiễn anh ra chốn hải hồ.

“Anh đi vui cảnh lạ, đường xa,
Đem chí bình sinh dãi nắng mưa,
Thân đã hiến cho đời gió bụi
Đâu còn lưu luyến chút duyên tơ?

“Rồi có khi nào ngắm bóng mây
Chiều thu đưa lạnh gió heo may
Dừng chân trên bến sông xa vắng,
Chạnh nhớ tình tôi trong phút giây;

“Xin anh cứ tưởng bạn anh tuy
Giam hãm thân trong cảnh nặng nề,
Vẫn để hồn theo người lận đận;
Vẫn hằng trông đếm bước anh đi.

Lấy câu khẳng khái tiễn đưa nhau,
Em muốn cho ta chẳng thảm sầu.
Nhưng chính lòng em còn thổn thức,
Buồn kia em giấu được ta đâu?

Em đứng nương mình dưới gốc mai,
Vin ngành sương đọng, lệ hoa rơi,
Cười nâng tà áo đưa lên gió,
Em bảo: hoa kia khóc hộ người.

Rồi bỗng ngừng vui cùng lẳng lặng,
Nhìn nhau bình thản lúc ra đi.
Nhưng trong khoảnh khắc thờ ơ ấy,
Thấy cả muôn đời hận biệt ly.

Năm năm theo tiếng gọi lên đường,
Tóc lộng tơi bời gió bốn phương.
Mấy lúc thẫn thờ trông trở lại,
Để hồn mơ tới bạn quê hương.

Ta muốn lòng ta cứ lạnh lùng
Gác tình duyên cũ chẳng đường trông.
Song le hương khói yêu đương vẫn
Phảng phất còn vương vấn cạnh lòng.

Hôm nay tạm nghỉ bước gian nan.
Trong lúc gần xa pháo nổ ran.
Rũ áo phong sương trên gác trọ.
Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang.

Ta thấy xuân nồng thắm khắp nơi,
Trên đường rộn rã tiếng đua cười,
Động lòng nhớ bạn xuân năm ấy.
Cùng ngắm xuân về trên khóm mai.

Lòng ta tha thiết đượm tình yêu,
Như cảnh trời xuân luyến nắng chiều,
Mắt lệ đắm trông miền cách biệt,
Phút giây chừng mỏi gót phiêu lưu…

Cát bụi tung trời — Đường vất vả
Còn dài — Nhưng hãy tạm dừng chân,
Tưởng người trong chốn xa xăm ấy
Chẳng biết vui buồn đón xuân?

1937

***********

–Nghe Truyện-ký

Truyện-ký: VIỆT KIỀU

Tác giả: Trần Kiêm Đoàn (Hoa Kỳ)

***********