Tuesday, January 21, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

PTT Hoa Kỳ chỉ trích hành động ‘bắt nạt’ của Trung Quốc ở Biển Đông trong chuyến thăm Việt Nam

Phó Tổng thống (PTT) Hoa Kỳ Kamala Harris đã kêu gọi Việt Nam ủng hộ các nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc đối đầu với hành vi “bắt nạt” của Trung Quốc ở Biển Đông hôm 25/08, một ngày sau khi bà đưa ra chính sách ngoại giao của chính phủ Tổng thống (TT) Biden đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong một bài diễn văn tại Singapore.

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris gặp Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc gặp song phương tại Phủ Chủ tịch, ở Hà Nội, Việt Nam, hôm 25/08/2021. (Hình: Evelyn Hockstein/Pook/AFP/Getty Images).

PTT Harris cũng tuyên bố sẽ quyên tặng một lô vaccine COVID-19 mới cho Việt Nam, trong một nỗ lực rõ ràng nhằm chống lại chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc.

Đầu cuộc họp với Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, PTT Harris nói, “Thật sự là chúng ta cần tìm cách gây áp lực và tăng áp lực lên Bắc Kinh để [khiến Trung Quốc] tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, và để thách thức các hành động bắt nạt và những yêu sách hàng hải thái quá của nước này.” 

PTT Harris nói thêm rằng Hoa Kỳ sẽ “duy trì sự hiện diện mạnh mẽ tại Biển Đông” để đối đầu với Trung Quốc.

Bà Harris hiện đang ở điểm dừng chân thứ hai trong chuyến công du Á Châu của mình, sau khi kết thúc chuyến thăm kéo dài ba ngày đến Singapore trước khi đến Việt Nam vào tối muộn ngày 24/08. Bà dự kiến ​​sẽ rời Việt Nam vào ngày 26/08. Bà cũng đã gặp gỡ Phó Chủ tịch Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân hôm 25/08.

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris được chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tiếp tại Phủ chủ tịch, Hà Nội, Việt Nam, ngày 25/08/2021.
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris được chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tiếp tại Phủ chủ tịch, Hà Nội, Việt Nam, ngày 25/08/2021. (Hình REUTERS/POOL)
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: MANAN VATSYAYANA/POOL/AFP qua Getty Images)

Bà phó tổng thống cũng đã chỉ trích cách hành xử trên biển của Trung Quốc trong bài diễn văn của mình tại Singapore, khi nói rằng các hành động của Trung Quốc chỉ là “ép buộc” và “đe dọa.” Bà nói thêm rằng những hành động này “phá hoại trật tự dựa trên luật lệ và đe dọa chủ quyền của các quốc gia.”

Bắc Kinh đã tiến hành các chiến thuật gây hấn nhằm khẳng định các tuyên bố chủ quyền của họ tại Biển Đông, bất chấp phán quyết của tòa trọng tài quốc tế năm 2016 đã vô hiệu khẳng định về lãnh thổ của Trung Quốc. Các chiến thuật này bao gồm cử lực lượng dân quân hàng hải và tàu chấp pháp để ngăn ngư dân từ các quốc gia khác tiếp cận ngư trường trong vùng biển tranh chấp, cũng như gửi tàu nghiên cứu và khảo sát vào vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia lân cận.

Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan, và Việt Nam đều có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp.

Tuyên truyền của Trung Cộng

Chuyến đi Á Châu của PTT Harris diễn ra vào thời điểm nhà cầm quyền cộng sản ở Trung Quốc đang ráo riết thách thức vị trí lãnh đạo của Hoa Kỳ trên toàn cầu. Gần đây, Bắc Kinh đã tiến hành một chiến dịch tuyên truyền nhằm làm mất uy tín của Hoa Kỳ trong tư cách là một đồng minh và đối tác đáng tin cậy dựa trên cuộc rút quân gây xôn xao của Hoa Kỳ khỏi Afghanistan.

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đến dự lễ khai trương Văn phòng CDC khu vực Đông Nam Á, tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 25/08/2021.
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đến dự lễ khai trương Văn phòng CDC khu vực Đông Nam Á, tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 25/08/2021. (Hình REUTERS)

Trong một bài xã luận được phát hành hôm 24/08, tờ China Daily do nhà nước điều hành đã cáo buộc Hoa Thịnh Đốn xem mọi đối tác là đều “có thể hy sinh được.” Bài báo cũng cáo buộc bà Harris đã thực hiện một “cuộc tấn công vô căn cứ” nhắm vào Trung Quốc trong bài diễn văn của bà tại Singapore, và rằng bà đang cố “gây rạn nứt” giữa Bắc Kinh và các quốc gia Đông Nam Á.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang cố gắng nâng tầm ảnh hưởng địa chính trị bằng việc tận dụng chính sách ngoại giao vaccine COVID-19, bất chấp những lo ngại về tính hiệu quả của các loại vaccine Trung Quốc. Theo công ty nghiên cứu Bridge Consulting có trụ sở tại Bắc Kinh, khoảng 70% tổng số vaccine do Trung Quốc quyên tặng đã được dành cho các quốc gia tại khu vực Á Châu-Thái Bình Dương.

Hôm 24/08, trước khi PTT Harris đến Hà Nội, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã tổ chức một cuộc họp với đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, theo đó Bắc Kinh cho biết sẽ tặng 2 triệu liều vaccine COVID-19 cho Hà Nội. Ông Chính cũng nói với đại sứ Trung Quốc rằng bản thân Hà Nội sẽ không liên kết với nước này để chống lại nước khác.

Cũng trong ngày 24/08, truyền thông Việt Nam cho hay, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã nhận được 200,000 liều vaccine Sinopharm từ đối tác Trung Quốc. Cả Sinopharm và Sinovac đều do các nhà sản xuất vaccine Trung Quốc sản xuất.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris dự lễ ra mắt văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Đông Nam Á. (Hình EVELYN HOCKSTEIN / POOL / AFP qua Getty Images)

Trong cuộc gặp với ông Chính hôm 25/08, bà Harris đã thông báo rằng Hoa Kỳ sẽ tặng thêm 1 triệu liều vaccine Pfizer-BioNTech cho Việt Nam. Theo Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, số vaccine này của Hoa Kỳ sẽ đến trong vòng một ngày nữa, trong đó một nửa sẽ đến Hà Nội và nửa còn lại sẽ đến Thành phố Hồ Chí Minh. Đợt quyên tặng mới này nâng tổng số vaccine mà Hoa Kỳ đã tài trợ cho Việt Nam lên đến 6 triệu liều.

Hiện Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ chích ngừa thấp nhất thế giới. Theo trang Our World in Data, tính đến ngày 24/08, chỉ 1.9% dân số Việt Nam đã được chích ngừa đầy đủ.

Văn phòng CDC mới

Trong khi đó, Việt Nam hiện đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến thể Delta của virus Trung Cộng, thường được gọi là virus corona chủng mới, sau một đợt lây nhiễm liên quan đến một hội thánh ở Thành phố Hồ Chí Minh. Hôm 24/08, các quan chức y tế Việt Nam báo cáo 10,811 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm cả nước lên 369,367 ca.

Hoa Kỳ cũng sẽ cung cấp cho Việt Nam 23 triệu USD tiền viện trợ để giúp Hà Nội chống lại COVID-19, mở rộng phân phối và tiếp cận vaccine, cũng như chuẩn bị cho các mối đe dọa dịch bệnh trong tương lai.

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris phát biểu trong lễ ra mắt chính thức Văn phòng Khu vực Đông Nam Á CDC Hoa Kỳ tại Hà Nội vào ngày 25 tháng 8 năm 2021. (Hình của EVELYN HOCKSTEIN / POOL / AFP qua Getty Images)

PTT Harris cũng thông báo về việc ra mắt một văn phòng khu vực mới của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC). Văn phòng Đông Nam Á mới đặt tại Hà Nội sẽ là một trong bốn văn phòng khu vực của CDC trên toàn thế giới.

Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ Xavier Becerra cho biết trong một tuyên bố rằng, “Thông qua văn phòng này, chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong khu vực để chia sẻ các chiến lược và tăng cường năng lực của nhau trong việc ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa từ bệnh truyền nhiễm, ở hiện tại và trong tương lai.”

Bà Harris cũng tham dự một sự kiện an ninh y tế cùng các bộ trưởng y tế của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào ngày 25/08. (ETV)