Phát hiện nhiễm bẩn DNA trong vắc-xin COVID-19 của Pfizer
Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Journal of High School Science, ngày 29/12, đã làm dấy lên lo ngại về mức độ an toàn của vắc-xin Pfizer ngừa COVID-19.
Theo đó, các nhà khoa học phát hiện vắc-xin mRNA của Pfizer chứa hàm lượng DNA còn sót lại vượt xa mức cho phép theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), gây ra những nghi vấn về rủi ro sức khỏe lâu dài cho người sử dụng.
Nghiên cứu được thực hiện tại phòng thí nghiệm White Oak Campus của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) ở Maryland, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học có chuyên môn cao.
Kết quả cho thấy lượng DNA dư thừa trong vắc-xin Pfizer có thể cao gấp 6 đến 470 lần so với giới hạn an toàn do WHO đề ra. Đây là một con số gây sốc, làm dấy lên những lo ngại về khả năng vắc-xin này có thể gây ra tác động tiêu cực đối với sức khỏe con người trong tương lai.
DNA còn sót lại trong vắc-xin là những mảnh nhỏ của vật liệu di truyền có thể tồn tại sau quá trình sản xuất. Chúng thường đến từ các tế bào hoặc quy trình được sử dụng để tạo ra vắc-xin.
Theo hướng dẫn của WHO, mỗi liều vắc-xin chỉ được phép chứa tối đa 10 nanogram DNA còn sót lại. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy nhiều lô vắc-xin Pfizer đã vượt quá giới hạn này, với mức độ nhiễm bẩn thay đổi tùy theo từng lô vắc-xin được phân tích.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng 2 phương pháp đo lường là NanoDrop và Qubit để xác định mức độ DNA còn sót lại. Kết quả từ cả 2 phương pháp đều khẳng định rằng lượng DNA trong vắc-xin vượt xa ngưỡng chấp nhận được.
Nghiên cứu này phân tích 6 lọ vắc-xin được lấy từ 2 lô khác nhau, do BEI Resources – một đơn vị cung cấp có liên kết với Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ – cung cấp.
Mặc dù nghiên cứu chưa đưa ra kết luận cụ thể về mức độ nguy hiểm của các mảnh DNA này, các nhà khoa học cảnh báo rằng rủi ro tiềm ẩn không thể xem nhẹ.
Về mặt lý thuyết, các mảnh DNA còn sót lại có khả năng tích hợp vào bộ gen của con người, làm tăng nguy cơ đột biến gen và gây ra các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Đặc biệt, các mảnh DNA này có thể chứa oncogen – một loại gen có khả năng kích thích sự phát triển của tế bào ung thư.
Kevin McKernan, nhà sáng lập công ty Medicinal Genomics, mô tả phát hiện này là một “quả bom tấn” trong lĩnh vực y tế. Theo ông, các mảnh DNA trong vắc-xin có thể kích thích quá mức hệ miễn dịch và gây ra các phản ứng bất thường, bao gồm cả nguy cơ phát triển ung thư.
Trong một cuộc phỏng vấn với nhà báo điều tra Maryanne Demasi, người đầu tiên đưa thông tin nghiên cứu ra công chúng, McKernan cho biết: “Việc tiêm các liều vắc-xin tăng cường chứa DNA lạ có thể tạo ra điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ung thư theo thời gian. Đây là một vấn đề cần được xem xét nghiêm túc”.
Cùng quan điểm với McKernan, giáo sư Nikolai Petrovsky – Giám đốc nghiên cứu của công ty sản xuất vắc-xin Vaxine tại Úc, cho rằng những phát hiện này là bằng chứng rõ ràng cho thấy cần có sự giám sát chặt chẽ hơn từ các cơ quan quản lý.
Ông Petrovsky còn cáo buộc FDA đã cố tình che giấu thông tin quan trọng này với công chúng, vì nghiên cứu được thực hiện ngay trong phòng thí nghiệm của FDA và dưới sự giám sát của các nhà khoa học trực thuộc cơ quan này.
“Rõ ràng FDA đã biết về dữ liệu này. Thế nhưng họ đã chọn cách phớt lờ, khiến công chúng không được tiếp cận với những thông tin quan trọng liên quan đến sức khỏe và an toàn của mình”, ông Petrovsky nhấn mạnh.
Hiện tại, FDA vẫn chưa đưa ra bất kỳ phản hồi chính thức nào về nghiên cứu trên. Trong khi đó, các báo cáo về tình trạng nhiễm bẩn DNA trong vắc-xin COVID-19 đã được lan truyền trong nhiều năm qua. Dù vậy, các cơ quan quản lý của Mỹ, bao gồm FDA, liên tục bác bỏ các lo ngại này, khẳng định rằng lượng DNA còn sót lại trong vắc-xin không đủ để gây nguy hại cho sức khỏe con người. (T/H, SKDS)