Sunday, November 3, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Pháp và Úc tuyên bố hòa giải, đồng hỗ trợ vũ khí cho Kiev


Mối quan hệ Pháp – Úc bị rạn nứt kể từ sau cuộc khủng hoảng tầu ngầm năm 2021 nay đã được hàn gắn. Tại Paris, sau cuộc họp 2+2, các bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại Giao của hai nước hôm 30/01/2023, thông báo cung cấp cho Ukraina đạn 155 ly do Pháp và Úc đồng sản xuất. 

Tổng trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles (ngoài cùng bên trái) và Tổng trưởng Ngoại giao Úc Penny Wong (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh cùng người đồng cấp Pháp. Hình AFP

Theo thông cáo chung do bộ Ngoại Giao Pháp công bố, Tổng trưởng Quốc Phòng Pháp Sebastien Lecornu nêu rõ « hàng ngàn pháo 155 ly sẽ do hai nước cùng sản xuất » và đợt giao hàng đầu tiên dự kiến là trong quý I/2023. 

Lãnh đạo Quốc Phòng Pháp khẳng định sáng kiến này giúp cho ngành công nghiệp vũ khí của hai nước sản xuất nhanh hơn, nhưng không làm ảnh hưởng đến nguồn ngân sách cũng như nguồn đạn dự trữ của quân đội Pháp và Úc. 

Bên trong dây chuyền chế tạo đạn pháo 155 mm ở tiểu bang Queensland, Úc, hồi năm 2022. Hình The Australian

Về phần mình, Tổng trưởng Quốc Phòng Úc Richard Marles, hoan nghênh một « dự án trị giá nhiều triệu đô la » Úc và một « chương trình hợp tác mới giữa hai nền công nghiệp quốc phòng Úc – Pháp ». 

Hợp đồng chế tạo đạn sẽ do tập đoàn Nexter của Pháp thực hiện. Phía Úc đảm trách việc cung cấp thuốc nổ. Đạn 155 ly được sử dụng nhiều trong các loại pháo được phương Tây giao cho Ukraina trong cuộc chiến chống quân Nga xâm lược như Caesar của Pháp, M777 của Mỹ hay Panzerhaubitze 2000 của Đức. 

Từ phải qua: Tổng trưởng Quốc Phòng Pháp Sebastien Lecornu, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna, Tổng trưởng Quốc Phòng Úc Richard Marles và Ngoại trưởng Úc Penny Wong, họp báo ngày 30/01/2023, tại Paris, Pháp. Hình EPA

Ngoài ra, trong tuyên bố chung, các Tổng trưởng Pháp và Úc cũng nhấn mạnh đến « tầm quan trọng của hòa bình và sự ổn định tại eo biển Đài Loan và kêu gọi giải quyết ôn hòa những vấn đề có liên quan giữa đôi bờ thông qua đối thoại, mà không đe dọa dùng vũ lực hay cưỡng chế. » 

Hãng tin Pháp AFP nhắc lại, quan hệ giữa Paris và Canberra đã bị xấu đi vào tháng 9/2021 khi chính phủ tiền nhiệm Úc đột ngột hủy hợp đồng trị giá 90 tỷ đô la, liên quan đến việc thiết kế và lắp ráp 12 tầu ngầm do tập đoàn Naval Group của Pháp thực hiện, để đổi lấy tầu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Anh, Mỹ. (T/H, RFI)